Hại nhiều, lợi ít khi EU tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc

Nếu Liên minh châu Âu tiếp tục áp thuế đối với ô tô điện Trung Quốc, điều đó có thể khiến Bắc Kinh trả đũa ngành hàng không và nông nghiệp của châu Âu.

Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Theo SCMP, Liên minh Châu Âu (EU) dường như sẽ sớm áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp sự can thiệp của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Pháp gần đây.

Theo đó, cuộc điều tra được triển khai vào tháng 10 để giải quyết sự mất cân bằng thị trường do trợ cấp của nhà nước Trung Quốc, nhiều chuyên gia dự đoán rằng sau cuộc điều tra EU sẽ áp đặt nhiều mức thuế hơn đối với xe điện Trung Quốc.

Những mức thuế này được Brussels coi là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của châu Âu. Tuy nhiên, thuế quan có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

Động thái này có khả năng làm chậm quá trình EU chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu sang phương tiện thay thế phát thải thấp. Không chỉ vậy, nếu EU áp dụng mức thuế quan mới đối với xe điện Trung Quốc, Bắc Kinh cũng có thể sớm đáp trả châu Âu bằng những chính sách tương tự.

Được biết, EU cũng đã vận hành một trong những chương trình trợ cấp nông nghiệp lớn nhất trên thế giới, Chính sách nông nghiệp chung của EU được biết đến với mức ngân sách khổng lồ. Từ năm 2014 đến năm 2020, chính sách này có ngân sách 408 tỉ euro (439,5 tỉ USD). Trong giai đoạn 2021-2027, 387 tỉ euro đã được phân bổ cho chương trình.

Khoản trợ cấp hào phóng đã giúp ngành nông nghiệp của EU trở thành cỗ máy xuất khẩu. Năm ngoái, khối đã xuất khẩu nông sản trị giá 14,6 tỉ euro sang Trung Quốc, so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 8,3 tỉ euro.

Ngành hàng không dân dụng của EU cũng có khả năng trở thành nạn nhân của các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc. Được biết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã phát hiện Airbus nhận được hàng tỉ USD trợ cấp từ các nước thành viên EU.

Danh sách các mặt hàng của EU có thể bị Trung Quốc trừng phạt là rất lớn. “Luôn luôn có một số hình thức trả đũa”, giám đốc thương hiệu Volkswagen Thomas Schäfer chia sẻ.

Bắc Kinh đã phản đối cuộc điều tra lĩnh vực xe điện của EU. Trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải chịu thuế trừng phạt, các nhà hoạch định chính sách thương mại tại quốc gia tỉ dân sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đáp trả EU.

Ngoài ra, việc áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc sẽ làm hoen ố hình ảnh của EU với tư cách là nước ủng hộ thương mại tự do, đồng thời làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương.

Ảnh: SCMP

Các cuộc điều tra của EU đối với các công ty Trung Quốc thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định trợ cấp nước ngoài (FSR), khác với các cơ chế chống trợ cấp của WTO.

FSR được thiết kế để bù đắp cho những thiếu sót trong quy định của WTO và định nghĩa các khoản trợ cấp rộng hơn WTO. Do đó, vẫn còn nghi vấn liệu một số điều khoản FSR có phù hợp với các quy định của WTO hay không.

Ngoài ra, theo Trung Quốc các cuộc điều tra chống trợ cấp đã không tuân thủ cả thủ tục của WTO và của EU. Trung Quốc đã không được tư vấn đầy đủ trước khi cuộc điều tra bắt đầu. Các công ty xuất khẩu được đưa vào cuộc điều tra của EU không có tính đại diện, trong khi đó Tesla, nhà xuất khẩu xe điện lớn nhất từ Trung Quốc sang EU lại không bị điều tra.

Hơn nữa, theo Phòng Thương mại Trung Quốc, các yêu cầu được EU đưa ra khiến các công ty bị điều tra gặp khó. Theo đó một số tài liệu được EU yêu cầu cung cấp nằm ngoài khả năng thu thập của công ty hoặc liên quan đến những thông tin thương mại nhạy cảm, chẳng hạn như thông tin về nhà cung cấp.

Kết quả không mấy ngạc nhiên khi EU kết luận rằng “có đủ bằng chứng cho thấy việc nhập khẩu sản phẩm liên quan từ Trung Quốc đang được trợ cấp”.

Về phần mình, Trung Quốc dự kiến sẽ đưa vụ việc lên WTO. Rất có khả năng cơ quan thương mại hàng đầu thế giới sẽ ra phán quyết rằng cuộc điều tra của EU trái với quy định của WTO. Trong trường hợp đó, hình ảnh của EU trên trường thế giới sẽ bị sứt mẻ.

Cách hành xử của EU cũng làm suy yếu tính liêm chính và uy tín của WTO. Với tư cách là cơ quan cung cấp khả năng dự đoán cho thương mại toàn cầu, WTO có vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của EU. Do đó, việc cắt đứt hệ thống thương mại đa phương có nguy cơ làm lung lay nền tảng thịnh vượng trong tương lai của khối.

Những lo ngại của EU đối với tương lai của ngành ô tô là chính đáng và dễ hiểu. Tuy nhiên, Brussels có thể giải quyết chúng bằng cách hợp tác cùng Bắc Kinh để tìm ra giải pháp được cả hai bên chấp thuận. Được biết, Bắc Kinh cũng sẵn sàng hợp tác với Brussels để giải quyết tranh chấp thương mại hiện tại.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hai-nhieu-loi-it-khi-eu-tang-thue-doi-voi-xe-dien-trung-quoc-post175089.html