Nhà khoa học của bản, của dân

GS Tô Ngọc Thanh là giáo sư đầu ngành về dân tộc học, âm nhạc và văn hóa dân gian. Cả cuộc đời ông 'tắm mình' trong dòng suối dân ca của các tộc người ở Việt Nam. Tìm hiểu về ông lại càng hiểu thêm về nền âm nhạc của dân tộc.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh.

Dấu chân in khắp vùng Tây Bắc

Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1959, sau đó công tác ở Vụ Âm nhạc và Múa của Bộ Văn hóa 4 năm, đây là khoảng thời gian GS Tô Ngọc Thanh học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước về nghiên cứu âm nhạc.

Năm 1963 ông được Bộ Văn hóa tăng cường lên Sở Văn hóa Tây Bắc. Cả tuổi trẻ của ông đều là những năm tháng đam mê với nghiên cứu sưu tầm âm nhạc các dân tộc. Dấu chân ông in đậm ở vùng “Thập Châu” của người Thái. Các vùng Mường Than, Mường Lò, Mường Hồng, Mường Hằng, Mường So… luôn là những vùng quê quen thuộc. Ở mỗi địa bàn đi điền dã, ông đều kết thân với các nghệ nhân, “ba cùng” với họ.

GS Tô Ngọc Thanh học tiếng Thái và nhờ có năng khiếu học ngoại ngữ nên chỉ vài tháng sau ông đã hát được dân ca Thái, đọc được các bài cúng của cộng đồng. Các thầy cúng, nghệ nhân xòe, nghệ nhân các dàn nhạc Thái coi ông như người anh em, tận tình chỉ bảo các khúc hát, các làn điệu dân ca.

Ông phát hiện ra một số làn điệu mới mà các học giả người Pháp người Việt chưa biết đến. Nhờ biết tiếng Thái ở nhiều vùng khác nhau (Thái Mường Tấc, Thái Trắng Mường So, Thái Đen Mường La, Mường Lò…) cùng với tác phong cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, ông được coi như người thân trong nhà.

Ông kể với chúng tôi người yêu đầu tiên của ông là một thiếu nữ người Thái xinh đẹp, mến mộ chàng trai Hà Nội qua cái tính hay lam, hay làm, chân thật. Tuy nhiên do nhiều hoàn cảnh đặc biệt, mối tình lỡ dở nhưng kiến thức về âm nhạc dân tộc học Thái của ông luôn được bồi đắp. Khác với các nhà nghiên cứu hàn lâm trong phòng kín, mỗi sinh hoạt âm nhạc ông đều mong muốn đến tận nơi xem cụ thể, cảm thụ thực sự cái hay, cái rung động, âm vang của dân ca Thái qua môi trường diễn xướng.

Ông thường dạy học trò muốn nghiên cứu âm nhạc của lễ cưới, lễ tang, nhà nghiên cứu phải quan sát và cảm thụ nhiều nghi lễ đám cưới, đám ma. Nhà nghiên cứu cũng phải có cái niềm vui nụ cười trong lễ đón dâu, nhưng cũng có tình cảm đau thương trong các làn điệu khóc than người quá cố.

Mỗi đợt đi điền dã ông đều ở địa bàn đến vài ba tháng. Dân làng thấy mến chàng trai Hà Nội cũng lên nương gặt lúa, cùng chơi các trò đồng dao với trẻ em và tập hát các bài hát giao duyên với các chàng trai, cô gái.

Cứ như vậy, âm nhạc dân gian Thái đã thấm đẫm vào tâm hồn của nhà nghiên cứu. Vừa học trên thực địa với người dân truyền dạy, ông lại học trong sách vở của các nhà dân tộc học người Pháp, người Việt. Mỗi khi có dịp về Hà Nội hoặc các đợt nghỉ phép ông đều gặp gỡ các nhà dân tộc học, các nhạc sĩ đàn anh đi trước để học hỏi, trao đổi kiến thức.

Tuy ông không được đào tạo về dân tộc học nhưng nhờ đọc sách, gặp gỡ các nhà dân tộc học chuyên gia về người Thái, người Tày như: Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Lã Văn Lô, Bùi Tịnh…, nên kiến thức nền về văn hóa Thái, về dân tộc học được nâng cao.

Ông cũng mải miết đọc các tài liệu về âm nhạc của nhiều đồng nghiệp đi trước, nhất là những tài liệu của các nhạc sĩ du học ở Liên Xô về. Một số nhạc sĩ cũng tăng cường về địa phương Việt Bắc như nhạc sĩ Hồng Thao, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đều là những bạn tâm giao trao đổi học thuật. Nhờ vậy, kiến thức học ở dân, kiến thức học ở đồng nghiệp đã cho ông tích lũy một kho tàng văn hóa dân gian Thái.

GS Tô Ngọc Thanh cũng quan niệm muốn hiểu về âm nhạc Thái đòi hỏi phải hiểu về văn hóa Thái. Vì thế ông luôn tìm hiểu các kiến thức về tôn giáo tín ngưỡng, về kinh tế xã hội về đặc điểm văn hóa bản Mường, người Thái…

Từ những nét đặc trưng về kinh tế - văn hóa - xã hội tộc người Thái đã soi rọi vào những luận điểm mới, lý giải những đặc trưng về âm nhạc Thái. Khác với một số người cùng thời ông rất coi trọng môi trường sản sinh ra âm nhạc, gắn chu kỳ đời người với chu kỳ âm nhạc. Ông đặt mối quan hệ giữa âm nhạc trong tổng thể văn hóa Thái.

Các bài báo nghiên cứu, các sách của ông về âm nhạc người Thái đều có chiều sâu về lịch sử văn hóa. Khi người Mỹ bắn phá các trục đường giao thông các đô thị vùng Tây Bắc, ông xin phép cơ quan làm lán ở ven rừng như kiểu chòi canh nương của đồng bào dân tộc. Từ ngôi làng sơ tán này ông viết các công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian, về văn hóa Thái.

Về Thủ đô vẫn luôn nhớ bản Mường

Tháng 12/1989, Đại hội lần thứ hai của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã bầu GS Tô Ngọc Thanh làm Tổng thư ký (Chủ tịch Hội). Tình hình của Hội vào thời điểm đó rất khó khăn, hầu hết các hội viên đều tập trung ở các trường đại học, các viện nghiên cứu Hà Nội và một số đô thị lớn. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đều “trắng” cơ sở. Số hội viên ở những vùng này chỉ có một vài người. Trước tình hình đó GS Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng và các đồng trí trong Ban Chấp hành đã đề ra nhiều giải pháp phát triển cở sở hội ở những vùng khó khăn. Trước hết, Ban Chấp hành lựa chọn mỗi tỉnh có một đến hai người có các công trình nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian làm hạt nhân nòng cốt.

Từ các hạt nhân này phát triển, kết nạp thêm lớp trẻ tham gia vào hội. GS Tô Ngọc Thanh hàng năm đều đi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Hội Văn nghệ các địa phương về việc củng cố các chi hội ở cơ sở.

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam còn tổ chức các trại viết, các lớp tập huấn, các hội thảo… ở các tỉnh miền núi. Hội đặc biệt chú trọng các cây bút là người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy chỉ trong 10 năm từ năm 1990 đến năm 2000 đã có hàng trăm hội viên người dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi khó khăn được kết nạp vào Hội.

Sáng kiến của GS Tô Ngọc Thanh là bồi dưỡng, truyền lửa đam mê văn hóa dân gian cho các cộng tác viên. Nhờ các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn, các cộng tác viên không chỉ nhen nhóm ngọn lửa đam mê văn hóa dân tộc mà còn từng bước nâng cao trình độ nghiên cứu sưu tầm. Các lớp tập huấn mở ra do các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia am hiểu vùng miền núi trực tiếp giảng dạy.

Nội dung các bài giảng đều là những vấn đề thiết thực với các hội viên như vấn đề chọn đề tài nghiên cứu sưu tầm, vấn đề xây dựng đề cương nghiên cứu, phương pháp viết một tiểu luận khoa học, một chuyên khảo khoa học dày 150 trang.

Hội còn hỗ trợ cho các hội viên tham gia trại viết một khoản kinh phí nhất định, hỗ trợ cho nhiều cộng tác viên ở miền núi một khoản kinh phí không nhỏ so với thời bấy giờ, đủ để cho các hội viên đi điền dã, sưu tập tài liệu, viết công trình.

GS Tô Ngọc Thanh thường nói với hội viên: “Mọi người bỏ công sức viết công trình thì cũng phải cho họ có thu nhập khoảng vài ba chục triệu đồng cho vợ con yên tâm”. Những tỉnh khó khăn như Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên… đều thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chuyên môn.

Trong 10 năm đã tổ chức được 3 - 5 lớp tập huấn, một vài trại viết cho các hội viên ở mỗi tỉnh. Nhờ vậy chỉ trong vòng 10 - 15 năm đội ngũ hội viên người dân tộc thiểu số, hội viên ở các tỉnh miền núi khó khăn đều phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ở các tỉnh này đều thành lập các chi hội, xóa các “điểm trắng”.

Một số chi hội còn xuất hiện những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có nhiều công trình xuất sắc tiêu biểu như ông Hoàng Triều Ân ở Cao Bằng, Đinh Ân ở Nghĩa Lộ (Yên Bái), Hoàng Trần Nghịch ở Sơn La, Lường Thị Đại, Tòng Văn Hân, Chu Thùy Liên ở Điện Biên, Sử Văn Ngọc ở Ninh Thuận… trong số đó có một số người đã được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

GS Tô Ngọc Thanh đã tổng kết các sáng kiến đào tạo hội viên có thành tích nghiên cứu sưu tầm bằng một quy trình khoa học: Bước 1, đánh thức sự đam mê, lòng yêu nghề; Bước 2, đầu tư kinh phí và tập huấn chuyên môn; Bước 3, hướng dẫn sưu tầm tại thực địa; Bước 4, viết bản thảo được các chuyên gia hướng dẫn tận tình. Kinh nghiệm này, đầu tiên triển khai ở Tây Bắc sau đó mở rộng sang địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả là các chi hội cơ sở đã được thành lập mới nhưng quan trọng hơn là đội ngũ các tác giả hội viên có tay nghề đã hình thành và phát triển. Chi hội Lào Cai năm 1996 mới có 3 hội viên nhưng 10 năm sau đã phát triển 31 hội viên, trong đó có đến 10 hội viên dưới 30 tuổi. Các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang… kết nạp được nhiều người dân tộc thiểu số vào hội. Họ trở thành những hội viên nòng cốt có người đã xuất bản từ 5 - 10 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian. Riêng các tỉnh Tây Bắc đã có 4 hội viên bảo vệ luận án tiến sĩ, 2 hội viên được giải thưởng về văn học nghệ thuật.

Như vậy sáng kiến phát triển hội viên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi khó khăn của GS Tô Ngọc Thanh và ban chấp hành các khóa đã gặt hái được nhiều thành công.

Ngày mùng 6/5 vừa qua, một số chi hội đã vượt đường xa về viếng GS Tô Ngọc Thanh lần cuối cùng. Âm dương cách biệt nhưng họ luôn coi giáo sư là người con của quê hương miền núi, hết lòng vì sự nghiệp sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số.

GS Tô Ngọc Thanh (24/6/1934 - 24/4/2024), quê ở Hưng Yên, là con của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ông là một học giả, giáo sư và nhà nghiên cứu khoa học.
Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (2019), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất (2001) và nhiều huy chương các loại. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

TS TRẦN HỮU SƠN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-khoa-hoc-cua-ban-cua-dan-10279856.html