Quốc hội: Giá hàng thiết yếu cao trong khi lương chưa tăng khiến người dân bị ảnh hưởng

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Sáng 20/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Một trong những vấn đề nổi bật trong đó là kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao dẫn đến đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thu nhập của người lao động bị sụt giảm

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, trong 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng.

"Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định", ông Chiến nêu rõ.

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt.

Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá kinh tế xã hội còn nhiều vấn đề tồn tại, thu ngân sách chưa bền vững; phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán; nợ đọng thuế còn cao.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc; việc chuyển nguồn, hủy dự toán khi hết năm ngân sách lớn, trình phương án phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi chậm. Tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức vẫn khá cao; chất lượng lao động còn bất cập so với yêu cầu, ông Thanh cho hay.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh điều hành kinh tế cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, cần kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu . Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Cần có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước, bội chi, nợ công ; tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Dành 680.000 tỷ đồng thực hiện chính sách tiền lương mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Báo cáo với Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024 với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng, trong đó có việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản, thủy sản lên 30 nghìn tỷ đồng và đang xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành lúa gạo; kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.

Chính phủ đặt ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thương mại điện tử xuyên biên giới…; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, không để chậm trễ kéo dài.

Chính phủ sẽ thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Để thực hiện chính sách tiền lương mới, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng. Theo đó, chính sách tiền lương mới sẽ được thực hiện từ ngày 1/7. Hiện các cơ quan đã hoàn thành 19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. 20 bộ ngành cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/quoc-hoi-gia-hang-thiet-yeu-cao-trong-khi-luong-chua-tang-khien-nguoi-dan-bi-anh-huong.html