Chè cổ thụ của người Dao Nậm Miện

Trong tiết trời se lạnh, người Dao Nậm Miện lại quây quần cùng nhâm nhi chén chè ống lam cổ thụ ấm nóng, chúc nhau những điều may mắn cho năm mới sung túc, đủ đầy hơn.

 Chè ống lam là thức uống truyền thống của người Dao ở Nậm Miện.

Chè ống lam là thức uống truyền thống của người Dao ở Nậm Miện.

Đường vào thôn Nậm Miện, xã Thẳm Dương (Văn Bàn) những ngày này tràn ngập sắc thắm của hoa đào, hoa mận. Người Dao đỏ Nậm Miện vẫn lưu giữ nhiều phong tục, nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có việc làm chè ống lam. Đây không chỉ là thức uống, mà còn thể hiện tinh thần nhớ về nguồn cội của người Dao.

Chè ống lam hiểu đơn giản là sản phẩm chè được bảo quản trong ống nứa, vầu hoặc tre tươi, giúp chè không bị hỏng, hương vị đậm đà hơn khi có chất nhựa từ cây nứa tươi tiết ra qua các công đoạn chế biến. Theo quan niệm của người Dao đỏ, tết Thanh minh là ngày đẹp nhất để lên núi hái chè, bởi đây là thời điểm đất trời hòa hợp, không khí trong lành. Chè bật búp xanh mơn mởn ngậm sương mai, được hái từ 6 giờ và kết thúc trước 8 giờ sáng, vì theo kinh nghiệm của người dân, nếu hái vào sau giờ này sẽ làm mất vị thanh, chè sẽ nhạt và không ngon. Khi hái cũng cần có kỹ thuật, lựa những búp không quá già, không quá non, thường mỗi búp 2 lá là đạt tiêu chuẩn.

 Cây chè cổ thụ ở thôn Nậm Miện, xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn).

Cây chè cổ thụ ở thôn Nậm Miện, xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn).

Người Dao ở Nậm Miện đặc biệt chú trọng các công đoạn tạo ra chè lam. Từ khâu chọn ống nứa, ống vầu đến nguyên liệu chè, đặc biệt là quy trình sấy chè qua lửa vừa cầu kỳ vừa đậm chất riêng. Chè được hái về rửa sạch, chần qua nước sôi rồi được rải ra sàng để sấy khô trên gác bếp. Lửa phải cháy liên tục. Quá trình sấy sẽ kết thúc sau 2 đến 3 ngày khi chè tỏa hương thơm. Sau đó là công đoạn lam chè. Chè đã sấy được cho vào ống nứa hoặc vầu, tre. Phải dùng chày nhỏ nén thật chặt chè trong ống, đến khi đầy miệng thì dùng lá dong bịt kín ốngvà tiến hành lam trên than hồng. Quá trình lam, chè trong ống sẽ mềm ra, ngót đi, người dân tiếp tục nén thêm chè vào ống để lam tiếp. Đến khi phần ống bên ngoài cháy đều thì gọt lớp vỏ bên ngoài, sau đó tạo nắp ống và dùng lạt tre, nứa hoặc vầu buộc chặt nắp ống lại để tiếp tục sấy trên gác bếp.

 Mỗi mẻ chè ống lam người Dao ở Nậm Miện sẽ làm từ 20 - 30 ống.

Mỗi mẻ chè ống lam người Dao ở Nậm Miện sẽ làm từ 20 - 30 ống.

Để tạo ra mỗi ống chè lam, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và kiên nhẫn. Người Dao ở Nậm Miện mỗi lần làm từ 20 đến 30 ống, dùng cho cả năm. Điều đặc biệt là dù để lâu nhưng chè không bị mốc hoặc hôi. Khi pha uống, chè có mùi thơm mát ví như sương sớm nắng mai, có vị ngọt thanh chứ không chát.

Nậm Miện là thôn đặc biệt khó khăn với 97 hộ người Dao đỏ sinh sống. Tại đây hiện còn gần 2.000 gốc chè cổ thụ. Ngoài làm chè ống lam để uống, chè khô của Nậm Miện cũng là sản phẩm hàng hóa được nhiều người biết đến, tuy nhiên số lượng còn ít. Xã Thẳm Dương đã có định hướng để quy hoạch, phát triển sản phẩm chè thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/che-co-thu-cua-nguoi-dao-nam-mien-post380269.html