Nhân viên bảo vệ ban sáng, võ sĩ boxing về đêm

Tô Phi Vinh (TP.HCM) là đội trưởng đội bảo vệ tại CLB võ thuật, kiêm võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp. Dù tập luyện cường độ cao, anh chọn ăn chay trường suốt 3 năm qua.

Tôi là Tô Phi Vinh (29 tuổi), võ sĩ boxing chuyên nghiệp tại CLB Saigon Sports Club (SSC), kiêm đội trưởng đội bảo vệ tại đây. Cách đây 6 năm, tôi bắt đầu với sự nghiệp võ thuật.

Tôi là một người yêu thích võ cổ truyền. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy môn võ này không có tính ứng dụng thực tế nhiều. Tôi liền tìm đến các môn võ hiện đại hơn như boxing, Muay Thái và võ thuật tổng hợp (MMA).

Những màn trình diễn của võ sĩ Mike Tyson, cùng màn so găng nghẹt thở giữa Floyd Mayweather (Mỹ) và Manny Pacquiao (Philippines) đã truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi boxing, bắt đầu sự nghiệp của một võ sĩ boxing.

Năm 2018, tôi ứng tuyển vào vị trí nhân viên bảo vệ cho CLB. Tất cả nhân viên tại đây đều nhận được phúc lợi là tập luyện miễn phí. Để theo đuổi ước mơ, giảm bớt gánh nặng về tài chính, cũng như có điều kiện tập luyện tốt hơn, tôi đã làm bảo vệ tại đây suốt 6 năm qua.

Lịch trình một ngày bình thường của tôi sẽ kéo dài từ 6h đến 23h. Tôi bắt đầu ca làm sáng từ 6h đến 9h, sau đó tôi tập luyện boxing từ 9h đến 11h, nghỉ trưa 2 tiếng. Từ 13h đến 16h, tôi tiếp tục tập luyện. Từ 16h trở đi, tôi quay lại vị trí của một nhân viên bảo vệ cho đến 23h.

Việc cân bằng cuộc sống khi vừa duy trì công việc, vừa tập luyện quả thật rất khó khăn. Mỗi ngày, tôi cần tập luyện cường độ cao từ 3-4 tiếng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vai trò nhân viên bảo vệ.

Vào mùa cao điểm tổ chức các giải đấu của CLB, công tác an ninh cực kỳ nghiêm ngặt. Đó cũng là khi tôi bận rộn nhất. Không chỉ bị rút ngắn thời gian nghỉ ngơi sau khi tập luyện, tôi cũng bị phân tâm bởi nhiều đầu việc. Nhưng lâu dần, tôi học cách làm quen với điều đó.

Rèn luyện ý chí và sự kiên trì để vượt qua khó khăn là bài học lớn nhất mà võ thuật đã đem đến cho tôi. Đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp thi đấu thể thao là điều ai cũng mong mỏi, nhưng với tôi, việc chiến thắng bản thân lại quan trọng hơn cả. Bởi nếu không thể tự mình đánh bại thói lười nhác, tôi sẽ chẳng thể thành công, dù ở lĩnh vực thể thao hay bất cứ công việc nào.

Từ một người đặt mục tiêu dài hạn, chẳng hạn từng bước giành đai châu Á rồi tiến đến võ đài thế giới, tôi tập trung nâng cao trình độ, cải thiện ý chí, chiến thắng bản thân rồi từ đó nâng thành tích lên từng bước.

Đó cũng là lý do sự nghiệp của tôi có vẻ đi chậm hơn so với những võ sĩ đồng trang lứa. Năm 2021, tôi mới bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp. Tháng 9/2023, tôi xuất ngoại lần đầu tiên để tham gia một trận đấu bảo vệ đai châu Á được tổ chức ở Thái Lan.

Từ khi theo đuổi nghiệp võ sĩ, sức khỏe của tôi đã được cải thiện đáng kể. Từ trí óc đến cơ thể, tôi cảm thấy bản thân khỏe mạnh và rắn rỏi. Tuy nhiên, cơ thể tôi khó tránh được việc có những vết sẹo in dấu hậu chấn thương trong quá trình thi đấu và luyện tập.

Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình từng bị gãy mũi, nứt xương, lật sơ mi cổ chân. Thậm chí, xương sườn của tôi bị biến dạng. Dù đau đơn, mỗi chấn thương cũng là niềm tự hào của người võ sĩ. Chúng tôi biết bản thân đã chiến đấu hết sức, với đối thủ và với chính mình.

Đảm bảo dinh dưỡng là một trong những ưu tiên của võ sĩ. Nhưng khác với nhiều đồng nghiệp, tôi chọn ăn chay trường và duy trì thói quen này hơn 3 năm qua. Tôi dự định theo đuổi việc ăn chay đến cuối đời.

Ăn chay đem lại nhiều lợi ích, song cũng có những khó khăn nhất định cho người phải vận động cường độ cao như tôi, dễ thấy nhất là việc thiếu đạm.

Do đó, việc chuẩn bị một bữa ăn chay sao cho đầy đủ chất với mức chi phí hợp lý là một thử thách. Tôi đang tìm cách cân đối lại thời gian sinh hoạt của mình để có thể nấu ăn tại nhà và có những bữa ăn chay chất lượng hơn.

Mỹ Trinh - Phương Lâm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhan-vien-bao-ve-ban-sang-vo-si-boxing-ve-dem-post1476201.html