Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 2.000 người bị ngộ độc và 6 người tử vong. Trong đó có những vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc, nhập viện và điều trị như: quán cơm gà Trâm Anh tại tỉnh Khánh Hòa, tiệm bánh mì Cô Băng tại tỉnh Đồng Nai, bếp ăn tập thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc… Phần lớn nguyên nhân ngộ độc đều do vi sinh vật (salmonella trong các món gà, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, thịt nguội… ) gây ra.

 Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Thiếu nguồn nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống ngộ độc thực phẩm; việc thực hiện thể chế trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cơ sở; công tác kiểm soát các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh trật tự của địa phương, đơn vị. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm, nhưng số lượng người bị ngộ độc lại tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các văn bản có liên quan. Đặc biệt người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguyên liệu trước khi chế biến, chỉ sử dụng nguyên liệu đã được kiểm soát phù hợp các quy định của ngành Nông nghiệp, Công Thương. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ. Các địa phương, bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người đến các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm… góp phần hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ở mức thấp nhất có thể.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/trong-5-thang-dau-nam-2024-ca-nuoc-da-xay-ra-36-vu-ngo-doc-thuc-pham-73534.html