Những nhân tài của thể thao Việt Nam đang 'ẩn dật' ở đâu?

4 tháng trước khi Olympic Paris diễn ra, thể thao Việt Nam mới có 6 vận động viên chính thức giành vé tham dự Thế vận hội. Những bài toán về khoa học dinh dưỡng, y học thể thao, xã hội hóa được đặt ra, nhưng tất cả vẫn chỉ xoay quanh một nhân tố duy nhất: Vận động viên.

Con số đi xuống

Năm 2012, thể thao Việt Nam có 18 vận động viên tham dự Olympic London. Con số này tăng lên 23 người tại Thế vận hội Rio. Đến Olympic Tokyo, ngay cả trong giai đoạn nhiều giải đấu phải hoãn, hủy vì dịch COVID-19, thể thao Việt Nam vẫn có tới 18 gương mặt tham gia tranh tài.

Kim Ánh là minh chứng rõ nhất cho thấy thể thao Việt Nam còn nhiều nhân tài "ẩn mình".

Những con số đó là một phần chứng nhân lịch sử cho giai đoạn hoàng kim của thể thao Việt Nam. Các vận động viên không chỉ vươn ra Olympic với mục tiêu giành vé đến Thế vận hội. Nhiều người trong số họ đã giành huy chương, hoặc chí ít lọt vào nhóm những vận động viên hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, chuỗi thành tích ấn tượng đó của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ có ít hơn 15 VĐV tranh tài ở Thế vận hội Paris. Đây là chi tiết bất thường, trong bối cảnh Olympic mở rộng quy mô và số VĐV quốc tế dần tăng lên.

So với giai đoạn 10-20 năm trước, thể thao Việt Nam có rất nhiều cải thiện tích cực. Chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV được cải thiện. Nhân tố dinh dưỡng cũng được chú trọng, đặc biệt với các VĐV trọng điểm được chuẩn bị hướng đến những giải đấu lớn như ASIAD, Olympic. Nhưng thành tích của thể thao Việt Nam vẫn chỉ cải thiện ở những giải đấu như SEA Games.

Vấn đề tăng cường đầu tư cho thể thao theo hướng xã hội hóa, bên cạnh những bài toán như khoa học dinh dưỡng, y học thể thao được đặt ra. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh một nhân tố là vận động viên. Bởi, nhân tố quyết định thành bại ở những giải đấu thể thao luôn là con người.

Chúng ta không có nhiều VĐV thể chất vượt trội nhưng không có nghĩa Việt Nam không có nhiều nhân tài trong giới thể thao. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là trong giai đoạn khó khăn, thể thao Việt Nam vẫn chinh phục Olympic bằng những VĐV đẳng cấp quốc tế.

Khi được hỏi, phải chăng thể thao Việt Nam đang bước vào giai đoạn khan hiếm nhân tài? Nhiều HLV không đồng ý. Họ đưa ra một bức tranh hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều VĐV có trình độ tốt, tiềm năng phát triển lớn ở các môn Olympic. Nhưng vì một số lý do, họ lại không có cơ hội thể hiện bản thân.

Nếu không có môi trường phù hợp, Kim Ánh rất khó đạt đến đẳng cấp như hiện tại.

Chuyện từ một tấm vé

Tháng 3/2024, đội tuyển Boxing Việt Nam đến Italia tham dự vòng loại Olympic thứ nhất với rất nhiều khó khăn. Từ thời điểm nhận phòng khách sạn, toàn đội chỉ có 2 ngày trước khi bước vào trận đầu tiên. Vượt qua những trở ngại đó, đội tuyển đã có 1 vé đến Olympic của Võ Thị Kim Ánh.

Với những người theo dõi Boxing thành tích cao, Kim Ánh không phải gương mặt xa lạ. Cô có 10 năm thi đấu tại các giải trong nước, và là đương kim vô địch hạng cân 54kg nữ trong 3 năm qua. Tuy nhiên, Kim Ánh luôn lỡ cơ hội lên tuyển trong thời gian tập trung chuẩn bị cho những giải quốc tế lớn.

Trước thềm SEA Games 32, khi nước chủ nhà Campuchia chỉ tổ chức thi đấu Boxing nữ với các hạng cân từ 54kg trở lên, Kim Ánh là ứng viên số một. Tuy nhiên, một số thành viên ban huấn luyện đội tuyển Boxing Việt Nam gạt cô ra ngoài với lý do Kim Ánh thi đấu không tốt tại giải vô địch thế giới vừa qua.

Người được đề xuất thay thế Kim Ánh thi đấu tại SEA Games 32 khi ấy là một võ sĩ còn rất trẻ, chưa có thành tích đáng kể tại các giải đấu quốc tế dành cho lứa tuổi trưởng thành. Lúc này, một nhóm HLV khác phản hồi: Nếu Kim Ánh không được dự SEA Games, suất thi đấu phải dành cho Nguyễn Thị Tâm, người có nhiều kinh nghiệm và đảm bảo thành tích quốc tế tốt hơn.

Đến giai đoạn chuẩn bị trước thềm ASIAD 19, nơi Boxing được tính là vòng loại Olympic, Kim Ánh một lần nữa bị gạt ra ngoài. Hạng cân thi đấu sở trường của cô được thay thế bởi Nguyễn Thị Ngọc Trân, VĐV Cần Thơ. Ngọc Trân thi đấu không tồi, nhưng cô cho thấy mình còn rất non nớt khi để thua hoàn toàn trước Pang Chol Mi, võ sĩ CHDCND Triều Tiên ở tứ kết.

Sự nghiệp chìm nổi của Kim Ánh chỉ có một tia hy vọng vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi cô được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và tập trung tại Hà Nội. Với môi trường phù hợp, cũng như tập luyện cùng những VĐV tốt nhất, Kim Ánh cho thấy cô có tố chất của một VĐV đẳng cấp thế giới.

Từ một võ sĩ bị gắn mác "không còn khả năng tiến bộ", Kim Ánh đã lột xác hoàn toàn cùng tấm vé Olympic chỉ sau 1 năm. Phải chăng thể thao Việt Nam vẫn còn những VĐV ẩn mình như Kim Ánh? Câu chuyện đó dường như là điều có thật, ngay trong môn Boxing, với trường hợp của VĐV Nguyễn Thị Thanh Hảo.

Nhà vô địch không lên tuyển

Boxing Việt Nam sở hữu không ít võ sĩ giỏi ở nhiều hạng cân khác nhau. Bên cạnh Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh, Lưu Diễm Quỳnh, Võ Thị Kim Ánh, Trịnh Thị Diễm Kiều... Việt Nam còn có Vương Thị Vỹ, người từng giành HCV SEA Games 31. Nếu không tạm nghỉ thi đấu để thực hiện thiên chức làm mẹ, Vương Thị Vỹ vẫn là gương mặt số 1 ở hạng cân 57kg nữ.

Thanh Hảo cũng là VĐV có tố chất tốt, nhưng không được trao cơ hội thi đấu quốc tế.

Trong bối cảnh Vương Thị Vỹ tạm nghỉ, một gương mặt khác sớm thể hiện mình ở các giải vô địch quốc gia. Đó là Nguyễn Thị Thanh Hảo, võ sĩ của TP Hồ Chí Minh. Thanh Hảo được đánh giá là VĐV sở hữu nhiều tố chất tốt, cùng thể chất không thua kém các VĐV châu Âu. Đó là điều cần có với một võ sĩ quốc tế.

Bản thân Thanh Hảo cũng thi đấu rất tốt trong năm 2024. Cô lên ngôi vô địch ở 2 giải quốc gia một cách đầy thuyết phục. Tuy nhiên, sau khi giải vô địch thế giới hồi tháng 3/2024 khép lại, Thanh Hảo cùng một VĐV khác bị loại khỏi đội tuyển với những lý do không thực sự thuyết phục.

Trong khoảng thời gian Thanh Hảo bị loại khỏi đội tuyển Boxing nữ Việt Nam, một VĐV khác được triệu tập thay thế cô thi đấu ở hạng cân 57kg nữ. Đó là Nguyễn Huyền Trân, người vô địch Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 sau 2 trận đấu liên tiếp có dấu hiệu bất thường.

Ở trận bán kết Đại hội 2022, đối thủ của Huyền Trân nhận cảnh cáo, bị trừ 2 điểm liên tiếp trong hiệp 3 nên thua ngược. Đến trận chung kết, đối thủ của cô xin bỏ cuộc vì chấn thương. Trước thềm ASIAD 19, Huyền Trân sớm bị loại ở bán kết giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc, nhưng vẫn được triệu tập để tham dự ASIAD 19.

Những điểm hạn chế của Huyền Trân tại sân chơi quốc tế ngày càng lộ rõ sau từng giải đấu. Trước thềm ASIAD 19, cô tham dự giải giao hữu Đài Bắc mở rộng và để thua một VĐV không phải tuyển thủ "tuyến 1" của Đài Bắc Trung Hoa. Đến Á vận hội, cô tiếp tục thua trận mở màn với cách biệt điểm số lớn.

Tại giải vô địch Boxing toàn quốc tổ chức cuối năm 2023, Huyền Trân để thua Thanh Hảo trong trận chung kết. Nhưng bằng một cách nào đó, cô vẫn được gọi lên tuyển tham dự vòng loại Olympic thứ nhất, và tiếp tục tập huấn tại Thái Lan để chuẩn bị cho vòng loại thứ hai. Ngược lại, Thanh Hảo thậm chí không có cơ hội lên tuyển chứng tỏ bản thân.

Thể thao Việt Nam đã suýt bỏ quên một gương mặt tài năng như Võ Thị Kim Ánh. Nếu những VĐV như cô và Thanh Hảo không được bảo vệ, cũng như trao cơ hội tương xứng với khả năng, viễn cảnh tệ nhất có thể xảy ra. Từ những VĐV sở hữu tố chất vươn tầm thế giới, họ sẽ an phận thủ thường và để tài năng của mình vĩnh viễn chỉ ở mức "tiềm năng".

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-nhan-tai-cua-the-thao-viet-nam-dang-an-dat-o-dau--i729388/