Khơi thông nguồn lực xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước. Vì vậy, thiết chế văn hóa, thể thao đang từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục-thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của nhân dân.

Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" - Ảnh: VGP/Đình Nam

Quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý tương đối toàn diện và hệ thống góp phần phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, UBND cấp tỉnh hướng dẫn công tác quy hoạch theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg, đồng thời đã chỉ đạo ngành văn hóa ở các địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của cả nước trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể, nội dung quy hoạch (địa điểm, quỹ đất, cơ sở vật chất, kỹ thuật, bộ máy cán bộ) và các giải pháp thực hiện.

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đến nay, toàn quốc hiện có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao sau một thời gian chuyển đổi cơ chế, nay đã từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm; hệ thống công trình thể dục, thể thao được xây dựng gần trường học, gần chung cư, phục vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đang từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý (thiết chế văn hóa, thể thao các cấp): Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa - điện ảnh,...); 689/705 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỉ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa -thể thao, đạt tỉ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỉ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỉ lệ 49,5%).

Gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao. Về các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh, huyện quản lý, như sân tập luyện gồm có: 627 sân điền kinh; 10.101 nhà tập; 4.110 sân bóng đá 11 người; 3.270 sân vận động không có khán đài, 2.850 sân bóng rổ, 29.012 sân cầu lông và đá cầu, 4.843 sân quần vợt; 306 bể bơi có kích thước dưới 25x 50 mét, 766 bể bơi 25m3; 997 bể bơi dưới 25m, 1510 bể bơi lắp ghép, 176 bể bơi trong nhà...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 (tổng kinh phí 489,2 tỷ đồng, trong đó 70 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 419,2 tỷ đồng vốn ngân sách sự nghiệp), các cơ quan, ban ngành, địa phương đã hỗ trợ xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn; Hỗ trợ trang thiết bị cho trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn…

Thông qua nguồn kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 90 trung tâm văn hóa-thể thao xã và 163 nhà văn hóa-khu thể thao thôn, với tổng kinh phí 9,7 tỷ đồng; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho người quản lý, tổ chức hoạt động tại trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn trong các năm từ 2016-2022, với kinh phí 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 nhà văn hóa - khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 06 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc 1,5 tỷ đồng.

Còn nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Mặc dù có nhiều chính sách được ban hành, tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đã bộc lộ một số hạn chế: Đầu tư cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao bị trùng lặp, chồng chéo tại nhiều đề án, chương trình nhưng không tạo được tổng hợp lực từ các nguồn đầu tư để tạo động lực phát triển với những chuyển biến cơ bản, có tính đột phá; cơ chế quản lý tài chính của mỗi chương trình, đề án dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi; bên cạnh đó, các chính sách về quy hoạch, về đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, quản lý và sử dụng các thiết chế còn nhiều bất cập.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ sở nghệ thuật biểu diễn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần lớn xuống cấp, lạc hậu và hư hỏng, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc, tập luyện và biểu diễn. Các đơn vị này thường xuyên phải thuê địa điểm biểu diễn với nguồn kinh phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và người lao động. Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng chưa có trụ sở làm việc riêng.Về quỹ đất sử dụng, phần lớn chưa đạt theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-BTNMT, với 10/12 cơ sở, chiếm tỉ lệ 83%.

Về nguồn nhân lực,hiện nay, còn thiếu nguồn nhân lực sáng tạo ở một số loại hình nghệ thuật dẫn đến một số đơn vị nghệ thuật thiếu kịch bản hay, mới, có chất lượng để dàn dựng và biểu diễn. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng lớn đến chất lượng, số lượng tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật ở một số loại hình trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập còn tồn tại những bất cập bởi nhiều đơn vị chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các đơn vị việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, không đạt tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc chuyên môn, nghiệp vụ biểu diễn nghệ thuật của đơn vị.

Việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn chậm. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ thấp, tuyển dụng khó khăn do mức chi hỗ trợ và phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ, nhân viên phụ trách các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao chưa có quy định cụ thể.

Đến nay, chưa tổ chức nâng ngạch nâng bậc cho cán bộ viên chức trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nhiều địa phương chưa xây dựng được phụ cấp kiêm nhiệm cho người phụ trách thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và thôn, bản…

Về phát triển đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã thực hiện đầu tư nâng cấp, tuy nhiên hiện nay vẫn thiếu và không đáp ứng được nhu cầu tập luyện của vận động viên.

Các quy hoạch thời gian qua còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác triển khai quy hoạch thể thao. Giữa các quy hoạch hoạch ngành trong cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa có sự liên kết đồng bộ và chặt chẽ nên dẫn đến việc sử dụng nguồn tài nguyên, bố trí quỹ đất, nguồn vốn thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều bất cập... Việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm, nhất là ở các địa phương. Một số công trình thể thao được xây dựng chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, công năng sử dụng, hạ tầng kỹ thuật của một số khu vực xây dựng cơ sở thể thao còn bất cập, chưa đồng bộ.

Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao; quản trị nội bộ nhiều cơ quan, đơn vị yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu. Một số đơn vị còn để xảy ra nhiều sai sót trong quá trình quản lý vận hành cơ sở thể thao quốc gia (như Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình…).

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trong thời gian qua còn không ít vướng mắc, bất cập. Nhìn chung, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phân tán, chưa đồng bộ, tên gọi và cơ cấu tổ chức của các đơn vị khi sáp nhập thiếu thống nhất...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Đình Nam

Xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng của hội thảo trong việc giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực, "kinh tế hóa văn hóa thông qua phát triển các di sản, sản phẩm văn hóa, du lịch".

Đồng tình với các ý kiến, tham luận tại hội thảo về thực trạng của các thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là những tồn tại nguyên nhân, đề xuất giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa, thể thao; đồng thời tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm thiết chế văn hóa, thể thao như các cơ sở vật chất, tổ chức, cơ chế chính sách đi kèm thể hiện vai trò của nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, thiết chế văn hóa, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội nên cần các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình thiết chế văn hóa là các thành phố, đô thị di sản, đơn cử như Hội An.

"Những vấn đề đặt ra là vai trò của nhà nước, sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp, người dân trong phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vừa xây dựng nền tảng tinh thần, vừa góp phần văn hóa hóa kinh tế, gắn kết xã hội, phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ", Phó Thủ tướng trao đổi và cho rằng cần có một "bộ luật đầy đủ" liên quan đến lĩnh vực thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như chương trình mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Ảnh: mediaquochoi

5 nội dung trọng tâm để xây dựng hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao

Phát biểu kết luật tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã nhấn mạnh vềnhững nhận định, thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong đó tập trung 05 nhóm vấn đề:

Về hoàn thiện thể chế, chính sách:Xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm "thiết chế văn hóa, thể thao", "cơ sở văn hóa, thể thao" làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước.

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao: Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi. Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi.Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.

Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng. Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư. Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.

Thiết chế văn hóa, thể thao là những công trình thuộc kết cấu hạ tầng xã hội, được thành lập, đầu tư tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, tạo môi trường lành mạnh đáp ứng nhu cầu và thu hút nhân dân. Thiết chế văn hóa, thể thao là một chỉnh thể hội tụ đầy đủ 04 yếu tố: cơ sở vật chất - kỹ thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính và nội dung hoạt động. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong những năm qua, thiết chế văn hóa, thể thao đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, thiết chế văn hóa, thể thao được tổ chức thành 02 hệ thống: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trung ương (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý); Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở(do Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Công đoàn và Đoàn thanh niên quản lý).

Đình Nam - Diệp Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khoi-thong-nguon-luc-xay-dung-va-phat-trien-su-nghiep-van-hoa-the-thao-102240512134440946.htm