Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa 'phí nội đô' vào Luật Đường bộ

Sáng 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận, góp ý ở hội trường về một số vấn đề 'nóng,' còn gây nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Các đại biểu đề nghị làm rõ một số nhóm vấn đề trong dự thảo luật này, cần đưa 'phí nội đô' vào Luật Đường bộ...

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Đường bộ là dự án luật được Quốc hội, Chính phủ tích cực chuẩn bị công phu trong thời gian dài.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan hữu quan theo quy định.

1km đường ở Hà Nội tốn gần 5.000 tỷ đồng

Nhất trí cao với nhiều nội dung trong dự thảo Luật đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) góp ý thêm về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và phí sử dụng đường bộ.

Theo đại biểu Thủy, quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng trong dự thảo là quá chi tiết, có một số nội dung chưa sát thực tế, có những nội dung không phù hợp với xu thế tương lai.

Theo bà Thủy, UBTVQH đã có điều chỉnh về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ tương tự ở mức được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đây là mức để đánh giá phân loại với đô thị mới thành lập, hoặc trường hợp cần đánh giá lại đô thị hiện hữu chứ không phải mức tất cả đô thị phải đạt ngay. Thực tế ngay cả đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tỷ lệ đất cho kết cấu giao thông mới chỉ 13%.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

"Việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo luật để áp dụng ngay với tất cả các đô thị bao gồm cả hiện hữu và hình thành mới là không công bằng. Trong khi đó, nếu không kèm theo chế tài để xử lý thì không khả thi", đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Mặt khác, đất đô thị ngày càng có giá, chi phí ngày càng đắt đỏ. Đại biểu lấy dẫn chứng hiện nay TP Hà Nội dự kiến mở rộng đường Láng - Ngã Tư Sở dự kiến cần gần 5.000 tỷ/1km đường.

Bên cạnh đó công tác thu hồi đất, lập dự án phát triển đường đô thị hiện nay cũng khó khăn nên các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng xây mới mà cần tập trung vào tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông đa tầng khối lượng lớn.

Hiện đã có chục tỉnh thành dự kiến quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị, tàu chạy ngầm và tàu trên cao. Nếu quy hoạch hiệu quả thì diện tích đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị không nhất thiết phải giữ ở mức cao, có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn.

Do đó, đại biểu Thủy đề nghị không quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu của từng loại đô thị, chỉ cần ghi phù hợp với tiêu chuẩn và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan của loại đô thị tương ứng để đảm bảo tính tương ứng.

Về các loại phí sử dụng đường bộ, đại biểu Thủy nhất trí với sửa đổi bổ sung và nội dung giải trình nhưng đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân vào một số khu vực đô thị trong khung thời gian nhất định. Như vậy để hạn chế phương tiện cá nhân phát triển quá mức, giảm tắc nghẽn, mặt khác bổ sung nguồn thu cho Nhà nước để phát triển kết cấu giao thông đường bộ, giao thông công cộng.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) góp ý thêm về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và phí sử dụng đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) góp ý thêm về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và phí sử dụng đường bộ.

Hiện có 5 tỉnh, thành được thí điểm áp dụng thu các loại phí chưa được quy định trong luật và một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành đề án thu phí nội đô, phí kẹt xe nhưng vì chưa có luật quy định nên việc áp dụng còn dè dặt.

Do đó, đề nghị bổ sung loại phí này vào Luật Đường bộ, các pháp luật về phí và giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi địa bàn, đối tượng áp dụng.

Luật đường bộ cần phải làm rõ 5 nhóm vấn đề

Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời cơ bản thống nhất với nhiều quy định tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, ông Mai cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, đại biểu Dương Khắc Mai góp ý một số nội dung cụ thể như sau: Thứ nhất, tại điểm đ khoản 1 Điều 8 quy định “Đường thôn xóm là đường trong khu vực thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn, đường trục nối thôn xóm với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn”, khái niệm này chưa bao quát hết khu vực cộng đồng dân cư theo sự khác biệt về tên gọi của từng vùng miền (như: buôn, bon, phum, sóc….). Vì vậy, cần đưa ra định nghĩa đầy đủ và chính xác hơn.

Thứ hai, tại khoản 5 Điều 18 quy định “việc lắp đặt biển tuyên truyền phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này”; quy định này chưa xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận việc lắp đặt biển tuyên truyền. Do đó, cần rà soát quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu quy định của pháp luật có liên quan trong việc xác định thẩm quyền tại khoản này.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ.

Thứ ba, về hoạt động vận tải đường bộ theo Điều 56 của dự thảo Luật, trong thực tế hiện nay, phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng thực tế, về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến), việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.

Do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Thứ tư, đại biều bày tỏ thống nhất với quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách” tại khoản 3 Điều 75 của dự thảo; quy định này một phần kế thừa quy định của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, việc thực thi quy định này chưa thực sự nghiêm minh; vẫn xảy ra việc các đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, mà đặc biệt là đối với những nơi có bến xe cách xa trung tâm; điều đó đã tạo nên tình trạng giao thông lộn xộn và nguy cơ mất an toàn. Như vậy, ngoài việc quy định một cách rõ ràng tại khoản này thì vấn đề tổ chức thực thi pháp luật phải được đề cao và có các chế tài xử phạt vi phạm nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự và đem lại hiệu quả trong thực tiễn.

Thứ năm, về Thanh tra đường bộ theo quy định tại Điều 83 của dự thảo, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị nhập khoản 1, khoản 2 thành một khoản vì hai khoản này mang tính liệt kê nhiệm vụ và có tính chất tương đồng.

Một số đại biểu cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo cụ thể, rõ ràng trong Luật Đường bộ.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-dua-phi-noi-do-vao-luat-duong-bo-post1096568.vov