Nguy cơ tái hiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thương chiến Mỹ - Trung Quốc vốn âm ỉ trong nhiều năm qua đã bắt đầu bùng phát khi truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Nhà Trắng sắp công bố loạt chính sách thuế mới nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới có thể khiến GDP toàn cầu tổn thất 7%

Xe điện Trung Quốc “vào tầm ngắm”

Các quan chức Mỹ cho biết, các mức thuế dự kiến sẽ được công bố chính thức sớm nhất là vào thứ ba (14-5). Theo Bloomberg, trong bối cảnh các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất xe điện và các sản phẩm khác có thể tạo mối đe dọa đối với việc làm và an ninh quốc gia của Mỹ, trọng tâm trong chính sách thuế mới của Mỹ sẽ là các ngành hàng cạnh tranh chiến lược, hoặc gắn bó chặt chẽ với an ninh quốc gia như khoáng sản quan trọng, xe điện, chất bán dẫn, thiết bị năng lượng mặt trời và vật tư y tế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Còn theo tờ Wall Street Journal, một trong những điểm nổi bật của chính sách thuế mới này là thuế quan đối với xe điện có thể tăng gấp 4 lần, từ mức 25% hiện tại lên 100% và điều này sẽ khiến việc mua một chiếc xe điện từ Trung Quốc trở nên cực kỳ đắt đỏ. Hiện tại, mức thuế 25% đã được xem là quá cao, khiến sự hiện diện của xe điện Trung Quốc tại Mỹ đến nay vẫn gần như bằng 0. Do đó, nếu thuế tăng lên 100% thì đó rõ ràng là ý định ngăn cản mọi chiếc xe điện Trung Quốc lăn bánh trên đường phố xứ cờ hoa.

Về bản chất, chuỗi chính sách thuế sắp được công bố là kết quả của quá trình xét lại toàn bộ các khoản thuế nhập khẩu áp lên hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 360 tỷ USD, được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ban hành từ năm 2018. Năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” cho phép mỗi nước xem xét lại thuế quan song phương sau 4 năm. Thỏa thuận song phương đó hiện vẫn có hiệu lực, nhưng Mỹ đã trì hoãn kết quả đánh giá khi thời hạn 4 năm đến hạn vào tháng 1-2024. Sở dĩ việc xem xét lại thuế quan song phương kéo dài là do bất đồng quan điểm trong nội bộ nước Mỹ. Trong khi các quan chức thương mại ủng hộ việc tăng thuế nhằm hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc, thì Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và nhiều người nữa lại đề nghị chỉ tăng thuế ngành hàng chiến lược và giảm thuế với hàng tiêu dùng để giúp các hộ gia đình bớt tốn kém. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sản xuất xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời, những sản phẩm mà chính quyền của ông Joe Biden đã đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất tại Mỹ theo Đạo luật giảm lạm phát (IRA), chính quyền Mỹ cho rằng mình cần phải hành động.

Thêm vào đó, việc các hãng xe ở châu Âu loay hoay đối phó với làn sóng xe điện Trung Quốc cũng khiến Washington cảm thấy cần phải nhanh tay hơn để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Ngay cả Elon Musk, ông chủ hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla, cũng phải thừa nhận các hãng xe Trung Quốc đang là những người chơi “cạnh tranh nhất” thế giới. Trong buổi họp báo cáo doanh thu Tesla hồi tháng 1-2024, ông Musk nói: “Nếu không thiết lập các hàng rào thương mại, họ có thể sẽ nghiền nát hầu như mọi đối thủ trên thế giới”.

Ngoài xe điện, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ cũng đang vận động chính quyền Biden áp mức thuế mới đối với các tấm pin và linh kiện năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc hiện đang tràn vào Mỹ, khiến giá trong lĩnh vực này giảm khoảng 50% so với năm ngoái. Đại diện thương mại Mỹ cũng đang điều tra các hoạt động thương mại của chính phủ Trung Quốc liên quan đến thép và nhôm… Nếu cuộc điều tra đó xác nhận những hành vi thương mại phản cạnh tranh này, Mỹ có thể xem xét tăng gấp ba mức thuế đối với cả thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tổng thống Biden cũng tuyên bố mở một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải, logistics và quá trình này có thể khiến Washington đưa ra nhiều mức thuế quan hơn. Chính quyền Tổng thống Biden còn gây áp lực lên nước láng giềng Mexico để ngăn Trung Quốc bán các sản phẩm kim loại của mình một cách gián tiếp sang Mỹ.

Mối lo kinh tế thế giới bị chia tách thành các khối đối địch

Thông tin Mỹ sắp tăng thuế với hàng Trung Quốc khiến dư luận thế giới lo ngại thương chiến Mỹ - Trung Quốc có thể tái hiện. Hồi tháng 4-2024, ông Joe Biden cho biết, ông “không muốn gây chiến với Trung Quốc” nhưng Mỹ cần phải chống lại “các hoạt động kinh tế không công bằng và tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp” của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Tôi đang tìm kiếm sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh công bằng”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không cho rằng, đó là mục tiêu của Mỹ. Trước viễn cảnh Mỹ áp mức thuế mới lên hàng hóa từ Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc thuế quan của chính quyền Mỹ đã “làm gián đoạn nghiêm trọng trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ” và cho rằng, chúng vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Thay vì chấm dứt những hành vi sai lệch đó, Mỹ tiếp tục chính trị hóa các vấn đề thương mại… và lên kế hoạch tăng thuế… Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”.

Trên thực tế, những năm gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách chia tách nền kinh tế của mình với nhau. Các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực thay thế máy móc, linh kiện bằng hàng nội địa hoặc nhập từ các quốc gia phát triển khác. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Nga, ASEAN và nhiều nước trong nhóm Nam bán cầu đã vượt qua giao thương giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu. Ở chiều ngược lại, các tập đoàn hàng đầu của Mỹ và phương Tây như Apple, HP, Stellantis... cũng tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Hơn 1/3 số công ty Mỹ tham gia khảo sát của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung cho biết đã giảm hoặc ngừng kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2023.

Kịch bản kinh tế thế giới chia tách thành các khối đối địch là điều không ai mong muốn. Tháng 10-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nếu kinh tế thế giới phân cực thành 2 phe, GDP toàn cầu có thể tổn thất đến 7%, trong đó một số nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với những tổn thất nghiêm trọng. Ngay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng này. Phát biểu tại trường quốc tế học cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins ngày 20-4, bà Yellen cho biết: “Mỹ sẽ cương quyết nếu lợi ích sống còn bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng ta không muốn chia tách nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc. Việc tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế sẽ là thảm họa cho cả hai nước, cũng sẽ gây bất ổn cho phần còn lại của thế giới”. Bà Yellen khẳng định, việc bảo vệ một số công nghệ quan trọng khỏi quân đội Trung Quốc là vì “lợi ích sống còn”, chứ “không phải để kìm hãm kinh tế Trung Quốc hay sự hiện đại hóa công nghệ”, đồng thời kêu gọi xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Trung Quốc “mang tính xây dựng và công bằng”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguy-co-tai-hien-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-quoc-post576117.antd