Gỡ 'điểm nghẽn' cho thiết chế văn hóa, thể thao

Thuật ngữ 'thiết chế văn hóa, thể thao' được ghi tại Quyết định số 2164/QÐ-TTg (ngày 11/11/2013) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều địa phương vừa thừa, vừa thiếu.

(Ảng minh họa)

(Ảng minh họa)

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác quy hoạch cũng như sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, vừa thừa, vừa thiếu ở nhiều địa phương. Kinh phí đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất ở một số nơi còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, pháp luật hiện hành về văn hóa, thể thao có tới 274 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó, lĩnh vực văn hóa có 180 văn bản; thể thao có 94 văn bản) đã định hình cơ bản hệ thống pháp luật về “thiết chế văn hóa, thể thao”.

Các thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao của đất nước.

Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, từ đô thị cho đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.

Các thiết chế văn hóa, thể thao mới góp phần kiến tạo nên những cảnh quan phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc của các địa phương.

Nơi đây đã trở thành không gian hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa, thể thao phù hợp với cơ chế thị trường; nơi ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo, tài năng biểu diễn, thi đấu thành tích cao; nơi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các sự kiện chính trị-xã hội.

Tuy nhiên, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; tồn tại những nghịch lý, vướng mắc kéo dài. Kinh phí đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, tiến hành theo kiểu “nhỏ giọt, ăn đong”.

Trong khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, thì một số thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí “bỏ hoang”, gây lãng phí lớn (nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian “sáng đèn”)...

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa có quy định chi tiết về tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao (thí dụ, sân vận động Mỹ Ðình chưa được quy định là tài sản kết cấu hạ tầng thể thao, do đó chưa bị điều chỉnh của quy định về tài sản công như các tài sản thông thường khác).

Suốt 10 năm qua, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam dù đã hết sức mời gọi nhưng không có nhà đầu tư nào đổ vốn vào. Lý do chính là bởi những vướng mắc về thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của Làng (được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 39/QÐ-TTg ngày 15/7/2014) bất cập với các luật hiện hành.

Theo Quyết định này, Thủ tướng cho phép Trưởng ban Quản lý Làng được phép phê duyệt quy hoạch, được cho thuê đất, giao đất cho doanh nghiệp và cấp chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, Luật Ðầu tư (năm 2015), và Luật Ðất đai, Luật Xây dựng ban hành sau đó đều không cập nhật Làng vào các luật này. Vì thế, khi thu hút đầu tư, Làng gặp nhiều vướng mắc.

Có một thực tế là, chủ trương của Ðảng về các thiết chế văn hóa, thể thao đã rõ, nhất là những chủ trương về xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; phát triển đồng bộ các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới nội dung, phương thức quản lý hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa và các lĩnh vực kinh tế thể thao phù hợp với cơ chế thị trường…

Vậy nhưng, nhiều địa phương, đơn vị khi tổ chức thực hiện, vẫn không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào(!) Một số nội dung, hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật.

Không ít chính sách, quy định pháp luật vẫn mang tính hướng dẫn chung chung, thiếu cụ thể dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, cả trong đầu tư nguồn lực và tổ chức hoạt động. Các chính sách hiện hành thiếu sự liên thông, đồng bộ; chưa thật sự chú ý tới tính đặc thù của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao (như: văn hóa tinh hoa, bác học, thể thao thành tích cao...).

Việc tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nút thắt cho thiết chế văn hóa, thể thao cần bắt đầu từ thể chế, chính sách.

Cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ với các pháp luật liên quan như xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035...

Ðồng thời, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”, “cơ sở văn hóa, thể thao”; hoàn thiện “quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao” theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; coi trọng xã hội hóa nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/go-diem-nghen-cho-thiet-che-van-hoa-the-thao-5008949.html