Yếu tố nào sẽ thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam?

Nền kinh tế gặp khó khăn do tác động liên tiếp của dịch Covid – 19 đã khiến dòng tiền dần chuyển hướng sang những kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là chứng khoán. Bên cạnh những đỉnh cao mới được xác lập bởi nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục trong năm qua.

Tình trạng bán ròng của khối ngoại có thể thay đổi trong năm 2022. (Ảnh: Int)

Cụ thể, trong năm 2021, khối lượng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 61.000 tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD trên toàn thị trường, gấp gần 4 lần lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020.

Theo ông Chu Đức Toàn, Chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán VNDirect, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại thị trường cận biên sẽ phản ứng tiêu cực hơn với đại dịch Covid-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu nên có xu hướng rút tiền ra khỏi các thị trường cận biên - nơi có rủi ro cao và quay về các thị trường phát triển - nơi có rủi ro thấp hơn.

Bên cạnh đó, trong hơn một năm qua, thị trường Việt Nam không có sự xuất hiện của những thương vụ IPO lớn hay thoái vốn như giai đoạn 2017 – 2018, làm cho khối ngoại khó giải ngân hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tình trạng này có thể thay đổi trong năm 2022 nhờ những yếu tố sau.

Trước hết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra thông điệp nâng lãi suất khoảng 3 - 4 đợt trong năm 2022, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, các quỹ và nhà đầu tư tổ chức toàn cầu. Việc tăng lãi suất có thể diễn ra trong nửa cuối năm nay.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt đưa ra nhiều chính sách chưa từng có trong tiền lệ về lãi suất. Vì vậy, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức thích đầu tư vào các thị trường phát triển hơn và tỏ ra lo ngại với thị trường mới nổi như Việt Nam. Theo đó, các thị trường bluechip như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông,… sẽ được ưu tiên hơn. Nhưng khi các nhóm phát triển có sự điều chỉnh về lãi suất, xu hướng đầu tư sẽ chuyển sang các thị trường midcap hoặc penny như Việt Nam.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế đánh giá GDP toàn cầu tăng 4,5% trong năm 2022, riêng Việt Nam được đánh giá lạc quan khi có thể tăng khoảng 6,5 - 6,7% (ngoại trừ Ngân hàng Thế giới dự báo 5,5%). Điều này cho thấy sự kỳ vọng của các tổ chức vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Cuối cùng, trong giai đoạn 2022 – 2025, Việt Nam có khả năng chuẩn bị xếp vào danh sách nâng hạng và xếp hạng chính thức. Nhờ đó, xu hướng đón đầu làn sóng nâng hạng mà các quỹ đầu tư có thể quay lại Việt Nam.

C.Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/yeu-to-nao-se-thu-hut-dong-von-ngoai-quay-tro-lai-thi-truong-viet-nam-1083309.html