Tư vấn tâm lý học đường: Những 'nút thắt' cần được tháo gỡ

Hoạt động tư vấn tâm lý học đường không chỉ cần thiết cho học sinh, mà giáo viên, nhà trường và phụ huynh đều được hưởng lợi.

Hơn 10 năm phụ trách tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ tâm lý cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên từ cấp tiểu học đến đại học, tôi thấy được nhiều “nút thắt” của nhà quản lý trong việc triển khai hoạt động rất cần thiết này.

Đơn cử, một số trường còn nhầm lẫn về vai trò, vị trí của phòng tư vấn, chuyên viên tư vấn đẫn đến không đầu tư đúng mức. Đánh giá chưa đủ tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học sinh khi coi nó giống như một người có trải nghiệm chia sẻ và khuyên bảo học sinh, trong khi khuyên bảo không phải là công việc của một chuyên viên tâm lý…

 Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) trong ngày thứ năm hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) trong ngày thứ năm hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Để hoạt động tư vấn tâm lý học sinh đạt hiệu quả cao, thiết thực, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để tranh thủ sự đồng thuận, quyết tâm phối hợp thực hiện từ gia đình, nhà trường và xã hội… Hoạt động truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Tránh kiểu làm theo chiến dịch, phong trào, hoặc khi có vấn đề mới đến phòng tư vấn như một số học sinh và phụ huynh vẫn nghĩ.

Cạnh đó, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm tư vấn học đường phải được tập huấn, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời đảm bảo nguyên tắc – đạo đức tư vấn tâm lý.

Tuy nhiên, bồi dưỡng giáo viên kiêm nhiệm chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài cần GV chuyên trách có chuyên môn tâm lý học, được đào tạo chuyên sâu, bài bản về tâm lý học đường.

Ngoài ra, việc lập kế hoạch, triển khai kế hoạch tư vấn tâm lý học đường cần có sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục và chuyên gia tâm lý khác, giám sát chuyên môn… để đảm bảo tính khách quan, tin cậy của chương trình.

Thêm một vấn đề không nhỏ nhưng lâu nay chưa được quan tâm xứng đáng, đó chính là xây dựng chế độ thù lao phù hợp để giáo viên kiêm nhiệm và chuyên trách tư vấn tâm lý học đường yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Để tư vấn tâm lý học đường thu hút học sinh, ngoài hình thức trực tiếp tại phòng tư vấn, các trường nên linh hoạt lồng ghép các kiến thức, kỹ năng này vào hoạt động nhóm như: sinh hoạt chuyên đề, tiết học kỹ năng sống, lập hộp thư tay, group nhỏ to tâm sự, facebook và fanpage kết nối học sinh…

Tất cả những cách trên đều nhằm mục đích gãi đúng chỗ ngứa của học sinh, khuyến khích các em bày tỏ vấn đề đang gặp phải một cách tự nhiên. Từ đó, các em sẽ được hỗ trợ kịp thời, đúng cách. Và nếu cần, nhà trường có thể phối hợp với gia đình học sinh để cùng giúp đỡ, đồng hành cùng các em vượt qua khó khăn.

Tất cả những điều trên cho thấy, hoạt động tư vấn tâm lý học đường không chỉ cần thiết cho học sinh, mà giáo viên, nhà trường và phụ huynh đều được hưởng lợi.

ThS LÊ MINH HUÂN - Nguyên giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-nhung-nut-that-can-duoc-thao-go-post790294.html