Câu chuyện về đạo hiếu như cổ tích trên núi nổi tiếng linh thiêng

Có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại hai cha con ông Vương nữa nhưng hình ảnh cao đẹp đó sẽ in đậm trong ký ức tôi.

Cửu Hoa Sơn là một trong bốn quả núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc. Đây là trú xứ hành đạo của Thiền sư Kim Kiều Giác, nguyên là Thái tử nước Tân La (thuộc Triều Tiên ngày nay). Truyền thuyết nói rằng ngài là hóa thân của Bồ tát Địa Tạng đã đến Cửu Hoa Sơn hoằng hóa vào thế kỷ VII.

Tại đây, giữa hàng trăm ngọn thanh sơn nhấp nhô hùng vĩ, tượng Bồ tát Địa Tạng cao 99m, thân sắc vàng kim rực sáng, được tôn trí trang nghiêm. Dòng người nối nhau đến đây viếng, lễ Bồ tát dài đến hàng kilomet, không thể đếm hết.

Sau khi chiêm bái, đảnh lễ tôn tượng, đoàn chúng tôi tìm đến một thảm cỏ dưới tán cây ngồi tĩnh tâm, rồi sau đó chia sẻ pháp đàm về “Hạnh Của Đất”.

Khi bóng chiều đã ngả, đoàn chuẩn bị ra về thì thấy xa xa có người đàn ông trên lưng cõng ông lão trông rất nhọc nhằn, mắt đang hướng về chiếc xe lăn dưới tán cây cách đó không xa.

Anh Trung Toàn thấy vậy, chạy vội kéo chiếc xe lăn ra chỗ trống để người đàn ông đặt ông lão lên. Tôi đứng chắp tay khởi lòng ngưỡng mộ, thầm nghĩ chắc là con cõng bố lên Cửu Hoa Sơn đảnh lễ Bồ tát.

Chị Nguyên Giới thấy vậy, trên tay cầm bao thơ đến mở lòng với người đàn ông: “Đoàn có chút quà mọn, xem như vài viên thuốc kính biếu cụ, anh hoan hỉ nhận cho”. Người đàn ông mỉm cười, khoát tay trả lời: “Được đoàn quan tâm như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Cám ơn chị, cám ơn đoàn”.

Nói xong, anh ta hướng về tôi chắp tay, cúi đầu bái biệt. Chiếc xe lăn khuất dần sau khóm lá, lối mòn lặng lẽ hắt hiu vệt nắng chiều.

Đoàn nén lại, chụp thêm vài tấm ảnh kỷ niệm dưới chân tượng Bồ tát rồi xuống núi ra về. Đi được khoảng một cây số, bất ngờ hai bố con lại xuất hiện.

Người đàn ông đẩy chiếc xe ra giữa đường, rồi quỳ xuống trước mặt chúng tôi, chắp tay lòng đầy thành kính: “Bạch thầy, bố con tuổi đã xế chiều, xin thầy khai thị vài câu để bố con hiểu được giá trị kiếp người, sống thanh thản những ngày còn lại”.

Những người tác giả gặp ở Cửu Hoa Sơn

Những người tác giả gặp ở Cửu Hoa Sơn

Lòng dâng trào cảm xúc khó tả, tôi khuyến tấn ông lão phải luôn thường trực với ý thức vô thường, thấy biết như thật, không có gì là “tôi”, “của tôi”, thực tập nếp sống buông xả: Tài sản, người thân, những cầu mong, nuối tiếc, sướng khổ, buồn vui đeo bám tâm thức và tấm thân này.

Nói xong, tôi hướng dẫn ông lão phát nguyện quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Lời phát nguyện cuối, tôi nhìn ông lão. Dù chân tay không cử động được, ông vẫn nở nụ cười và cố gật đầu như để tín thọ và bày tỏ niềm biết ơn.

Người đàn ông đẩy xe lăn không phải con trai của ông lão mà là con rể. Còn ông lão ngồi xe lăn là bố vợ, tuổi đã gần 80. Nhân ngày Quốc tế Lao động, người con rể đưa bố vợ từ Hồ Bắc, vượt qua quãng đường hơn 500km, đến núi Cửu Hoa lễ Bồ tát Địa Tạng.

Bước chân ra về, lòng tôi cứ miên man về hình ảnh cao đẹp của người con rể. Không gian Cửu Hoa Sơn mênh mông, bao la, đi bộ thôi đã rũ chân, ấy vậy mà một người con rể đã cõng bố vợ suốt quãng đường khúc khuỷu trập trùng. Nhìn những giọt mồ hôi trên má, cùng hơi thở dập dồn của anh, lòng tôi không khỏi cảm phục.

Chưa hết, đoàn đi được khoảng 500m, khi chuẩn bị ra cổng thì thêm một lần nữa chiếc xe nghĩa tình lại xuất hiện. Người con rể bước nhanh đến tôi, hai tay cầm bao thơ dâng lên cúng dường. Tôi chưa kịp cầm, anh đã chủ động bỏ vào chiếc túi trên tay tôi, vái chào, gạt dòng nước mắt rồi vội đi.

Tất cả chúng tôi đều đứng dõi theo trong niềm xúc động trào dâng. Chị Lệ Mai đứng thông dịch đã phải nhiều lần lau nước mắt, không nói được lời nào. Chị tháo chiếc vòng đang đeo trên cổ tay, chạy theo tặng ông lão. Các bạn Kiết Tường, Bá Khanh, Như Ngọc vội vàng tặng xâu hổ phách cho người ngồi trên xe lăn.

Trên đường về, tất cả chúng tôi lặng lẽ bước đi, không ai nói điều gì, thỉnh thoảng nhìn nhau như vừa đọc qua một câu chuyện cổ tích.

Xã hội thời nay có những tấm gương sáng ngời như thế. Hiếu thuận mẹ cha đã khó gặp, hiếu kính nhạc phụ lại khó hơn, có lòng chánh tín Tam Bảo càng hiếm có.

Không có nhiều thời gian để trò chuyện, để hiểu thêm gia cảnh nhưng tôi hình dung đây có thể là gia đình hạnh phúc nhất thời nay. Nếu có vợ anh ở đây, tôi sẽ nói: “Chị đang có một vị Bồ tát lớn trong gia đình, chị có biết không?”.

Qua cách chắp tay, đảnh lễ và thưa thỉnh, tôi biết chắc người con rể phải là một Phật tử, thậm chí cả gia đình đều tín mộ Tam Bảo.

Nếu chỉ đi du lịch, liệu anh có phải vất vả, nhẫn nại đưa bố vợ đi hơn 500km để đến Cửu Hoa Sơn, rồi đẩy xe, cõng bố đi bao nhiêu kilomet quanh Cửu Hoa Sơn lễ Bồ tát Địa Tạng một cách thành tâm hay không.

Nếu không hiểu đạo, làm sao anh có thể “xin thầy khai thị vài câu để bố con hiểu được giá trị kiếp người, sống thanh thản những ngày còn lại”. Và nếu không có niềm tin, làm sao anh có thể phát tâm cúng dường với niềm tôn kính và đức tin trong sáng.

Có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại hai cha con họ nữa, nhưng hình ảnh cao đẹp đó sẽ in đậm trong ký ức tôi, sẽ gắn liền với danh hiệu vị Bồ tát có hạnh nguyện như đất mỗi khi tôi quán niệm Ngài.

Có thể hình ảnh một thiền tăng sẽ phai mờ trong tâm trí hai cha con, nhưng tôi tin những lời khai thị kia sẽ là hành trang diệu hữu cho người ngồi xe lăn và bóng áo nâu kia sẽ là dấu ấn đậm nét cho chàng rể trong kiếp nhân sinh này.

Tôi tin là câu chuyện hiếu đạo của chàng rể đó xứng đáng đứng trang trọng trong tác phẩm văn học nổi tiếng Nhị Thập Tứ Hiếu của Quách Cư Nghiệp.

Trên đường hướng về Phổ Đà Sơn, lòng tôi cứ khắc khoải câu chuyện hiếu nghĩa ở Cửu Hoa Sơn. Nơi đây không chỉ có Bồ tát Địa Tạng như hàng triệu người trông thấy, tôi còn gặp được một Bồ tát chí hiếu đáng được xã hội ngưỡng mộ, tôn sùng.

Chiết Giang, ngày 06/05/2024

Trí Chơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cau-chuyen-ve-dao-hieu-nhu-co-tich-tren-nui-noi-tieng-linh-thieng-2279026.html