Ngành công nghệ trả giá vì cuộc chiến tranh giành tài năng

Tận dụng dòng vốn đầu tư dồi dào trong những năm qua, ngành công nghệ Mỹ ồ ạt chiêu mộ nhân tài với nhiều đãi ngộ mà các lĩnh vực khác phải ghen tị để thúc đẩy tăng trưởng. Để rồi giờ đây, khi nền kinh tế đứng trước rủi ro suy thoái, các lãnh đạo của ngành này thừa nhận đã phạm sai lầm vì tuyển dụng quá mức.

Trong thông báo sa thải 11.000 nhân viên, Giám đốc điều hành Meta Platforms Mark Zuckerberg đã đổ lỗi cho việc mở rộng quy mô nhân sự quá mức. Ảnh: Mirror Now

Trong thông báo sa thải 11.000 nhân viên, Giám đốc điều hành Meta Platforms Mark Zuckerberg đã đổ lỗi cho việc mở rộng quy mô nhân sự quá mức. Ảnh: Mirror Now

Khi Stripe, một công ty khởi nghiệp về công nghệ thanh toán có trụ sở ở bang California, từng được định giá 74 tỉ đô la Mỹ hồi năm ngoái sa thải hơn 1.000 nhân viên trong tháng này, những người đồng sáng lập của công ty đã tự trách mình. Trong thư gửi cho nội bộ công ty, những người này viết “Chúng tôi đã tuyển dụng quá nhiều… Chúng tôi đã quá lạc quan”.

Sau khi Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, chủ sở hữu mới của Twitter cắt giảm 50% nhân sự của công ty này hồi giữa tuần trước, Jack Dorsey, người sáng lập và là cựu giám đốc điều hành Twitter đã lên tiếng nhận trách nhiệm. “Tôi đã mở rộng quy mô công ty quá nhanh”, ông viết trên Twitter.

Và hôm 9-11, khi Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook và Instagram sa thải 11.000 nhân viên, tương đương khoảng 13% lực lượng lao động, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã đổ lỗi cho việc mở rộng quá mức. “Tôi đã quyết định tăng mạnh các khoản đầu tư của chúng tôi. Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi”, ông viết trong thư gửi cho nhân viên.

Ông thừa nhận, mức sụt giảm mạnh doanh thu của Meta khiến công ty dư thừa nhân viên và hoạt động “kém hiệu quả”. Trong quí 3, doanh thu của Meta giảm 4% nhưng chi phí tăng đến 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 22,1 tỉ đô la Mỹ.

Điệp khúc đã thuê quá nhiều nhân sự trong khi ngành công nghệ gấp rút cắt giảm chi phí của các giám đốc điều hành công nghệ đang vang vọng khắp Thung lũng Silicon. Các giám đốc điều hành giải thích quyết định này là do triển vọng tăng trưởng kinh tế đang xấu đi.

Khi các công ty công nghệ kiếm được lợi nhuận cao ngất ngưởng và tin tưởng thời kỳ bùng nổ nhu cầu nhờ tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn ra nên đã mạnh tay mở rộng bằng cách tích trữ nguồn lực đắt giá. Điều được săn lùng nhiều nhất trong ngành kinh doanh phần mềm đó là nhân tài.

Các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon từ lâu đã xem cuộc chiến tranh giành nhân tài không chỉ là lấp các vị trí còn trống. Việc sở hữu đội ngũ nhân viên hùng hậu và duy trì trị vì đứng đầu danh sách các công ty, được sinh viên tốt nghiệp đại học ưu tiên chọn lựa nhất được xem là biểu tượng của sự phát triển, ngân sách dồi dào và uy tín.

Tâm lý này đã ăn sâu vào các công ty công nghệ lớn nhất, những công ty cung cấp nhiều ưu đãi cho nhân viên trong các khuôn viên và trụ sở xa hoa của họ. Các công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ hơn cũng bắt chước theo, đã cung cấp cho nhân viên các đặc quyền dưới dạng quyền chọn cổ phiếu ưu đãi. Giờ đây, những điều này đang khiến ngành công nghệ phải trả giá.

“Khi bạn dư thừa quá nhiều tiền mặt, bạn sẽ tuyển dụng quá mức. Trong 10 năm qua, lượng tiền mặt dồi dào dẫn đến hoạt động tuyển dụng quá mức”, Josh Wolfe, nhà đầu tư tại Lux Capital.

Hơn 100.000 nhân viên công nghệ đã mất việc trong năm nay, theo Layoffs.fyi, một trang web chuyên theo dõi hoạt động sa thải. Các quyết định cắt giảm nhân sự đã đến từ các công ty niêm yết nổi tiếng như Meta, Salesforce, Booking.com và Lyft cho đến các công ty khởi nghiệp được đánh giá cao như nền tảng giao hàng Gopuff và các nền tảng công nghệ tài chính Chime và Brex.

Nhiều việc làm bị cắt giảm trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi. Astra, công ty sản xuất tên lửa phóng vệ tinh đã cắt giảm 16% nhân viên trong tuần này sau khi tăng gấp ba lần số lượng nhân sự vào năm ngoái.

Trong ngành công nghiệp tiền ảo, vốn trải qua cơn suy sụp trong năm nay, các công ty có giá trị cao, gồm Crypto.com, Blockchain.com, OpenSea và Dapper Labs cũng đã cắt giảm hàng trăm nhân viên trong những tháng gần đây.

Meta, từng chứng kiến vốn hóa vọt lên hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ, đã tăng gấp đôi số nhân viên của mình lên 87.314 người trong ba năm qua. Robinhood, ứng dụng giao dịch chứng khoán, đã mở rộng lực lượng lao động gần gấp sáu lần chỉ trong hai năm 2020 và 2021.

“Họ đã thúc đẩy các kế hoạch tuyển dụng mà không dựa vào tình hình thực tế”, Caitlyn Metteer, Giám đốc tuyển dụng của Lever, một nhà cung cấp phần mềm tuyển dụng nói.

Nhiều nhà phân tích tin rằng cơn suy thoái của ngành công nghệ sẽ còn kéo dài vì các yếu tố kinh tế vĩ mô đã tạo ra nó. Trong thập kỷ qua, các mức lãi suất thấp đã thúc đẩy các nhà đầu tư ồ ạt rót tiền vào các tài sản rủi ro nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn. Những nhà đầu tư này ưu tiên những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh thay vì có lợi nhuận và tưởng thưởng cho các công ty chấp nhận rủi ro lớn.

Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ đã sử dụng dòng thác tiền mặt từ các nhà đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng bằng cách đổ tiền vào hoạt động mở rộng kinh doanh thông qua bán hàng và tiếp thị, tuyển dụng, thâu tóm và triển khai các dự án thử nghiệm. Nguồn vốn dư thừa đã khuyến khích họ thuê thêm nhân viên, “đổ thêm dầu” vào cuộc chiến giành nhân tài.

Eric Rachlin, doanh nhân đồng sáng lập Body Labs, một công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo mà Amazon đã mua lại, cho biết áp lực lớn nhất là cần tiêu tiền nhanh chóng để đáp lại mong muốn của các nhà đầu tư .

Điều đó khiến ngành công nghệ trở nên nổi tiếng với các đãi ngộ trong mơ. Các tin đồn thường lan truyền về những nhân viên công nghệ được trả lương cao mà chỉ cần làm vài giờ mỗi ngày hoặc làm nhiều công việc từ xa cùng một lúc, lại được hưởng nhiều đặc quyền ở nơi làm việc như được cung cấp dịch vụ giặt ủi, mát-xa miễn phí, được các đầu bếp nổi tiếng phục vụ bữa ăn. Hồi đầu năm, Meta đã thu hẹp lại các đặc quyền như vậy, bao gồm dịch vụ giặt ủi miễn phí.

Trước đây, nhờ có quá nhiều vị trí tuyển dụng trên thị trường lao động, các nhân viên công nghệ có thể nhanh chóng kiếm được công việc khác nếu bị sa thải. “Tôi không biết liệu giờ đây mọi người trong làn sóng sa thải này có thể làm được điều đó hay không”, Rachlin nói.

Trong thời gian tới, có thể có nhiều thông báo sa thải hơn, được truyền đạt thông qua hình thức tiêu chuẩn hiện nay là một bức thư từ giám đốc điều hành được đăng trên blog của công ty.

Những bức thư này có một định dạng quen thuộc. Các ông chủ sẽ giải thích về viễn cảnh kinh tế tồi tệ, viện dẫn khó khăn do “lạm phát”, “cú sốc năng lượng”, “lãi suất tăng”, “rủi ro suy thoái”.

Chủ doanh nghiệp đổ lỗi cho việc phát triển quá nhanh và cam kết cung cấp hỗ trợ cho những nhân viện bị sa thải các khoản bồi thường nghỉ việc, trợ giúp thị thực, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn nghề nghiệp. Các ông chủ cũng bày tỏ nỗi buồn, cảm ơn mọi người và khẳng định lại sứ mệnh của công ty.

Theo NY Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-cong-nghe-tra-gia-vi-cuoc-chien-tranh-gianh-tai-nang/