13 năm thảm họa động đất sóng thần Nhật: Cuộc chiến chưa hồi kết với tự nhiên

Từ thảm họa kép động đất sóng thần 13 năm trước, nhìn lại sự chủ động của người dân Nhật trong cuộc chiến chưa có hồi kết với tự nhiên.

Thảm họa kép động đất sóng thần lịch sử xảy ra vào ngày 11-3-2011 đã in sâu vào tâm trí người dân Nhật về cơn thịnh nộ của tự nhiên. Điều dễ nhận thấy sau thảm họa này là sự nâng cao ý thức ứng phó với thiên tai của người dân Nhật.

Nhìn lại thảm họa kinh hoàng

2 giờ 46 phút chiều 11-3-2011, trận động đất kinh hoàng mạnh 9 độ richter xảy ra ở đông bắc Nhật. Đây là trận động đất có cường độ mạnh nhất từng được ghi nhận tại đất nước này tính từ khi thế giới bắt đầu ghi nhận hoạt động địa chấn (năm 1900).

Động đất đã tạo ra cơn sóng thần cao hơn 40 m, di chuyển nhanh chóng với tốc độ 700 km/giờ tàn phá khu vực ven biển và nhiều thành phố.

Sóng thần càn quét qua tỉnh Miyagi (Nhật) hồi năm 2011. Ảnh: AP

Thảm họa kép động đất sóng thần ảnh hưởng nặng đến vùng đông bắc nói riêng và toàn bộ nước Nhật nói chung về mọi mặt. Nặng nề nhất có thể kể đến 3 tỉnh: Iwate, Fukushima và Miyagi.

Theo báo cáo chính thức của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật, thảm họa kép động đất sóng thần đã khiến 15.894 người thiệt mạng và 6.152 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 235 tỉ USD, trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại.

Bên cạnh sự tàn phá về người và của, thảm họa kép động đất sóng thần đã gây ra thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Cụ thể, sóng thần đã làm ngập nhà máy, làm hỏng các hệ thống làm mát và nguồn điện của nhà máy, dẫn đến rò rỉ phóng xạ tại 3 lò phản ứng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) phân loại thảm họa hạt nhân Fukushima ở mức 7 (mức cao nhất), gần như cùng tầm cỡ với thảm họa Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986.

Theo hãng tin AP, các vụ nổ tại các lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã làm không khí nhiễm phóng xạ. Người dân trong khu vực bán kính 20 km quanh nhà máy được yêu cầu sơ tán khẩn cấp.

Cho tới nay, hậu quả từ sự cố trên vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, nhiều cư dân sinh sống ở Fukushima vẫn chưa dám quay trở về.

Hàng năm, cứ đến đúng ngày 11-3, người dân Nhật đều đồng lòng cúi đầu, dành một phút tưởng niệm tới nạn nhân của thảm họa kép động đất sóng thần này. Tất cả mọi người trải qua khoảng thời gian này đều không thể nào quên những tổn thất về vật chất và tinh thần mà chúng để lại.

Ứng phó chủ động

Kể từ năm 1923, sau trận động đất Kanto đã cướp đi sinh mạng của hơn 105.000 người, chính phủ Nhật đã ban hành nhiều đạo luật nhằm ứng phó với động đất và hạn chế tổn thất ít nhất có thể. Nhật cũng đã nghiên cứu thiết kế các kiến trúc nhà ở, văn phòng có khả năng chống chọi với động đất.

Ông Yoshinaki Nakano – chuyên gia kỹ thuật động đất tại Viện nghiên cứu Khoa học Trái Đất và Phục hồi thiên tai (Nhật), cho biết thảm họa động đất năm 1923 đã thức tỉnh người dân trong việc thiết kế những công trình chống địa chấn.

Vị chuyên gia cho biết thêm quy định xây dựng nhà ở tại Nhật có thể xem là nghiêm ngặt nhất thế giới.

Một tòa nhà căn hộ được gia cố thêm để tránh động đất. Ảnh: Toru Hanai/BLOOMBERG

Theo kỹ sư Keith Porter tại Viện Giảm thiểu rủi ro thảm kịch (Canada), việc ứng phó với những trận động đất thường xuyên tại Nhật thường dựa trên kinh nghiệm từ những sự kiện trong quá khứ. Cũng vì thế, Luật tiêu chuẩn xây dựng năm 1950 và Bản sửa đổi năm 1981 đã ra đời.

Những công trình kiến trúc của Nhật, đặc biệt là các nhà cao tầng, thường xuyên được cải tiến về chất liệu và công nghệ. Chẳng hạn, đất nước này đã áp dụng hệ thống "cách ly nền” (tách nền nhà khỏi móng bằng cách thêm lò xo hoặc thanh dẫn) theo khuyến nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới, theo đài DW. Nhờ vậy, sau khi trải qua những trận động đất những năm gần đây, mặc dù các tòa nhà có bị rung lắc nhưng không hề bị sụp đổ.

Bên cạnh đó, Nhật vô cùng chú trọng đến công tác giáo dục trẻ em trong việc ứng phó với động đất. Tại đây, nhà trường, từ mầm non cho tới cấp III, thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn, giả định để hướng dẫn những kỹ năng cơ bản giúp các em tự biết cách bảo vệ bản thân trước những tình huống bất ngờ.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế, mô phỏng trận động đất sát với thực tế, từ đó học sinh sẽ vận dụng được những kĩ năng thiết yếu đã học.

Kể từ năm 1960, Nhật đã chọn ngày 1-9 là ngày phòng chống thiên tai toàn quốc. Cho tới nay, công cuộc ứng phó với thiên tai của người dân Nhật vẫn diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi.

“Có lẽ không có dân tộc nào trên Trái Đất ngoài người Nhật có mức độ sẵn sàng ứng phó với thảm họa như vậy” – GS Toshitaka Katada thuộc ĐH Tokyo nhận định với hãng thông tấn AP.

Điều này dần trở thành truyền thống phản ánh phẩm chất tốt đẹp của người dân xứ Phù Tang.

Không thể chủ quan

Do nằm dọc vành đai lửa Thái Bình Dương – nơi mà hoạt động dịch chuyển của các mảng kiến tạo diễn ra phức tạp, Nhật thường xuyên hứng chịu nhiều trận động đất nặng nề.

Mặc dù đã trang bị rất nhiều thiết bị phát hiện địa chấn tiên tiến bậc nhất thế giới, cũng như có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công cuộc ứng phó với thiên tai, Nhật vẫn chịu nhiều tổn thất lớn trước mỗi trận động đất xảy ra.

Ngay ngày đầu tiên trong năm 2024, trận động đất 7,6 độ richter đã xảy ra ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh người dân Nhật, báo hiệu một năm khó khăn trong việc chống chọi với động đất.

Cũng trong cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, nhiều trận động đất được ghi nhận tại Chiba. Mặc dù cơn địa chấn xảy ra với cường độ trung bình nhưng chúng đã gây ảnh hưởng tới các vùng lân cận, trong đó có thủ đô Tokyo.

Một khu vực ở TP Wajima (tỉnh Ishikawa) cháy rụi hôm 2-1, sau khi trận động đất 7,6 độ Richter tấn công tỉnh này. Ảnh: KYODO NEWS

Theo tờ The Japan Times, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân cần thận trọng bởi họ chưa thể nào dự đoán khi nào động đất sẽ xảy ra.

Tại Chiba, người dân đã tăng cường mua hàng tích trữ để phòng khi có động đất. Trong đó, nước uống và nhà vệ sinh di động chính là thứ được mọi người mua nhiều nhất.

Trong giai đoạn này, Cơ quan Khí tượng Nhật đang nỗ lực vận động người dân trong khu vực nguy hiểm luôn phải cảnh giác với bất cứ nguy cơ địa chấn nào. Đối phó với chúng chính là cách hữu hiệu để bảo vệ mạng sống của con người.

GS Fumihiko Imamura thuộc ĐH Tokohu (TP Sendai, Nhật) chỉ ra rằng người dân cần phải trang bị kiến thức địa lý về thành phố đang sống.

Ông chia sẻ thêm: “Việc thúc đẩy văn hóa chuẩn bị ứng phó với thảm họa là cần thiết”.

Đối với các nhà địa chấn học, họ sẽ nghiên cứu thêm để hiểu về tình hình hoạt động địa chấn và đưa ra những dự báo chất lượng hơn về sau.

LONG VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/13-nam-tham-hoa-dong-dat-song-than-nhat-cuoc-chien-chua-hoi-ket-voi-tu-nhien-post779716.html