Những câu chuyện còn lại về anh hùng, liệt sĩ Trần Can-Bài 1: Đi trọn một vòng chiến dịch

Anh hùng, liệt sĩ Trần Can là 1 trong 4 anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Trần Can).

Trong 4 anh hùng, liệt sĩ nói trên, mỗi người đóng góp công lao và tỏa sáng theo một cách khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Nếu như Tô Vĩnh Diện đã không tiếc thân mình để cứu pháo khi chiến dịch còn chưa bắt đầu, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng để chặn địch từ Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ thì Phan Đình Giót và Trần Can là những chiến sĩ thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, thể hiện khí chất anh hùng ngay trong những trận đánh ác liệt, tất cả vì mục tiêu đánh chiếm các cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót ở Tiểu đoàn 428, người đã khiến hỏa điểm của địch trong lô cốt phải câm họng, tạo cơ hội cho đồng đội xung phong đánh chiếm Cứ điểm Him Lam và hy sinh đúng ngày mở màn chiến dịch 13-3-1954 thì Trần Can ở Tiểu đoàn 130 chính là người cắm lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng mà Bác Hồ trao cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ khi ra trận lên nóc lô cốt chỉ huy cứ điểm Him Lam, đánh dấu chiến thắng đầu tiên của quân ta; anh cũng là người hy sinh trong ngày cuối cùng của chiến dịch (ngày 7-5-1954), ngay trước giây phút khải hoàn.

Bài 1: Người đi trọn một vòng chiến dịch

Tỏa sáng ngay từ trận mở màn, được vinh danh như một biểu tượng với lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng cắm trên Cứ điểm Him Lam và ngã xuống trong giây phút chạm vào chiến thắng, có thể nói, Trần Can là anh hùng, liệt sĩ đặc biệt, người đã đi hết một vòng chiến dịch đặc biệt, đem lại chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Tiểu đội trưởng tiêu biểu trước chiến dịch

Từ mảnh đất Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An, nhập ngũ năm 1951 vào Đại đoàn 312, Trần Can đã thể hiện sự dũng cảm trong chiến đấu. Năm 1952, anh tham gia Chiến dịch Tây Bắc trong đội hình của Trung đoàn 209. Trong trận đánh địch ở Bản Hoa, Trần Can làm nhiệm vụ xung kích và đã dùng thủ pháo diệt ụ súng địch để đơn vị tiến công. Khi tiểu đội bị thương vong nhiều, anh đã hiệp đồng với các đồng đội ở tiểu đội khác và dẫn đầu tổ diệt 3 ụ súng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy, bắt sống 22 tên địch, thu 17 súng các loại.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trần Can trở thành một trong những tiểu đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Cuối năm 1953, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đơn vị Trần Can được giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo vào trận địa, sau đó đơn vị lại trực tiếp tham gia kéo pháo. Ban đầu, ta chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, theo kế hoạch, Đại đoàn 312 sẽ phối hợp với một đại đội sơn pháo 75mm, một đại đội cối 120mm, một đại đội cối 82mm để tiêu diệt Đồi Độc Lập, Bản Kéo, Kang Na. Trung đoàn 209 có nhiệm vụ đánh vào Đông Nam sân bay, đồng thời phát triển một mũi vào trung tâm phối hợp với Trung đoàn 165 đánh chiếm cứ điểm Độc Lập.

Ngày 17-1-1954, Trung đoàn 209 bắt đầu tổ chức kéo pháo từ Tuần Giáo vào trận địa. Mỗi khẩu pháo sử dụng khoảng một đại đội, từ 120 đến 150 người kéo, tùy theo địa hình. Việc kéo pháo của bộ đội ta qua những đèo, núi vô cùng khó khăn, gian khổ, trong khi máy bay địch liên tục thả bom trên các tuyến đường nhằm ngăn chặn quân ta, cắt đứt giao thông, gây cháy nổ, đứt dây tời pháo...

 Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sau 10 ngày đêm, Trung đoàn kéo được 12 khẩu pháo vào trận địa bàn giao cho đơn vị bạn. Thế nhưng, ngày 27-1-1954, chấp hành chủ trương chuyển phương án “đánh chắc, tiến chắc” của Bộ chỉ huy Chiến dịch, Trung đoàn 209 lại tổ chức cho các đơn vị kéo pháo ra. Ngoài 12 khẩu pháo kéo vào, Trung đoàn 209 còn nhận thêm 3 khẩu từ đơn vị bạn.

Lúc này xảy ra tình huống, 5 khẩu pháo do Tiểu đoàn 130 của Trần Can kéo đang nằm ở lưng chừng dốc gần triền cỏ gianh thì máy bay địch phát hiện, chúng ném bom napalm làm cỏ cháy đỏ rực, trong khi đó, đại bác địch bắn chặn đường rút. Tiểu đội trưởng Trần Can dẫn đầu trung đội xông ra kéo pháo. Thấy vậy, nhiều đồng chí khác cũng xông ra hỗ trợ.

Bình thường một khẩu pháo 40 người kéo còn khó khăn, nhưng trong lúc nguy nan, chỉ 30 người cũng kéo được pháo vượt dốc an toàn, cứu pháo xong, nhiều đồng chí bật cả móng chân, móng tay. Khi kéo được pháo ra lại điểm tập kết tại Tuần Giáo, Trung đoàn 209 có 25 đồng chí hy sinh, 95 đồng chí bị thương.

Ở đơn vị tiên phong có truyền thống về nghệ thuật đánh giặc công kiên và sự táo bạo dũng cảm, Trần Can và những người lính Trung đoàn 209 đã phát huy tốt truyền thống của đơn vị, sẵn sàng bước vào chiến dịch lớn. Lúc này anh là tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 366, là đại đội chủ công của Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209. Do thành tích kéo pháo, Đại đội 366 đã được Tổng tư lệnh Chiến dịch Võ Nguyên Giáp tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Chiến đấu dũng cảm - cắm cờ trên đỉnh Him Lam

Trong trận đánh cứ điểm Him Lam, Tiểu đoàn 130 của Trần Can được tăng cường cối 82mm và súng ĐKZ có nhiệm vụ đánh chiếm mỏm 3, sẵn sàng tăng cường chi viện cho Trung đoàn 141 đánh mỏm 1 và 2. 17 giờ ngày 13-3, pháo binh ta bắn dồn dập vào Him Lam, sau 30 phút, pháo chuyển làn bắn vào sâu phía trong, trên các hướng bộ binh, ta dùng bộc phá áp sát các cửa mở đánh hàng rào xung phong chiến đấu.

Sau 7 phút, Tiểu đoàn 130 đã mở xong cửa mở, Đại đội 366 của Trần Can xung phong đánh chiếm tiền duyên, hai mũi xung kích vượt qua cửa mở phát triển lên mỏm 3. Đến 18 giờ 30 phút, ta đã chiếm được một nửa mỏm 3 nhưng mũi chủ yếu bị địch ở lô cốt số 6 bắn chặn quyết liệt không phát triển được.

Sau khi quan sát tình hình, Tiểu đội trưởng Trần Can yêu cầu hỏa lực của Đại đội bắn áp chế thu hút địch, còn anh dẫn tiểu đội xung kích mang theo khối bộc phá 10kg vòng sang bên trái lợi dụng đường hào tiếp cận lô cốt địch đánh bộc phá nổ tung lô cốt, giết chết tên quan ba và toàn bộ ban chỉ huy đại đội địch trong lô cốt này. 19 giờ 30 phút, Trần Can dẫn đầu Đại đội xung kích 366 của Tiểu đoàn 130 cắm lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng lên mỏm số 3, cứ điểm Him Lam.

Báo Quân đội nhân dân số 133, xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 18-3-1954 đã viết về gương chiến đấu anh dũng của đồng chí Trần Can với người Trung đội trưởng là đồng chí Tuệ: “Trong giao thông hào, đồng chí trung đội trưởng Tuệ, đồng chí bí thư chi bộ Đảng và là chính trị viên đại đội bò lên lại bò xuống, ghé vào từng người, giọng khàn khói súng, nói như quát: Giữ vững quyết tâm, nhất định cắm cờ vào đồn địch, trả thù cho các đồng chí đã bị thương vong”. Và lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng ấy đã được Trần Can cắm trên đỉnh Him Lam như một biểu tượng để quân ta xung phong giết giặc, chiếm lĩnh cứ điểm quan trọng đầu tiên này.

Cũng trong bài báo số 133 với chú thích là “Trích nhật ký chiến đấu của đồng chí Trần” có đoạn đáng chú ý: “Phấn khởi hơn cả là chuyện Thi và Can (Trần Can - chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Tây Bắc). Năm ngoái Thi và Can ở một tổ tự động tác chiến diệt 7 súng địch ở đồn Bản Hoa trong Chiến dịch Tây Bắc, thì năm nay, tiểu đội trưởng Thi và tiểu đội trưởng Can nắm hai tiểu đội xung kích, diệt 7 lô cốt địch ở Him Lam. Can vẫn với lối đánh nhanh nhẹn, quả cảm, bắt tù binh gọi bạn nó hàng. Can nhảy xuống giao thông hào nhưng giao thông hào hẹp quá lại nhảy lên nhanh như sóc, diệt từ hỏa điểm này sang hỏa điểm khác, phất lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng cắm lên lô cốt cuối cùng”. Với sự dũng cảm trong chiến đấu ở trận mở màn Him Lam, sau đợt một của Chiến dịch, Tiểu đội trưởng Trần Can được đề bạt làm Trung đội trưởng.

Đi tiếp vào đợt tấn công thứ 3 của chiến dịch, đêm 1-5-1954, Đại đoàn 312 của Trần Can đánh chiếm các vị trí 505, 505A dưới chân đồi D2, sát Đường 41. Sáng 6-5, đơn vị tiếp tục đánh chiếm cứ điểm 506. Trận cuối cùng của đơn vị Trần Can là tấn công vị trí 507, một trong bốn cứ điểm còn lại trên Đường 41 bên sông Nậm Rốm, cách Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 300m. Anh dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo quân địch và đánh bại 4 đợt phản kích của chúng.

Trận đánh ác liệt diễn ra suốt đêm 6-5, cán bộ chỉ huy của đại đội thương vong nhiều, bản thân Trần Can cũng bị thương nặng nhưng vẫn chỉ huy chiến đấu. Rạng sáng 7-5, anh tập trung bộ đội bị thương nhẹ, động viên, chấn chỉnh lại tổ chức và củng cố trận địa, tiếp tục chiến đấu tạo thế và lực cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh. Cũng trong ngày cuối cùng của chiến dịch này, người anh hùng trẻ tuổi Trần Can đã ngã xuống khi quân ta chạm vào chiến thắng.

 Tấm ảnh gần như duy nhất còn lại của Anh hùng liệt sĩ Trần Can.

Tấm ảnh gần như duy nhất còn lại của Anh hùng liệt sĩ Trần Can.

Vị trí Trần Can hy sinh ở đâu?

Trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có mặt tại Điện Biên. Đại tá Lê Tiến Lâm, Phó chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh nói rằng, hiện vẫn chưa xác định được chính xác nơi hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Trần Can, bởi theo như các tài liệu thì ông hy sinh ở điểm cao 507, có ý kiến cho rằng bình độ của thung lũng Mường Thanh vào tầm 400m, rất khó để có điểm cao 507, bởi Đồi A1 cũng chỉ cao hơn mặt đường 41 khoảng 32m mà thôi, các quả đồi khác cũng tương tự, dao động trên dưới 50m.

Tuy nhiên, có thể đó là một sự hiểu lầm, bởi 507 ở đây, cùng với 505, 506 là tên các cứ điểm bên sông Nậm Rốm bảo vệ Sở chỉ huy của địch ở phía Tây chứ không phải để chỉ độ cao, dù khi đánh chiếm các vị trí này ta vẫn dùng từ “điểm cao”. Như ta đã biết, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp gồm 49 cứ điểm, chủ yếu từ trước đến nay ta chỉ đề cập đến một số cứ điểm chính có vai trò chủ chốt, còn các cứ điểm nhỏ ít được đề cập đến, cũng chưa ai liệt kê chi tiết gồm những cứ điểm nào.

Theo thông tin từ trang giới thiệu về các Anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, trận đánh điểm cao 507, Trần Can dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo địch chiếm nửa cột cờ, địch bắn đại bác dữ dội và cho quân đánh chiếm lại, ta với địch giành giật với nhau quyết liệt, Trần Can cùng tiểu đội kiên quyết giữ và đã đánh lui 4 đợt phản kích của địch. Địch phản công lần thứ 5, chúng ném lựu đạn tới tấp, đồng chí nhặt lựu đạn ném lại và chỉ huy đơn vị đánh giáp lá cà với địch.

Cán bộ chỉ huy của đại đội bị thương vong hết, bản thân Trần Can cũng bị thương nặng nhưng vẫn thay cán bộ đại đội chỉ huy chiến đấu một đêm và tổ chức củng cố lại đơn vị. Sáng hôm sau, địch lại phản kích quyết liệt, anh tiếp tục chỉ huy đơn vị dùng lựu đạn đánh tan đợt phản kích của địch, giữ vững vị trí bàn đạp để toàn bộ đơn vị tràn vào trung tâm Mường Thanh. Trang này thông tin về trận chiến cuối cùng Trần Can tham gia cũng chỉ dừng lại ở việc sau khi đánh căn cứ 507, căn cứ 508, 509 đầu hàng và ta tiến qua cầu Mường Thanh vào trung tâm chứ không nói rõ Trần Can hy sinh tại đâu.

Để tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Trần Can, tôi đã được một cán bộ thuộc Sư đoàn 312 hiện nay cung cấp tài liệu từ cuốn “Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 209, Sư đoàn 312” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Theo đó, đêm 6-5-1954, Tiểu đoàn 130 nổ súng tấn công cứ điểm 507 cùng lúc với tiếng nổ của khối bộc phá 960kg trên Đồi A1. Cuốn sử này đã tường thuật khá rõ cuộc chiến đấu tại cứ điểm 507: “Cuộc chiến đấu ở điểm cao 507 diễn ra rất ác liệt, bộc phá đánh hàng rào bùng nhùng không có hiệu quả. Khi bộc phá nổ, hàng rào tung lên rồi lại dập xuống như cũ. Trời sáng hẳn mà chưa mở xong cửa mở. Cả Đại đội 363 ùn lại, thương vong nhiều, Đại đội 366 lên thay. Trung đội trưởng Trần Can vắt người qua hàng rào để xung kích tràn qua, nhưng hỏa lực địch bắn dữ dội không ai vượt qua được. Trung đoàn ra lệnh mở cửa hướng khác, nhưng cũng chỉ chiếm được nửa đồn. Địch phản kích quyết liệt. Trung đội trưởng Trần Can bị thương nhiều lần nhưng vẫn dẫn đầu đơn vị xông lên. Cán bộ đại đội bị thương vong, đồng chí Trần Can lên thay, tiếp tục chỉ huy đại đội đột phá dũng mãnh. Đồng chí hy sinh anh dũng khi quân ta chiếm được một phần điểm cao 507”.

Như vậy là, trường hợp hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Trần Can đã rõ, có lẽ việc cần làm bây giờ là xác định xem Cứ điểm 507 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở đâu, từ đó sẽ có câu trả lời về vị trí hy sinh của Trần Can một cách xác thực nhất.

Hiện nay, nơi hy sinh của 3 Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót đã được xác định và dựng bia ghi nhớ, riêng Trần Can chưa làm được với nguyên nhân như vừa nói. Thiết nghĩ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cần phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tìm thêm nhân chứng, tra cứu tài liệu để xác định vị trí Cứ điểm 507 xưa, để từ đó có thể xác định tiếp nơi hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Trần Can, bởi nếu không làm ngay thì sẽ không còn cơ hội khi thời gian ngày một lùi xa.

Những hiện vật còn lại

Một hiện vật gắn với Trần Can sau này được lưu giữ, đó là chiếc mũ nan của Trần Can; được mô tả khi bị trúng đạn, chiếc mũ trên đầu anh rơi xuống - chiếc mũ này anh sử dụng từ khi bước vào quân ngũ. Được biết, Đại đoàn 312 từ Thanh Hóa khi hành quân lên Tây Bắc đã phát cho mỗi chiến sĩ một chiếc mũ đan bằng nan tre; khi về thăm nhà trước khi đi chiến dịch, Trần Can cũng đội chiếc mũ này. Chiếc mũ đã bao lần cùng anh hành quân đêm ngày, bao lần xông vào đồn giặc, thấm đẫm mồ hôi, máu, cũng như đã chứng kiến phút cuối cùng anh ngã xuống ở Chiến trường Điện Biên Phủ. Chiếc mũ này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tại nhà truyền thống Đại đoàn 312 cũng có một phiên bản chiếc mũ của Trần Can sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với đó là chiếc áo trấn thủ của Anh hùng liệt sĩ.

Ông Trần Hồng Lĩnh, cháu của Anh hùng liệt sĩ Trần Can nói rằng, khi Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chưa xây mới thì có một cụm tượng dựng cảnh Trần Can cắm cờ trên đỉnh Him Lam, nhưng sau khi xây dựng và trưng bày mới với những sự điều chỉnh thì không còn nữa.

Rất may là cảnh Trần Can cắm cờ trên Đồi Him Lam đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại ghi lại không chỉ một kiểu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã rất kỳ công ghép hai bức ảnh ngang để làm nên bức ảnh toàn cảnh Cứ điểm Him Lam bị ta tấn công tiêu diệt hôm 13-3-1954, bởi vậy hình ảnh của người anh hùng trẻ tuổi đã sống mãi trong những khuôn hình lịch sử.

 Trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Đại đội phó Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên xông vào Sở chỉ huy địch, cắm cờ lên lô cốt Him Lam. Liệt sĩ Trần Can hy sinh anh dũng sáng 7-5-1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại

Trong trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Đại đội phó Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên xông vào Sở chỉ huy địch, cắm cờ lên lô cốt Him Lam. Liệt sĩ Trần Can hy sinh anh dũng sáng 7-5-1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại

Chiếc Huân chương Quân công của Trần Can sau này ông Trần Hồng Lĩnh cũng hiến tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông chỉ giữ lại chiếc Huy chương Chiến thắng bị gián gặm nham nhở, mờ nhòe không còn nguyên vẹn cùng bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ. Cùng với đó là vài bức ảnh chụp trong các dịp kỷ niệm mà ông là khách mời trong tư cách thân nhân của Anh hùng liệt sĩ và vài ba món quà lưu niệm biểu tượng tinh thần.

Sự anh dũng trong chiến đấu của Trần Can đã được đồng đội ghi nhận. Ngay từ năm 1956, cùng với Tô Vĩnh Diện, ông cũng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Phan Đình Giót và Bế Văn Đàn thì đã được truy tặng trước đó một năm, năm 1955). Trong 4 Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của Chiến dịch Điện Biên Phủ thì Trần Can cùng với Bế Văn Đàn trẻ nhất, cùng sinh năm 1931; khi hy sinh, cả hai Anh hùng liệt sĩ mới 24 tuổi. Đặc biệt, Trần Can đầu chiến dịch là Tiểu đội trưởng, đến cuối chiến dịch, lúc hy sinh, anh được công nhận là Đại đội phó Đại đội Bộ binh 366 của Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-cau-chuyen-con-lai-ve-anh-hung-liet-si-tran-can-bai-1-di-tron-mot-vong-chien-dich-776894