Thiếu giáo viên: Hệ quả dễ thấy từ chủ trương 'xóa sổ' trường cao đẳng sư phạm

TS Lê Viết Khuyến: 'Thật đáng lo ngại và khó lường hết hậu quả nếu xóa sổ hoàn toàn tất cả các trường cao đẳng sư phạm địa phương'.

Theo Dự thảo Tờ trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ và công bố ngày 22/3, tình trạng thừa, thiếu cục bộ đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Dự báo tới năm học 2024-2025, ở cấp tiểu học, cả nước thiếu 12.401 giáo viên, còn ở cấp trung học cơ sở thiếu hơn 18.000.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển giáo viên tiểu học, trung học cơ sở tốt nghiệp cao đẳng, thay vì chỉ tuyển giáo viên trình độ đại học như yêu cầu của Luật Giáo dục 2019.

Trước thực trạng thiếu giáo viên và đề xuất tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: PM

Phóng viên: Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất, những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì chỉ tuyển giáo viên trình độ đại học như quy định của Luật Giáo dục hiện hành, việc này sẽ áp dụng với một số môn học cho đến năm 2028. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì xuất phát từ thực trạng thiếu giáo viên nên cần cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng.

Như vậy, có thể thấy, thực tế hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với lo ngại thiếu giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở.

Bởi lẽ, trước khi Luật Giáo dục 2019 được ban hành, các trường cao đẳng sư phạm được tuyển sinh, đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trình độ cao đẳng.

Nhưng theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cũng cần phải có trình độ đại học trở lên. Từ đây, các trường cao đẳng sư phạm bị thu hẹp quy mô đào tạo, chỉ còn được đào tạo giáo viên mầm non.

Các trường cao đẳng sư phạm vốn có truyền thống đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở trong hàng chục năm qua. Nhưng chúng ta đột ngột cắt giảm chỉ tiêu, thu hẹp hoạt động của các trường, thậm chí có một số trường bị xóa sổ, bị sáp nhập với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác sứ mệnh, điều này dẫn tới hệ quả là thiếu nguồn tuyển giáo viên.

Và cũng chính vì vậy mà buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đề xuất hạ chuẩn giáo viên trong tuyển dụng.

Cũng theo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ, dự báo tới năm học 2024-2025, ở cấp tiểu học, cả nước thiếu 12.401 giáo viên, còn cấp trung học cơ sở thiếu hơn 18.200.

Hai năm qua, ngành giáo dục được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mỗi năm, nhưng chỉ tuyển được hơn một nửa. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một nguyên nhân chính là số sinh viên tốt nghiệp hạn chế (chủ yếu với các môn tích hợp, nghệ thuật); nhiều cử nhân sư phạm Tin học, Ngoại ngữ không có nhu cầu theo nghề.

Trong khi đó, số học sinh ngày càng tăng. So với năm học 2015-2016, bình quân cấp tiểu học tăng 3,7 học sinh một lớp, trung học cơ sở tăng 4 học sinh/lớp.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải nhìn lại vấn đề thiếu giáo viên hiện nay.

Quy mô học sinh tiểu học, trung học cơ sở tăng lên chỉ là một phần nguyên nhân của vấn đề này.

Nguyên nhân thứ hai và quan trọng hơn, là do chúng ta đã xóa sổ hàng loạt các trường cao đẳng sư phạm. Phải nhìn thẳng vấn đề này, vì quy mô học sinh tiểu học, trung học cơ sở ngày càng tăng nhưng số lượng giáo viên được đào tạo ở hai cấp học này lại bị giảm (do yêu cầu về chuẩn trình độ giáo viên, các trường cao đẳng sư phạm không được phép đào tạo) thì thiếu giáo viên là một hệ lụy dễ nhìn thấy.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong thời gian qua đã nhiều lần lên tiếng và cảnh báo vấn đề này. Và thực tế đã cho thấy những hệ quả không mong muốn từ chủ trương vội vàng xóa sổ các trường cao đẳng sư phạm.

Thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chính vì chúng ta vội vàng xóa bỏ các trường cao đẳng sư phạm, xóa đi chức năng, sứ mệnh đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở của các trường cao đẳng sư phạm.

Theo Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì đến năm 2030, chúng ta sẽ không còn các trường cao đẳng sư phạm nữa. Điều này thật đáng lo ngại, cơ quan quản lý Nhà nước liệu đã tính toán, lường trước hệ lụy nếu xóa sổ hết các trường cao đẳng sư phạm hay chưa? Rồi tương lai, chúng ta không chỉ thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mà còn sẽ thiếu nhiều giáo viên mầm non nữa.

Phóng viên: Như vậy, có thể thấy, các trường cao đẳng sư phạm đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn, phải chăng dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần được điều chỉnh, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước đây, chúng ta thực hiện phân tầng hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên theo sứ mệnh, có những trường trọng điểm quốc gia, các trường sư phạm trung ương thì chủ yếu đào tạo giáo viên trung học phổ thông, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo sau đại học.

Còn các trường sư phạm địa phương (cao đẳng sư phạm và đại học địa phương) có nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, trách nhiệm của các địa phương là phải đặt hàng cho các trường trực thuộc địa phương mình, để đào tạo nhân lực ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu của địa phương đó.

Theo cách phân tầng cho các cơ sở đào tạo theo sứ mệnh như vậy, đội ngũ giáo viên qua các năm tương đối ổn định.

Thế nhưng, cách đây khoảng 5 năm, có xu hướng chỉ đạo từ phía cơ quan quản lý nhà nước là cào bằng, không còn thực hiện phân cấp theo sứ mệnh của các trường nữa, theo quan điểm: “Không nên xác lập khái niệm trường trọng điểm, trường quốc gia, trường địa phương, không nên duy trì cơ chế chủ quản .Tất cả đều có cơ hội bình đẳng, đào tạo cho cả nước. Vị thế của mỗi trường được xác lập do chính trường mình thông qua chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Đây là sai lầm trong chỉ đạo từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Các trường địa phương so với các trường trung ương là “sinh sau đẻ muộn”, đầu tư ít. Trường địa phương sao có thể bằng các trường trọng điểm quốc gia, các trường không thể có sứ mệnh như nhau, trường địa phương không thể đảm đương sứ mệnh đào tạo nhân lực cho cả nước.

Nhiều văn bản pháp quy quản lý nhà nước về giáo dục đã hạn chế tính năng động cần có của các trường địa phương, cụ thể như: cào bằng “chuẩn” về chính sách và năng lực giữa các trường trung ương với các trường địa phương; đưa vào cơ chế “ đặt hàng, đấu thầu” để thay thế cho cơ chế “phân cấp nhiệm vụ” trong đào tạo giáo viên; không cho các trường đại học địa phương được đào tạo đa cấp; đưa cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học; hợp nhất các trường địa phương với các trường khác sứ mệnh, khác đẳng cấp, khác địa phương;...

Thời gian qua, có một số trường đại học địa phương đã sáp nhập hoặc lên đề án sáp nhập với các đại học quốc gia, đại học vùng, tức là sáp nhập với cơ sở giáo dục đại học có đẳng cấp cao hơn, khác về sứ mạng.

Hay thực tế có một số trường cao đẳng sư phạm địa phương lại sáp nhập với trường nghề - vốn có đẳng cấp thấp hơn mình.

Đây đều là những hướng đi sai lầm trong quá trình quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đã dẫn tới sự teo tóp của các trường cao đẳng sư phạm như hiện nay.

Hiện chúng ta đang sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, từ chỗ mỗi tỉnh, thành phố có một trường sư phạm thì hiện nay cả nước chỉ còn 18 trường cao đẳng sư phạm, trong đó có 3 trường cao đẳng sư phạm Trung ương.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải quay về với chỉ đạo bao lâu nay, là phân cấp nhiệm vụ đào tạo cho các trường địa phương theo sứ mệnh.

Phóng viên: Vậy ông nghĩ sao về trách nhiệm của địa phương đối với sự tồn tại và phát triển của các trường cao đẳng sư phạm?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nhìn từ góc độ địa phương có thể thấy, lãnh đạo không ít địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình như quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Khoản 5 Điều 105 của Luật Giáo dục 2019 quy định:

“… Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn;

Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý;

Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương;

Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương…”

Nhưng thời gian qua, có thể thấy một số địa phương đã lên phương án cho trường địa phương sáp nhập với các đại học quốc gia, chính những địa phương đó đã “bỏ rơi đứa con” của mình, bỏ trách nhiệm chăm lo, phát triển các trường địa phương.

Phóng viên: Vậy trong bối cảnh muôn vàn khó khăn như vậy, giải pháp nào để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay và giải pháp nào cho sự tồn tại, phát triển của các trường cao đẳng sư phạm, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến:Trước hết, xem xét lịch sử phát triển của giáo dục Việt Nam, chúng ta phải thấy rằng, nhu cầu về giáo viên không phải lúc nào cũng đi vào ổn định, mà sẽ luôn có sự biến động, lúc thừa lúc thiếu.

Tùy vào từng thời điểm, có thể đối với nhóm giáo viên này là thừa nhưng đối với nhóm giáo viên khác lại thiếu, tình trạng thừa cục bộ và thiếu cục bộ giáo viên vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Vậy giải quyết bài toán này như thế nào?

Trước mắt, cơ bản phải giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay, thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) hệ thống này thành: các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và nâng cấp trình độ đào tạo của các cơ sở sư phạm địa phương cho phù hợp với các yêu cầu của Luật Giáo dục 2019. Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành liên cấp chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ. Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương (ưu tiên cho các trường trong địa phương) theo đúng tinh thần của Nghị định 116. Không khuyến khích đặt hàng đại trà (ở quy mô toàn quốc) trong đào tạo giáo viên cho các địa phương.

Chấm dứt tình trạng cấp ngân sách đào tạo sinh viên sư phạm “vãng lai” tại các trường sư phạm trung ương.

Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định chuẩn của các cơ sở sư phạm (trọng điểm, trung ương, địa phương), chuẩn chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.

Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên (như theo Luật Giáo dục 2019) phải có tiến độ phù hợp và gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo (lên trình độ đại học) của các cơ sở sư phạm.

Riêng đối với những trường sư phạm trong thời gian còn chưa đạt chuẩn đại học như quy định ở Luật Giáo dục sửa đổi 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm).

Về lâu dài, các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương hoặc phát triển thành các trường đại học địa phương đa cấp đa lĩnh vực hoàn chỉnh (Community College / University College / Rural University), để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn (do nhiều lý do khác nhau như: chuyển đổi tiếp cận giáo dục từ truyền thụ kiến thức qua phát triển năng lực, thay đổi chương trình, tăng dân số đột biến, thay đổi phương pháp và quy trình giáo dục …) như đã xảy ra nhiều lần trong 60 năm qua.

Chỉ giải thể các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và điều tra việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Phóng viên: Vậy theo ông, vấn đề về quản lý trong sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần có những thay đổi như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, chúng ta phải đặc biệt lưu ý vấn đề phân cấp quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm/trung ương. Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học,tập trung đào tạo sau đại học (đặc biệt đối với các trường trọng điểm), nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.

Cần duy trì việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (kể cả việc giao chỉ tiêu và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho người đứng đầu các địa phương như vẫn làm từ trước tới nay theo tinh thần của Điều 105 Luật Giáo dục 2019.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp nắm một hệ thống sư phạm tập trung (thông qua 14 trường sư phạm trọng điểm như dự kiến) để đào tạo mọi loại giáo viên phổ thông (bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) là không khả thi.

Về phân công trách nhiệm đào tạo: Các trường sư phạm trọng điểm/trung ương chủ yếu tập trung đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên trung học phổ thông và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trong phạm vi toàn quốc.

Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường Mầm non, Tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn của mình theo đặt hàng của Ủy ban Nhân dân địa phương.

Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình..

Để làm được điều đó tại các địa phương cần sớm thành lập Hội đồng giáo dục sau trung học (bao gồm đại diện các sở ,ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương,…) làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm, điều mà các chiến lược/kế hoạch ở tầm quốc gia không thể thực hiện nổi.

Trong tương lai gần, khi cả nước chỉ còn một hệ thống giáo dục – đào tạo thống nhất, hội đồng này có thể mở rộng thành Hội đồng Giáo dục – Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Phương (thực hiện)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thieu-giao-vien-he-qua-de-thay-tu-chu-truong-xoa-so-truong-cao-dang-su-pham-post242515.gd