Cần đầu tư, quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bài 1: Bất cập, thiếu đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh được đầu tư và đưa vào sử dụng đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tuy nhiên, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; một số nhà văn hóa, khu thể thao cấp xã, thôn có diện tích nhỏ, thiết kế không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chủ yếu theo thiết kế định hình nên không thể hiện được bản sắc riêng của vùng miền, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng cao của Nhân dân. Việc quy hoạch vị trí và bố trí quỹ đất nhiều nơi còn khó khăn...

Thừa mà thiếu, thiếu mà thừa”

Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa hiện mới chỉ có 7/13 thôn có nhà văn hóa (nhà sinh hoạt cộng đồng). Phần lớn các thiết chế văn hóa cấp thôn bị xuống cấp, hư hỏng nặng, chưa được đầu tư mua mới, sửa chữa… làm hạn chế việc phát huy chức năng của thiết chế. Sau khi sáp nhập một số thôn, có dôi dư nhà văn hóa nhưng chất lượng lại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Nguyên nhân là do số dân trong thôn tăng sau sáp nhập, diện tích nhà văn hóa của thôn nhỏ hẹp, không đảm bảo chỗ ngồi, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt, hội họp. Anh Lê Công Phương, Trưởng thôn Đại Độ cho biết, năm 2019, thôn Hướng Độ và Hướng Đại sáp nhập thành lập thôn mới Đại Độ. Hiện toàn thôn có 105 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Trước khi sáp nhập, cả hai thôn cũ đều có nhà văn hóa thôn, dù cơ sở vật chất nhỏ hẹp, thiếu loa máy, bàn ghế… nhưng vẫn hội họp, sinh hoạt được.

Đến khi sáp nhập, số dân tăng lên nên cả 2 nhà văn hóa thôn đều không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Điều đáng nói là trên địa bàn thôn Đại Độ hiện có nhà sinh hoạt cộng đồng (trước là của thôn Hướng Độ) được một dự án hỗ trợ xây dựng mới với diện tích khá rộng rãi và bàn giao cho địa phương vào khoảng năm 2018, nhưng không hỗ trợ âm thanh loa máy, bàn ghế… Về phía địa phương do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên không thể huy động nguồn lực để hoàn thiện nhà sinh hoạt cộng đồng.

Vì thế nhà sinh hoạt cộng đồng này không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp nên không sử dụng được và đến nay cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Với thôn Đại Độ, tuy là có đến 2 nhà văn hóa, nhưng thực chất đều không sử dụng được, “thừa mà thiếu, thiếu mà thừa”. Trước thực trạng khó khăn đó, giải pháp trước mắt của thôn là mượn tạm nhà dân để tổ chức hội họp, sinh hoạt.

Anh Phương tâm sự: “Người dân thôn Đại Độ mong muốn được cấp trên hỗ trợ để tu sửa, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng đang xuống cấp trầm trọng và đầu tư mới thêm bàn ghế, âm thanh loa máy cũng như một số công trình thể thao ngoài trời để đáp ứng việc tổ chức sinh hoạt, hội họp và nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí cho Nhân dân”.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa không sử dụng do xuống cấp nghiêm trọng và thiếu bàn ghế, công trình thể thao - Ảnh: MĐ

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa không sử dụng do xuống cấp nghiêm trọng và thiếu bàn ghế, công trình thể thao - Ảnh: MĐ

Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Hưng cho biết, nhiều địa phương chưa quy hoạch được đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đặc biệt, các thôn sáp nhập số dân tăng nên nhà sinh hoạt cộng đồng không đủ diện tích để người dân sinh hoạt và hội họp. Sau khi sáp nhập, trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn lại 149 thôn, bản, khóm phố.

Theo thống kê, toàn huyện có 128 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, khóm phố, trong đó, có 5 nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn theo quy định; 123 nhà sinh hoạt cộng đồng không đảm bảo về diện tích, thiết chế bên trong và các công trình phụ trợ, thiếu các dụng cụ phục vụ cho hoạt động thể thao... Còn 21/149 thôn, bản, khu phố chưa có thiết chế văn hóa, thể thao. Nhà văn hóa cấp xã còn thiếu, hiện nay chỉ có 4/21 xã, thị trấn có nhà văn hóa cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Đối với TP. Đông Hà, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong, thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các phường tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ và các giải pháp về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục - thể thao (TDTT), xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành đoàn thể khá đồng bộ, việc triển khai các kế hoạch, đề án về thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa, TDTT đạt hiệu quả cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của Nhân dân. Trước đây, thành phố có 81/83 khu phố có nhà văn hóa. Sau sáp nhập, thành phố còn 62 khu phố, trong đó, có 61/62 khu phố có nhà văn hóa (nhà văn hóa Khu phố 1, Phường 4 đang xây dựng).

Thành phố đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Trong 61 khu phố có nhà văn hóa, có nhiều khu phố đang có 2 nhà văn hóa trở lên. Trên địa bàn thành phố có 15 nhà văn hóa dôi dư không hoạt động, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Về giải quyết vấn đề này, UBND các phường đề xuất giữ lại 10 nhà văn hóa để sắp xếp sử dụng, số còn lại đề xuất thanh lý.

Tình trạng một số nhà văn hóa không hoạt động, giờ bỏ hoang, bị hư hỏng, xuống cấp vừa làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự khi nhiều đối tượng xấu thường xuyên tụ tập tiêm chích, buôn bán ma túy khiến người dân lo lắng. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các phường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất phương án xử lý nhà văn hóa dôi dư, không sử dụng lên thành phố xem xét, đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Nhà văn hóa thôn, khu phố giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Nhưng nhìn vào thực trạng hoạt động tại các thôn, khu phố nhiều năm qua cho thấy không ít bất cập và khoảng trống trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa.

Bên cạnh những nhà văn hóa thôn, khu phố đã xuống cấp, chắp vá hoặc tận dụng các công trình kiến trúc cũ, thì vẫn còn một số nhà văn hóa thôn, khu dân cư được xây dựng mới khang trang nhưng tần suất sử dụng lại thấp, hiệu quả sử dụng không cao, chủ yếu dùng để hội họp dẫn đến tình trạng nơi chưa có thì thiếu, còn nơi xây dựng xong thì chưa phát huy hết tác dụng, chức năng nhà văn hóa thôn theo quy định.

Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Huy Hùng cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ VH,TT&DL; sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền.

Nhà văn hóa Khu phố 5 (cũ), Phường 2, TP. Đông Hà dôi dư sau sáp nhập, không sử dụng dẫn đến xuống cấp - Ảnh: M.Đ

Nhà văn hóa Khu phố 5 (cũ), Phường 2, TP. Đông Hà dôi dư sau sáp nhập, không sử dụng dẫn đến xuống cấp - Ảnh: M.Đ

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở cấp xã, tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 98/125 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao.

Trong đó, có 75/98 trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; có 23/98 trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo diện tích, chỗ ngồi, thiếu trang thiết bị và các công trình phụ kèm theo; có 27 xã, phường, thị trấn chưa có trung tâm văn hóa-thể thao.

Giai đoạn 2023-2025, cần xây dựng mới 49 trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường, thị trấn. Ở cấp thôn: có 772/800 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa-khu thể thao. Trong đó, có 454/772 nhà văn hóa-khu thể thao thôn đạt chuẩn; có 318 nhà văn hóa-khu thể thao chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo diện tích, chỗ ngồi, thiếu trang thiết bị và các công trình phụ kèm theo; có 28 làng, bản, khu phố chưa có nhà văn hóa-khu thể thao. Giai đoạn 2023-2025, cần xây dựng mới 154 nhà văn hóa-khu thể thao.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của Nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong điều kiện tỉnh còn khó khăn, nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng đảm bảo hoạt động các thiết chế văn hóa còn hạn chế. Mức sống của Nhân dân thấp dẫn đến công tác xã hội hóa chưa cao.

Đa số các địa phương lồng ghép đầu tư xây dựng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm. Hoạt động nhà văn hóa cấp thôn chủ yếu do Nhân dân đóng góp, ngân sách xã không đảm bảo. Kinh phí hoạt động nhà văn hóa xã phụ thuộc ngân sách chung của cấp xã, do đó không có nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhân sự, tổ chức bộ máy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, nhà văn hóa cấp thôn hầu hết do trưởng thôn quản lý; cấp xã chủ yếu do phó chủ tịch văn xã và cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội kiêm nhiệm nên dẫn đến một số khó khăn nhất định trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Một vấn đề đáng quan tâm đó là công tác quy hoạch xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều địa phương, đơn vị chưa cụ thể, thiếu chi tiết, việc bố trí quỹ đất còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là khu vực thành thị.

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hầu hết được xây dựng từ giai đoạn 1995-2005, không đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ VH,TT&DL, trang thiết bị tại các thiết chế văn hóa thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện các công trình phụ trợ kèm theo. Hiện nay, công tác quản lý và khai thác sử dụng vẫn còn hạn chế, công tác xã hội hóa theo quy định pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cấp thôn được xây dựng từ lâu, tận dụng cũ nên xuống cấp; trang thiết bị hoạt động không đồng bộ, nghèo nàn; tổ chức hoạt động còn đơn điệu... dẫn đến mức độ khai thác, sử dụng thấp, chưa phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng.

Nguyễn Minh Đức

-------------

Bài 2: Huy động nguồn lực đầu tư và linh hoạt trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/can-dau-tu-quan-ly-va-su-dung-hieu-qua-he-thong-thiet-che-van-hoa-the-thao-co-so-bai-1-bat-cap-thieu-dong-bo-he-thong-thiet-che-van-hoa-the-thao/179418.htm