Vẫn vững vàng 2 trụ cột công nghiệp và thương mại

Ngày này cách đây 73 năm, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

Hành trình đầy tự hào

73 năm trước, giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp có những bước chuyển mang tính chiến lược, khi Đảng ta vừa ra công khai hoạt động sau Đại hội lần thứ II và chính thức hóa vai trò lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

Đây là sự kiện vô cùng quan trọng không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của ngành Công Thương cả nước mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc khẳng định vai trò, sứ mệnh của ngành Công Thương trên hai lĩnh vực thương mại và công nghiệp, trao truyền cho ngành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong kháng chiến và dựng xây cơ sở vật chất làm nền tảng cho phát triển đất nước.

Trải qua chặng đường 73 năm, dù dưới tên gọi nào, mô hình tổ chức nào, Bộ Công Thương cũng là một bộ kinh tế đa ngành, luôn giữ vai trò tiên phong trong phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhất là về hội nhập kinh tế.

Ngành Công Thương hiện đã bao quát đến 70% GDP cả nước

Ngành Công Thương hiện đã bao quát đến 70% GDP cả nước

Sự phát triển vững mạnh của các trụ cột công nghiệp và thương mại ngay trong lòng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo ra nền tảng hạ tầng kỹ thuật - kinh tế căn bản cho công cuộc kiến thiết sau này.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc tháng 10/1954, ngành Công Thương bước vào cuộc chiến đấu mới với tư thế mới, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam, phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước.

Đến cuối năm 1975, ở miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa đã hình thành một nền công nghiệp tự chủ. Cơ cấu công nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh hơn, bao gồm các ngành công nghiệp nặng như: Điện, than, gang thép, chế tạo máy công cụ; công nghiệp hóa chất; công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm. Song song đó là một mạng lưới thương nghiệp rộng khắp tỏa đến các bản làng. Đây cũng là thời kỳ ngành Công Thương cùng cả nước tích cực khôi phục hạ tầng công nghiệp, thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, trăn trở cho những bước đi mới phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước.

Hòa nhịp cùng sự nghiệp đổi mới, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Công Thương kịp thời điều chỉnh cơ cấu, coi trọng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đây cũng là thời kỳ ngành Công Thương tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều chính sách mở rộng quan hệ ngoại thương.

Đến thời điểm năm 2000 tổng số nước có quan hệ ngoại thương với Việt Nam từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước và vùng lãnh thổ. Đây cũng là thời điểm nước ta ra khỏi danh sách các nước có nền ngoại thương kém phát triển. Đến nay cùng với 16 FTA đã ký kết, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội kết nối, tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Cán cân thương mại liên tục thặng dư từ 2016 đến nay, năm sau cao hơn năm trước, cùng mức xuất siêu liên tiếp đạt nhiều kỷ lục mới. Các FTA đã mở đường cho những mặt hàng có thế mạnh như điện tử, dệt may, thủy sản, da giày, sữa, hàng nông sản… tới những chân trời thị trường mới.

Lớn mạnh cùng đất nước

Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi cơ cấu, tổ chức và tên gọi, ngành Công Thương đã lớn mạnh cùng đất nước. Cho tới nay ngành Công Thương đã bao quát đến 70% GDP, trải dài trên nhiều lĩnh vực hoạt động từ sản xuất, kinh doanh tới bảo đảm cung cầu thị trường cùng một hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế. Ngành Công Thương đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một ngành kinh tế đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đi đầu trong chủ động, tích cực hội nhập.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, vượt lên các khó khăn thách thức của môi trường kinh tế cũng như vượt lên những khó khăn, thách thức của chính mình, ngành Công Thương hiện đã phát triển toàn diện, có nhiều đóng góp quan trọng vào củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bài học luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh được ngành Công Thương xác định là tư tưởng, phương châm hành động để luôn tìm ra những giải pháp vừa bảo đảm hiệu lực quản lý, điều hành, vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển.

Có thể khẳng định, ngành Công Thương luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, quản lý bao trùm nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước cũng như chăm lo đời sống cho nhân dân. Mỗi thành công của cách mạng Việt Nam đều mang đậm dấu ấn thành tích của ngành Công Thương Việt Nam qua các thời kỳ.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, từ năm 2021 đến nay, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã quán triệt quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng, triển khai chương trình hành động của ngành Công Thương bằng tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, chủ động, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, tự lực, tự cường vì lợi ích quốc gia, dân tộc” tập trung cho 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Chủ động phát hiện những điểm nghẽn của nền kinh tế để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh.

Yêu cầu mới đòi hỏi ngành Công Thương không chỉ phát huy mạnh mẽ truyền thống song hành cùng lịch sử đấu tranh và dựng xây đất nước mà còn cần có những đổi mới cao hơn, mạnh mẽ hơn.

Không thỏa mãn, bằng lòng với những gì đã đạt được, trên cơ sở nắm chắc 2 trụ cột là công nghiệp và thương mại, trong bối cảnh phát triển mới với những đòi hỏi mới, ngành Công Thương tiếp tục đi sâu thực hiện 5 nhiệm vụ. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại.

Tập trung sắp xếp lại bộ máy, nhân sự; chấn chỉnh, xốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Biết bao thế hệ người Công Thương đã không tiếc mồ hôi, công sức và cả xương máu để có được lịch sử vẻ vang của ngành Công Thương suốt 73 năm phát triển. Đó luôn là niềm tự hào, đồng thời là lời nhắc, là động lực để những người Công Thương hôm nay luôn nỗ lực bằng trách nhiệm của mình cùng cả nước vươn tới những đỉnh cao phát triển mới.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-vung-vang-2-tru-cot-cong-nghiep-va-thuong-mai-319931.html