Cây súng và ngòi bút

Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội.

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Hữu Mai là cây bút chung thủy và thành công với đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Việt Nam trong suốt mười ngàn ngày kháng chiến cứu nước (1945 - 1975). Đúng như nhà văn Chu Lai nhận định “Chiến tranh cách mạng là một siêu đề tài. Người lính là một siêu nhân vật”.

“Sống rồi mới viết”

Nhà văn Hữu Mai. Ảnh: TL

Nhà văn Hữu Mai. Ảnh: TL

Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội. Năm 1946, ông tham gia Tự vệ thành tại Hà Nội; năm 1947 nhập ngũ, phụ trách báo Quân Tiên phong (1949 - 1951) của Đại đoàn 308.

Theo hồi ức của nhà văn Hồ Phương cùng làm tờ báo thì: “Còn Hữu Mai, khi ấy cũng có nhiều bài thơ hay, được bạn đọc rất thích”. Từ năm 1957, Hữu Mai chuyển về công tác tại tạp chí mới thành lập Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhà văn làm biên tập, sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Từ năm 1978, Hữu Mai chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa III, IV và là Hội viên từ năm 1957).

Hữu Mai là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các nhà văn viết truyện trinh thám (Asociaton Internationale des Ecrivains Policier, thành lập tại Mexico năm 1989). Trong nửa thế kỷ cầm bút sáng tác văn chương, ông luôn trung thành và kiên trì thực hành phương châm “sống rồi mới viết”.

Gia tài văn chương của Hữu Mai tuy không đồ sộ về số lượng so với một số nhà văn khác nhưng thể hiện sức lao động nghệ thuật nghiêm túc và có hiệu quả cao. Trong đó, đáng ghi nhận hơn cả là các tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” (1961), “Vùng trời” (3 tập, 1975 - 1980), “Đất nước” (1985), “Ông cố vấn” (3 tập, 1985 - 1990), “Đêm yên tĩnh” (2000), “Người lữ hành lặng lẽ” (2005), “Không phải huyền thoại” (2007).

Tác giả đồng thời cũng là người thể hiện những tập hồi ức có giá trị văn học cao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gồm: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” (1964), “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970), “Chiến đấu trong vòng vây” (1995), “Đường tới Điện Biên Phủ” (1999) và ấn tượng hơn cả là “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (2000).

Tác giả đã chia sẻ về nghề văn: “Tôi chỉ mong ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt, những gì đã biết về một thời kỳ lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú của dân tộc, mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc. Tôi có ít tham vọng văn chương vì thế hệ chúng tôi không có đủ thời gian để làm công việc này” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai. Ảnh: TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai. Ảnh: TL

Xuất sắc với “Cao điểm cuối cùng”

Từng phụ trách báo Quân tiên phong của Đại đoàn 308, Hữu Mai là người lính cầm bút trực diện với chiến tranh ở chiến trường Điện Biên Phủ, có khi “ba cùng” với những người lính trận, lúc khác có thể có mặt ở Sở chỉ huy Đại đoàn 308, lúc khác nữa có khi thức thâu đêm làm báo kịp đến tay cán bộ chiến sĩ ở tiền tuyến.

Trong chiến tranh, mỗi tờ báo (thậm chí một bài báo) hay đều có sức mạnh của vũ khí tinh thần vô song. Ví dụ như trong chiến tranh ái quốc vĩ đại (1941 - 1945) của nhân dân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, Bộ Chỉ huy Hồng quân đã ra chỉ thị về việc những tờ báo có đăng bài của các nhà văn - nhà báo chiến trường như I. Ehrenburg, C. Simonov thì các sĩ quan và binh sĩ “không được phép dùng vào các việc khác ngoài đọc và lưu giữ”.

Tính đến năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nếu theo lối “tính sổ” thì sẽ thấy số tiểu thuyết vết về sự kiện long trời lở đất này “Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu), xét ra vẫn còn thưa vắng, chưa đáp ứng được lòng mong đợi chính đáng của độc giả, hoặc là những người trải qua trận mạc, hoặc là các thế hệ sinh sau đẻ muộn, có nguyện vọng “ôn cố tri tân” bằng nghệ thuật ngôn từ.

Có thể tính đếm bằng đầu ngón tay một số tiểu thuyết thành công về chiến dịch - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: “Người người lớp lớp” (3 tập, 1954 - 1955) của Trần Dần, “Cao điểm cuối cùng” (1961) của Hữu Mai và gần nhất là “Vầng trăng Him Lam” (2023) của Châu La Việt. Như vậy, món nợ tinh thần của các nhà văn với lịch sử vẫn còn rất nặng, đòi hỏi phải “trả” bằng mọi giá.

Có thể giải thích hiện trạng này bằng nguyên nhân lịch sử khi ngay sau hòa bình (1954) cả nước lại lên đường bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 20 năm (1955 - 1975).

Tiểu thuyết 'Cao điểm cuối cùng' được xuất bản sau sự kiện lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ bảy năm. Ảnh: ITN

Tiểu thuyết 'Cao điểm cuối cùng' được xuất bản sau sự kiện lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ bảy năm. Ảnh: ITN

Dòng thác lịch sử ào ạt cuốn hút hàng triệu người tham gia, biến cố lớn nối tiếp biến cố lớn. Đó là thời kỳ: “Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/ Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm/ Mỗi chú bé đều mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Chế Lan Viên - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

Tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” của Hữu Mai được viết và xuất bản sau sự kiện lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ bảy năm. Độ lùi thời gian là điều kiện quan trọng (cần và đủ) để nhà văn suy ngẫm đầy đủ hơn về một sự kiện mà bản thân vừa là nhân chứng, vừa là người can dự, sẽ là một tiền đề thành công khi viết.

Đọc “Cao điểm cuối cùng”, độc giả sẽ nhận ra một nguyên tắc viết của nhà văn - tôn trọng sự thật với tinh thần “nhúng bút vào sự thật”. Đại văn hào Nga thế kỷ 19, L. Tolstoy, tác giả kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình” đã chia sẻ về nghề văn: “Nhân vật mà tôi yêu quý nhất khi viết không ai khác ngoài SỰ THẬT”.

Nội dung tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” xoay quanh những trận chiến đấu ác liệt của Tiểu đoàn 1 thuộc đơn vị Trường Sơn được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1 - một trong 5 cao điểm cuối cùng thuộc dãy đồi khu Đông nằm giữa cánh đồng Mường Thanh. Không thể kể xiết, tả hết những hy sinh vô bờ bến của chiến sĩ ta đã không tiếc xương máu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Viết “Cao điểm cuối cùng”, tác giả đã cùng lúc đóng nhiều vai: Vừa là nhà chép sử, vừa là nhà quân sự, vừa là nghệ sĩ ngôn từ (3 trong 1) tái hiện một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử mang tầm kích của những Bạch Đằng - Chi Lăng - Đống Đa trong quá khứ hào hùng của dân tộc.

Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ như là biểu trưng cho sức mạnh của nhân dân, của tinh thần kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Về hình thức, “Cao điểm cuối cùng” có thể xác nhận thuộc loại hình “tiểu thuyết tư liệu - lịch sử”. Nói thế không có nghĩa là không có sự tham gia của hư cấu, tưởng tượng vốn như một tiêu chuẩn xác nhận năng lực sáng tạo của nhà văn.

Tính chất sử thi, toàn cảnh (panorama) của tác phẩm thì đã rõ. Tuy vậy, tính chất trữ tình không vì thế mà nguôi ngoai “Đêm nay, trong một khe rừng thơm mát hoa lan, những cánh hoa rớm máu đang rủ xuống những nấm mồ cỏ xanh chưa kịp mọc.

Trên những cành cây khẳng khiu khô mốc trụi hết lá những mầm non đã nhú lên đang thở hút sương đêm mát rời rợi”. Người phương tây có câu “Đại bác nổ thì họa mi ngừng hót”. Điều ấy không hiện thực ở Việt Nam ngay cả trong chiến tranh tàn khốc.

Nhà văn Hồ Phương từng làm báo Quân tiên phong với bạn văn Hữu Mai trong đội hình Đại đoàn 308 kể lại một kỷ niệm: “Hồi ấy, Hữu Mai dự trận An Châu. Trận đánh không thành. Nhưng đó là một trận cực kỳ oanh liệt. Hữu Mai đã làm bài thơ “An Châu”, theo tôi thật là hay.

Tiếc rằng bây giờ không còn giữ lại được” (Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, 1945 - 1954, Hồi ức kỷ niệm, NXB Khoa học xã hội, 1995). Có thể khẳng định, “Cao điểm cuối cùng” góp thêm một bằng chứng thuyết phục trong bảo tàng văn học về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân của một thời kỳ lịch sử oai hùng (1945 - 1975).

Hiện đang trở lại xu hướng viết về lịch sử trên văn đàn đương đại Việt Nam, các tác phẩm thành công đều được viết bằng cảm hứng tích cực “ôn cố tri tân”. Nó đối lập với khuynh hướng quay lưng với lịch sử, thậm chí bóp méo và xuyên tạc quá khứ hiển hách của cha ông bằng cách phủ nhận những thành quả của tầng tầng lớp lớp nhân dân đã chiến đấu hy sinh dũng cảm vì đại nghĩa “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những vần thơ đẹp về quá khứ hào hùng vẫn còn vang vọng trong ký ức nhiều thế hệ:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

(Nguyễn Đình Thi - Đất nước)

Tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” của Hữu Mai có cái năng lực “neo chữ” trong ký ức độc giả tạo thành ký ức lương thiện.

Nhà văn Hữu Mai đã vinh dự nhận các giải thưởng văn học cao quý: Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1989), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1990), Giải thưởng Văn học Bộ Công an (2002), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2017). Một số tiểu thuyết của Hữu Mai đã được chuyển thể phim truyện và phim truyền hình như: “Cao điểm cuối cùng”, “Vùng trời”, “Ông cố vấn”...

Nhà văn Bùi Việt Thắng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cay-sung-va-ngoi-but-post683369.html