Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang

Ngày 3.5, Đoàn giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Kết luận của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chương trình hành động, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, tập trung rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn báo cáo tại cuộc làm việc

Giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt Đề án vị trí việc làm công chức cho 22/22 cơ quan hành chính cấp tỉnh và 15/15 huyện, thành phố; phê duyệt Đề án vị trí việc làm viên chức cho 39 cơ quan, tổ chức có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và huyện, thành phố cũng được phê duyệt Đề án điều chỉnh vị trí việc làm công chức.

Giai đoạn 2020 - 2023, Kiên Giang đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm công chức; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của 10/10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 14/14 sở, ban, ngành tỉnh; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 15/15 UBND cấp huyện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc

HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong 9 lĩnh vực gồm: tư pháp; y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch; lưu trữ và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành còn lại tiếp tục xây dựng đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh đã thực hiện giảm 107 đơn vị sự nghiệp, đạt 107% so với kế hoạch. Ngoài ra, Kiên Giang cũng giải thể và sáp nhập nhiều đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển phát biểu tại cuộc làm việc

Tổng số đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của tỉnh hiện nay là 94 đơn vị, gồm 7 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; 27 đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 2 đơn vị thuộc tổ chức hành chính khác; 1 đơn vị thuộc Chi cục thuộc sở; 41 đơn vị thuộc UBND cấp huyện; 16 đơn vị thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

Về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Kiên Giang đã trình HĐND tỉnh Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến nay, tỉnh đã cử 996 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học, chủ yếu trong các ngành giáo dục, y tế, nông nghiệp, xây dựng, luật, kinh tế. Cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài 40 ứng viên, thu hút được 131 bác sĩ tốt nghiệp ở các trường đại học chính quy có cam kết công tác tại tỉnh 5 năm, với mức chính sách thu hút là 150 triệu đồng/người, vượt 31% so với chỉ tiêu thu hút 100 bác sĩ chính quy.

Tại cuộc làm việc, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng liên thông, đồng bộ đầu tư cơ sở vật chất. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình để các đơn vị sự nghiệp công lập xác định mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị. Hướng dẫn loại hình đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Quang cảnh cuộc làm việc

Đồng thời, việc quy định tiêu chuẩn và hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xếp hạng đối với các đơn vị còn chưa có hướng dẫn cụ thể và xếp hạng đối với các đơn vị y tế đa chức năng.

Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận, UBND tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị báo cáo phong phú, khá đầy đủ, chi tiết; đề nghị UBND tỉnh cung cấp thêm một số thông tin sau khi thực hiện công tác sáp nhập, tinh giảm biên chế. Việc sáp nhập, giảm bớt các điểm trường có đáp ứng nhu cầu đi lại, điều kiện học tập của con em hay không? Cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên có đáp ứng được công việc trong tình hình mới? Kiên Giang đã thực hiện sắp xếp rất tốt với lĩnh vực y tế, giáo dục, nhưng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sau sắp xếp như thế nào? Việc sáp nhập các trung tâm đăng ký và trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện về Sở Tài nguyên và Môi trường có bảo đảm được hoạt động khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành?

Các đại biểu cũng đề nghị Kiên Giang chia sẻ kinh nghiệm áp dụng chính sách khuyến khích, đãi ngộ như thế nào trong việc tinh giảm, đối với nhóm lao động dôi dư để giảm bớt áp lực khi nhóm này không còn nhận lương từ nhà nước? Với việc sắp xếp tổ chức lại các đơn vị công lập, tỉnh dự kiến đến năm 2025 giảm thêm 10% - tính khả thi và giải pháp thực hiện gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ra sao?

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao những kết quả Kiên Giang đạt được trong thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch cụ thể, triển khai nghiêm túc, trách nhiệm việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Kiên Giang hoàn thiện báo cáo, gửi lại Đoàn giám sát để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho địa phương.

+ Cùng ngày, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Giồng Riềng về tình hình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tin và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-ubnd-tinh-kien-giang--i370237/