Nhân chứng biệt khu in tờ bạc Cụ Hồ giữa rừng

Ngày 18/01/2024, khuôn in tiền tín phiếu mệnh giá 50 đồng lưu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi được công nhận là bảo vật quốc gia. Thời Pháp thuộc, người dân vùng tự do gọi tín phiếu là tờ bạc Cụ Hồ. Theo đó, vào năm 1947, thực dân Pháp đã đánh chiếm (lần 2) vùng Nam Bộ và từ Đà Nẵng, Nha Trang, Gia Lai cô lập vùng tự do của Việt Minh (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và một phần Quảng Nam). Người dân vùng tự do không thể sử dụng tiền của Pháp hay của triều đình nhà Nguyễn nên Chính phủ đã cho phép vùng tự do in tín phiếu để lưu thông như tiền tệ.

Vào rừng

Huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cuối năm 1948, âm thanh khắp các đường thôn là tiếng chó sủa. Có khi là chó sủa một hồi, có khi sủa dai dẳng. Họp chợ, đi học chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Ai ai cũng mặc bộ quần áo màu đen vì Việt Minh đã thông báo mặc đồ màu này để lính Pháp trên máy bay nhìn xuống ít phát hiện ra. Cậu Võ Duy Long (SN 1932, nhà ở xã Hành Thuận) hiểu rõ nơi tiếng chó rộ lên là những đoàn quân Việt Minh, hoặc học sinh vừa đi qua.

Vài năm trước, người dân địa phương đi làm ăn xa trở về thường mang theo các loại thuốc mua trên đường dOrmay Sài Gòn, hoặc thuốc lá Nationales, hoặc kể chuyện xe Delage, cuộc sống phồn thịnh ở xứ Đồng Nai. Nhưng từ khi Pháp quay trở lại đánh chiếm Nam Bộ ngày 23/9/1945, vùng đất Quảng Ngãi và một số tỉnh thuộc Liên khu 5 bắt đầu rơi vào thế bị bao vây 3 mặt. Nhưng huyện Nghĩa Hành lại trở nên nhộn nhịp hơn trước, vì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ tại đây.

Năm đó, cậu Long bỏ học vì cha vừa qua đời. Thanh niên ở địa phương phần lớn đều tham gia dân công, vừa đi vừa cảnh giác cọp. Những người khỏe mạnh thì gia nhập vào đoàn quân để chặn Pháp từ hướng đèo An Khê. Vì là thiếu niên, chưa thể cầm súng ra trận nên người anh trai của cậu Long là Võ Minh Châu quyết định dẫn em vượt sông Trà Khúc đến làm việc tại xưởng in tín phiếu.

Tín phiếu là một loại giấy bạc có giá trị thay cho tiền tệ của Pháp và tiền của triều đình nhà Nguyễn. Những năm trước đây, tiền tệ lưu hành là loại tiền Banque de IIndochine của Ngân hàng Đông Dương (Pháp) và các loại tiền Minh Mạng. Từ ngày 02/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 01/12/1945, tờ tiền đồng của Chính phủ được phát hành, nhưng vùng tự do ở miền Trung được phát hành riêng tờ tín phiếu có giá trị như tiền mặt để lưu thông.

Cậu Võ Duy Long từng sống giữa kho tín phiếu, giờ đã là cụ ông 91 tuổi

Những người đặt chân vào nơi đây đều phải tuân thủ quy định hết sức nghiêm ngặt, không được ra vào tự do, chịu sự giám sát 24/24 của lực lượng Công an ở vòng trong và vòng ngoài là quân đội. Ngày đầu tiên đến xưởng làm việc, cậu Long nghe ông Nguyễn Bang giải thích "tín có nghĩa là tin dùng, để ủng hộ Việt Minh...".

Sống giữa kho bạc

Năm 1948, Pháp liên tục lấn xuống vùng tự do từ phía đèo An Khê nằm giữa 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Phía miền tây Quảng Ngãi là nơi có nhiều rừng núi âm u, từng được đặt xưởng in tín phiếu, nhưng từ năm 1948 thì nơi này không còn an toàn sau vụ bạo loạn Sơn Hà. Bên cạnh đó, tín phiếu khi lưu hành ra ngoài đã chịu sức ép phá giá do thực dân Pháp bung tiền giả vào vùng tự do. Thỉnh thoảng lại có tin chiến sự sắp đến gần. Cậu Long và cơ quan đã mấy lần di chuyển, từ xã Tịnh Minh lên các thôn ẩn sâu trong rừng thuộc huyện Trà Bồng.

Dù cuộc sống trong rừng khó khăn, thiếu thốn nhưng công nhân làm bên ngành in tín phiếu được ưu tiên tối đa. Khu vực sinh hoạt khép kín có đầy đủ các nhà sinh hoạt văn hóa, căng-tin, bệnh xá, được ăn với tiêu chuẩn đầy đủ. Nếu ai bị đau thì được đưa về trạm xá, phụ trách là một bác sĩ và hộ lý là bà Tống Thị Việt Minh, sau đó xuống khu dưỡng đường tại vùng ven biển thuộc xã Tịnh Khê. Có khoảng 100 cán bộ làm ở nhiều bộ phận: trưởng ban văn hóa, chủ sự văn phòng, bộ phận ấn loát, bộ phận FS, ngành A (máy móc), công đoàn...

Công việc mỗi ngày diễn ra đều đặn đúng 8 giờ. Thời gian đầu vào xưởng, cậu Long được giao nhiệm vụ lau chùi, canh và ráp số sê-ri. Hộp số có 6 nấc, khi 500 tờ tiền vừa in xong thì cậu phải chuyền lập tức hộc số đã được lau chùi sạch sẽ, canh chỉnh cẩn thận để tạo ra sê-ri tiếp theo. Nếu hộc số canh không tốt thì tờ tiền sẽ bị thủng lỗ. Mỗi tuần đều tổ chức một cuộc họp để nhận xét công việc của từng người, nhắc nhở về tinh thần bảo quản của công, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng bị phê bình, chấn chỉnh.

Khuôn in tín phiếu được lưu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi vừa được công nhận là bảo vật quốc gia

Những người làm việc tại xưởng in tín phiếu không được hưởng lương, chỉ nhận được trợ cấp bằng tín phiếu. Mỗi khi nhận phụ cấp, mọi người đều phải ký vào khung sê-ri để nắm rõ đã nhận tiền thuộc dãy sê-ri từ số nào tới số nào. Quy định này để tránh việc lấy tiền trong kho mang về tiêu xài. Từ năm 1949, giám đốc xưởng in tín phiếu thấy cậu Long là người tin cậy, rất tích cực nên giao cho công việc "gần với tiền hơn", đó là buộc tín phiếu, niêm chì, đưa vào thùng.

Thỉnh thoảng máy bay của Pháp lại rè rè trên các cánh rừng để tìm kiếm mục tiêu. Xưởng tín phiếu tại xã Tịnh Minh do nằm gần vùng đồng bằng, nhiều người biết nên công nhân phải đối mặt với sự nguy hiểm. Có lần máy bay Pháp quần đảo và nã đạn xuống xưởng, sau đó toàn bộ 6 chiếc máy in tín phiếu được di chuyển lên miền núi, công nhân tiếp tục vào sâu trong rừng. Hệ thống máy phát điện được bố trí cách xưởng tín phiếu gần 1km, sau đó sử dụng dây điện mua của Pháp để kết nối tới xưởng.

"Tù tội tín phiếu"

Tờ tín phiếu được lưu hành khoảng 7 năm ở vùng tự do, từ 1947 đến 1954, sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, tờ tín phiếu chính thức kết thúc sứ mệnh tiền tệ.

Thời điểm chuyển giao địa bàn, cậu Long đã là một thanh niên 22 tuổi, rất nhiều người tham gia hoạt động cách mạng xuống tàu đi tập kết ra miền Bắc. Anh trai cậu Long là Võ Minh Châu xuống tàu đi tập kết, còn một người lên núi theo cách mạng. Anh Châu khuyên em trai tạm đi lánh nạn ở tỉnh khác rồi trở về quê vì còn mẹ già. Cậu Long mang theo 30.000 tín phiếu ra đi, sau đó lại trở về, dù biết trước tín phiếu đang đến giai đoạn kết thúc và trở về sẽ lâm cảnh tù tội. Cậu bị lính phòng nhì của Tiểu đoàn 59 (đơn vị tiếp quản của Việt Nam Cộng hòa) bắt và tra tấn hàng tháng vì tội từng tham gia in tín phiếu cho Việt Minh, làm Phân đoàn trưởng thôn Rạng Đông tham gia chống Pháp.

Tờ tín phiếu mệnh giá 500 đồng

Ông Phạm Hoàng (SN 1940, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh; gia đình ở sát xưởng in tín phiếu tại xã Tịnh Minh) cũng từng gặp nhiều công nhân, trong đó có cậu Long. Ông Hoàng kể về số phận tín phiếu từ năm 1954 và nhiều người tham gia in tín phiếu bị bỏ tù. Đó là sau Tết Nguyên đán 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức "Tố cộng đợt 1". Loa phát thanh rao "ai trữ tín phiếu là phải xé ngay, nếu không sẽ bị bỏ tù theo hình luật".

Ngay sau lệnh cấm, tín phiếu vẫn âm ỉ được giao dịch ở vùng nông thôn. Mỗi khi đi chợ, gia đình nhiều người cho trẻ con ra canh đường, nếu không có lính mới dám đem tín phiếu ra chợ. Đến năm 1956, tín phiếu mới hoàn toàn biến mất trên thị trường, nhưng nhiều người vẫn cất giấu rất kỹ vì trên tờ tín phiếu có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2015, ông Lâm Dũ Xênh, nhà sưu tập cổ vật đã hiến tặng 30 tờ bạc tín phiếu cho Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 18/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 231-SL/M cho phép Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5 (có giá trị như giấy bạc Việt Nam). Thực hiện Sắc lệnh nói trên, đồng chí Phạm Văn Đồng và Ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ quyết định thành lập và ban đầu được đặt tại huyện Sơn Hà. Họa sĩ Hoàng Kiệt vẽ mẫu tín phiếu, ông Văn Hồ - thợ điêu khắc ở Đà Nẵng làm bản ảnh in bằng đồng.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nhan-chung-biet-khu-in-to-bac-cu-ho-giua-rung_161676.html