Quan tâm chăm lo đảm bảo an toàn cho người lao động

Nhằm giảm các vụ tai nạn, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh phong trào thi đua 'Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động'; tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn, an toàn vệ sinh viên, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động…

Công đoàn phát huy vai trò đảm bảo an toàn tại nơi làm việc

Nhằm giảm các vụ tai nạn, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, điều kiện làm việc… nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe người lao động.

Việc tuân thủ các quy định an toàn là yếu tố tiên quyết để đảm bảo an toàn lao động. (Ảnh minh họa)

Việc tuân thủ các quy định an toàn là yếu tố tiên quyết để đảm bảo an toàn lao động. (Ảnh minh họa)

Các cấp Công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở; tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn, an toàn vệ sinh viên, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Ban chấp hành Công đoàn các cơ sở tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy an toàn vệ sinh lao động trong các phân xưởng theo quy định.

Các cấp Công đoàn tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Song song với việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là những đoàn viên gặp tai nạn lao động.

Các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố; lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024.

Các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố; lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024.

Là một trong những đoàn viên bị tai nạn lao động, chị Nguyễn Thị Trà Giang (Công ty TNHH Việt Nam Nippon Seiki) cho biết, trên đường đi làm về chị bị một chiếc xe ô tô đâm dẫn đến suy giảm khả năng lao động 67%. Ngay sau khi chị bị tai nạn và được đưa vào bệnh viện điều trị, Công đoàn và Công ty đã nhanh chóng làm việc với bên gây tai nạn, yêu cầu bồi thường, chi trả 100% tiền viện phí cho chị.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, chị Giang phải nằm viện và nghỉ việc một năm, trong thời gian đó, Công ty vẫn hỗ trợ chị được nghỉ việc có lương. Thời điểm quay lại làm việc, Công ty và Công đoàn cũng hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho chị được làm công việc nhẹ nhàng hơn, phù hợp với điều kiện sức khỏe. Cùng với việc chăm lo trong quá trình xảy ra tai nạn, hàng năm Công ty có nhiều đợt hỗ trợ, thăm hỏi, động viên đối với các công nhân gặp tai nạn lao động, hoàn cảnh khó khăn trong đó có chị.

Tương tự, anh Nguyễn Kim Bình, Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu chia sẻ: Năm 2020, trong quá trình làm việc tại Công ty (vị trí công nhân dập nguội) anh không may bị tai nạn lao động mất nửa cánh tay trái. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Công đoàn cùng Ban lãnh đạo Công ty đã nhanh chóng đưa anh vào bệnh viện cấp cứu và chi trả toàn bộ viện phí. Bên cạnh đó, Công đoàn nhanh chóng xử lý hồ sơ để anh được nhận đầy đủ các chế độ bảo hiểm trong quá trình nghỉ việc và có thêm các chế độ hỗ trợ từ Công ty. Khi anh quay trở lại làm việc, Công ty bố trí công việc mới phù hợp với sức khỏe của anh. Vào các dịp lễ, Tết anh đều được tặng quà, hỗ trợ, thăm hỏi động viên.

Tuân thủ nghiêm các quy trình an toàn lao động

Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động, thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh lao động đã và đang được các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chú trọng triển khai, tuy nhiên ở một số nơi công tác đảm bảo an toàn lao động chưa được thực hiện tốt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo tổng kết công tác An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 294 vụ tai nạn lao động làm 300 người lao động bị nạn. Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành xây dựng (chiếm 69,1%), sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 23,8%), các vụ khác chiếm 15%...

Có nhiều nguyên nhân gây ra rủi ro trong quá trình lao động, đặc biệt là ở những ngành nghề có nguy cơ cao, do đó, ý thức trách nhiệm trong công tác an toàn tại nơi làm việc cần được nâng cao hơn nữa. Đặc biệt trong vận hành các máy móc thiết bị có nguy cơ cao về an toàn lao động, cần đảm bảo nghiêm quy trình vận hành, kiểm tra định kỳ.

Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, điều quan trọng là cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn với chính bản thân, gia đình và xã hội về an toàn, vệ sinh lao động.

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, hơn ai hết, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn cho chính mình. Mỗi người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-tam-cham-lo-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-170684.html