Đòn bẩy để văn hóa phát huy 'sức mạnh nội sinh'

Thông tin vui đối với lĩnh vực văn hóa là tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 13 đến 15/5), Thường vụ Quốc hội sẽ dành ngày 14/5 để cho ý kiến về 2 nội dung quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư 'Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035'.

Như vậy, chỉ 2 ngày sau Hội thảo Văn hóa 2024 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại Quảng Ninh (ngày 12/5) thì vấn đề “phát triển văn hóa” lần nữa được đề cập trên bàn nghị sự. Mà lần này là ở cấp cao nhất - Quốc hội, với phạm vi cụ thể là “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”.

Các đại biểu dự hội thảo về văn hóa tại Quảng Ninh.

Các đại biểu dự hội thảo về văn hóa tại Quảng Ninh.

Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức tháng 1/2021, cuối tháng 11/2021, chúng ta đã có Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại quan điểm: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn...

Cũng chính tại hội nghị này, ngoài ghi nhận những thành quả về văn hóa, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn yêu cầu phải nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Những hạn chế, yếu kém này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rõ là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước; vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.

Cùng đó, phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao...

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý chúng ta còn “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”.

Sau hội nghị này, ngày 17/12/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì và phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo này đã làm rõ vấn đề lý luận, thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển văn hóa trong bối cảnh mới.

Hội thảo Văn hóa 2024 vừa tổ chức tại Quảng Ninh thì bàn sâu vào chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Nhìn tổng thể, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cũng như sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, diễn ra “tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao diễn ra ở nhiều địa phương”; cùng đó, kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất ở một số nơi còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu...

Giải quyết những vấn đề còn bất cập đã được nêu ra qua các hội nghị hội thảo nói trên dĩ nhiên là việc của cả hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả địa phương, các bộ, ngành và cũng không thể làm được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, khi chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” được xác định, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để những vấn đề căn bản, kể cả những “điểm nghẽn” sẽ lần lượt được giải quyết, mà trước mắt là cho giai đoạn 2025-2035.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ con người Việt Nam đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại. Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc, nên ngay từ “Cương lĩnh chính trị” đầu tiên (năm 1930), Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng đã đề ra "Đề cương văn hóa Việt Nam", trong đó chỉ rõ "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận”. Ba mặt trận đó là: chính trị, kinh tế, văn hóa.

Đã có chiến lược đúng đắn, cần phải có cả quyết tâm đúng mực và sự đầu tư thỏa đáng thì các thiết chế văn hóa mới thực sự tạo ra “nền tảng tinh thần”, “sức mạnh nội sinh”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi” - như tinh thần của Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/don-bay-de-van-hoa-phat-huy-suc-manh-noi-sinh-i731244/