Những phận đời '4 không' của lao động nữ vùng biển Khánh Hòa

Những ngày tháng 5, cá cơm được mùa, ngư dân phấn khởi đánh bắt, tàu thuyền về đầy ắp khoang. Nhờ thế, những phụ nữ vùng biển Khánh Hòa với phận đời '4 không': Không hợp đồng lao động, không bảo hộ, không bảo hiểm xã hội, không được trang bị kiến thức an toàn vệ sinh lao động, được dịp tất bật với công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Mặn chát mồ hôi

Chúng tôi đến bến cá dân sinh tại phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khi mới canh 5 để tìm hiểu cuộc sống của những nữ lao động tự do đang mưu sinh tại đây.

Tiếng sóng biển đêm vỗ hòa lẫn với những âm thanh nhộn nhịp của cảnh mua bán, trong ánh sáng lập lòe của những chiếc đèn pin, chúng tôi tận mắt nhìn, nghe và cảm nhận về cuộc sống, hoàn cảnh của nhiều người phụ nữ đang nhọc nhằn lao động trong thời đại công nghệ 4.0.

Họ thuộc nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng có điểm chung là cuộc sống quá khó khăn, không có việc làm ổn định nên các chị tập trung về đây kiếm việc mưu sinh từ… biển.

Công việc của các chị không có giờ giấc cố định. Hôm nào cá về nhiều, các chị phải làm việc từ sáng sớm đến khuya và cũng không có ngày nghỉ. Họ phải mang theo cơm để ăn trưa ngay tại bến, kiếm chỗ nghỉ tạm chừng 20 - 25 phút rồi lại làm. Suốt ngày phơi mình dưới nắng, mưa, mỗi người nhận được 25 ngàn đồng tiền công/tiếng/ngày.

Bến cá là nơi in đậm dấu ấn cuộc đời, số phận của những người phụ nữ mưu sinh từ...biển. Ảnh: Hương Thảo.

Bến cá là nơi in đậm dấu ấn cuộc đời, số phận của những người phụ nữ mưu sinh từ...biển. Ảnh: Hương Thảo.

Trong mớ âm thanh hỗn độn, chúng tôi vẫn nghe những tiếng cười nói giòn tan. Có lẽ, nhờ vậy mà họ xóa được cơn buồn ngủ, sự mỏi mệt để làm việc. Đưa tay quẹt giọt mồ hôi vương trên trán, cô Lê Thị Mỹ Đông (65 tuổi) cho biết, đã gắn bó với công việc này hơn mười năm. Thời điểm này, cá cơm đang được mùa nên cô cũng được dịp bận rộn hơn: “Tôi ra đây từ lúc 1 giờ sáng, nhờ trúng mùa cá cơm nên tôi có việc làm từ sáng sớm đến chiều tối, kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Mong cho ngày nào ngư dân ra khơi cũng trúng đậm để phụ nữ chúng tôi có công ăn việc làm”.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Quá (53 tuổi) nói thêm vào: Làm nghề này sợ nhất là bệnh đau cột sống lưng. Nhiều hôm đi làm về tôi đứng dậy không nổi, sức khỏe giảm sút. Nhưng vì là lao động tự do, thu nhập thấp, tôi khó tiếp cận được bảo hiểm y tế nên mỗi lần khám bệnh chi phí cũng khá cao”.

 Mùa cá cơm tạo việc làm cho hàng trăm nữ lao động vùng biển Khánh Hòa. Ảnh: Hương Thảo.

Mùa cá cơm tạo việc làm cho hàng trăm nữ lao động vùng biển Khánh Hòa. Ảnh: Hương Thảo.

Dù mới tờ mờ sáng, hay khi mặt trời đứng bóng, những người phụ nữ ấy vẫn hăng hái làm việc. Chuỗi ngày mưu sinh của họ như một vòng quay bất tận, đó cũng là chuỗi ngày của những công việc cực nhọc, nhưng không vì thế mà họ vơi đi ước mơ, hy vọng. Từ công việc này, không ít chị đã nuôi con khôn lớn, có cuộc sống tươi sáng hơn.

Cần nhiều sự quan tâm

Theo ghi nhận của chúng tôi, người lao động tự do trên địa bàn tỉnh hầu hết là lao động thời vụ trong lĩnh vực nghề cá, xây dựng, du lịch, giúp việc.... Những đối tượng này đang thiếu nhiều kỹ năng, hiểu biết chính sách pháp luật lao động để thỏa thuận với chủ khi thương lượng về thời gian, giá cả, điều kiện làm việc… do đó, họ thường phải chịu nhiều thiệt thòi.

Đặc biệt với những nữ lao động tự do lại càng thiệt thòi hơn. Trong số các chị làm việc tại bến cá, có những người làm từ khi tóc còn xanh, nay đã bạc. Cô Trần Thị Khánh Trang (63 tuổi) là người như thế. Hai người con của cô Trang nay đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng đều khó khăn vì không muốn làm phiền con cái nên cô vẫn đi làm để tự nuôi mình.

Đôi tay thoăn thoắt lựa cá theo từng loại, cô Trang chia sẻ: “Vào những dịp lễ, Tết, tôi cũng ít khi được nhận quà, tiền thưởng như các lao động chính thức khác. Lâu lâu có được nhận vài cân gạo từ phía chính quyền địa phương. Bản thân tôi cũng muốn có công việc ổn định, được tham gia các loại hình bảo hiểm để lo cho bản thân, song cuộc sống khó khăn quá, tuổi cũng đã lớn nên tôi chỉ có thể tiếp tục bám víu vào công việc này”.

Đội nắng cả trưa để làm việc song cô Trang vẫn nở nụ cười rạng ngời. Ảnh: Hương Thảo

Đội nắng cả trưa để làm việc song cô Trang vẫn nở nụ cười rạng ngời. Ảnh: Hương Thảo

Không những chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, các nữ lao động này còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khác như: Mất sức lao động sớm; khó làm việc lâu dài vì đa phần các cơ sở chỉ thuê người trẻ; hoặc nếu có việc làm thì mức lương được trả thấp.

Mặt khác, vì thu nhập thấp nên họ ít nghĩ đến việc trang bị bảo hộ lao động để bảo vệ bản thân, khi chẳng may xảy ra tai nạn lao động thì chỉ họ phải gánh chịu thiệt thòi. Vì không có kiến thức nên dù muốn mua bảo hiểm y tế nhưng họ cũng không biết mua ở đâu, thủ tục phức tạp... đó cũng là lí do khiến những lao động nữ vùng biển đành từ bỏ.

Chúng tôi ra về khi buổi trưa đã đứng bóng mà lòng vẫn lắng đọng những cảm xúc về các chị. Tuy nhọc nhằn, lo lắng là vậy nhưng ở họ luôn ánh lên niềm hy vọng vào tương lai có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, không còn những nỗi thấp thỏm về cơm ăn, áo mặc hằng ngày.

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-phan-doi-4-khong-cua-lao-dong-nu-vung-bien-khanh-hoa-170869.html