Cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa.

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" diễn ra ngày 12/5 tại Quảng Ninh, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Cùng với đó là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2024.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn 2 năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ việc nhận thức đúng và đồng bộ đến tháo gỡ những nút thắt trong chính sách đầu tư, tránh dàn trải thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở, để có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, ông Phan Xuân Thủy cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa. Từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế. Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người, bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Cùng với đó là quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ; tăng cường quản lý nhà nước, tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa..

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-nhan-thuc-day-du-ve-vi-tri-vai-tro-tam-quan-trong-cua-he-thong-thiet-che-van-hoa-post295175.html