Chất và chuẩn

Cũng như một số loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch trước đó, những mặt hàng nông sản Việt Nam gần đây được một số thị trường lớn đồng ý nhập khẩu chính ngạch, như: sầu riêng Đắk Lắk vào thị trường Trung Quốc, Gạo Ông Cua vào thị trường Anh, bưởi vào thị trường Mỹ… đều có điểm chung là chất lượng thơm ngon và được sản xuất, đóng gói đúng theo tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ. Điều đó một lần nữa cho thấy, thị trường tiêu thụ hàng nông sản là không thiếu nếu hội tụ các điều kiện cần và đủ, là: ngon lành và giá cả cạnh tranh.

Trong tháng 9, nông sản Việt Nam liên tiếp đón nhận 2 tin vui, đó là: “Gạo Ông Cua” đã có hợp đồng phân phối chính thức vào thị trường Anh và sầu riêng Đắk Lắk chính thức vào thị trường Trung Quốc. Chất lượng “Gạo Ông Cua” ST25 thì không có gì phải bàn cãi khi được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” và liên tiếp những năm gần đây đều nằm trong top đầu gạo ngon nhất thế giới. Và nói như Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua, loại “Gạo Ông Cua” ST25 do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cung ứng không chỉ rất ngon mà còn rất lành, khi được sản xuất, chế biến, đóng gói theo quy trình tiên tiến, đáp ứng đầy đủ các quy định của thị trường tiêu thụ. Còn đối với sầu riêng Đắk Lắk cũng đã vượt qua các quy định về mã số vùng trồng cùng các tiêu chuẩn liên quan về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Gạo ST24, ST25 đã chinh phục được những thị trường khó tính, có giá bán cao, như: Anh, EU, Úc… Ảnh: TÍCH CHU

Kể từ khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được Việt Nam ký kết và đi vào thực thi, cơ hội xuất ngoại của các mặt hàng nông sản cũng ngày một lớn hơn. Câu chuyện của “Gạo Ông Cua”, sầu riêng Đắk Lắk và trước đó là thanh long, xoài, nhãn, vải, vú sữa, bưởi… như một lời khẳng định, rằng chúng ta không thiếu các mặt hàng nông sản chất lượng (ngon, giàu dinh dưỡng), cũng không thiếu thị trường tiêu thụ, mà cái thiếu lớn nhất chính là vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn, có tính liên kết vùng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường và một quy trình công nghệ bảo quản, chế biến (hoặc sơ chế), đóng gói phù hợp.

Trở lại với câu chuyện “chất và chuẩn” để thấy rằng, đây là 2 tiêu chuẩn rất quan trọng, nếu không muốn nói là có tính bắt buộc để được thị trường chấp nhận đối với mọi sản phẩm, chứ không riêng gì hàng nông sản. Ngay từ xa xưa, ông bà ta đã dùng từ “ngon lành” (chất lượng và an toàn cho sức khỏe - NV) để đánh giá chất lượng của một loại nông sản hay sản phẩm, món ăn nào đó. Điều này cũng dễ hiểu, bởi con người luôn có nhu cầu ăn ngon nên cái ngon bao giờ cũng được ưa chuộng nhiều hơn, vì thế giá trị bao giờ cũng cao hơn. Và khi khoa học ngày một tiến bộ, thu nhập ngày một cao hơn, người ta cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, nên cái sự ngon đó phải được đảm bảo thêm bằng sự an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung, như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, MSC…

Đối với tỉnh Sóc Trăng, nơi có 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn được xác định là vùng đất giàu tiềm năng phát triển các loại nông sản có giá trị cao được người tiêu dùng các nước ưa chuộng, như: gạo thơm ST24, ST25; bưởi da xanh, vú sữa tím Kế Sách; hành tím, nhãn xuồng Vĩnh Châu; dừa dứa Trần Đề; mãng cầu gai Ngã Năm... Một trong số những mặt hàng nông sản đặc sản được xuất khẩu sớm nhất của tỉnh phải kể đến là củ hành tím, với hương vị cay, nồng và màu tím đỏ rất đặc trưng khi được trồng trên vùng đất giồng cát ven biển của thị xã Vĩnh Châu. Tiếp bước hành tím Vĩnh Châu, một số loại cây ăn trái đặc sản, như: bưởi da xanh, vú sữa tím, nhãn, xoài… cũng lần lượt được các doanh nghiệp tìm đến Sóc Trăng thu mua để xuất khẩu đi các nước. Gần đây nhất, gạo ST24, ST25, sau khi tạo được tiếng vang tại các cuộc thi gạo ngon thế giới cũng bắt đầu có mặt tại các quốc gia lớn thuộc EU, Mỹ, Úc…

Bưởi da xanh, một mặt hàng nông sản chất lượng đã được xuất khẩu với giá trị cao. Ảnh: TÍCH CHU

Bưởi da xanh, một mặt hàng nông sản chất lượng đã được xuất khẩu với giá trị cao. Ảnh: TÍCH CHU

Tuy nhiên, con đường từ chất đến chuẩn là cả một hành trình không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi ở sự quyết tâm, mà còn cả sự thay đổi tư duy, nhận thức để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bởi chỉ có tư duy kinh tế nông nghiệp mới giúp người nông dân và cả nhà quản lý nhận ra giá trị to lớn của chất và chuẩn để từ đó có những điều chỉnh trong chỉ đạo sản xuất và hành vi thực hành nông nghiệp tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chúng ta đã có những năm tháng “tập dợt” để chuẩn bị cho nông sản bước ra sân chơi lớn qua các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình VietGAP, GlobalGAP… nên sẽ rất thuận lợi trong việc đeo đuổi mục tiêu chất và chuẩn, nhằm tạo giá trị gia tăng ngày một lớn hơn cho nông sản, mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và một môi trường sống tốt hơn.

Thực tế thấy rõ, đội ngũ lãnh đạo qua các thời kỳ và nông dân trong tỉnh luôn có tư duy hướng về cái mới, cái tiến bộ, cái hiện đại để hội nhập kinh tế thế giới một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Điều đó được thể hiện qua các chủ trương, chính sách phát triển các vùng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao từ rất sớm; là những đề án, dự án phát triển cùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản giá trị cao; là những vùng nuôi tôm, trồng màu… đã và đang phát huy tính hiệu quả rõ rệt qua từng năm. Sản xuất nông sản theo mục tiêu chất và chuẩn để nâng cao giá trị đã không còn là phong trào mà được xác định là xu thế tất yếu để sớm hiện thực hóa mục tiêu tiến lên nền kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Chất và chuẩn thời nào cũng cần, cũng có giá trị riêng của nó. Tính tất yếu đó là không có gì phải bàn cãi, nên chỉ cần có sự kiên trì, quyết tâm và hành động một cách thực chất, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được. Và khi đó, nông sản sẽ không còn cảnh giải cứu, vai trò, vị thế người nông dân sẽ ngày một cao hơn.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chat-va-chuan-61850.html