Yếu tố nào giúp kênh chứng khoán ngày càng hấp dẫn?

Dòng tiền liên tục tìm đến giúp thanh khoản thị trường chứng khoán lên cao, đẩy VN-Index chinh phục được những nấc thang mới. Cùng với đó, yếu tố vĩ mô ổn định, môi trường lãi suất thấp sẽ còn tiếp tục hỗ trợ thị trường bùng nổ.

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên “xanh ngắt” nhờ sự tích cực bắt đáy của dòng tiền, giúp VN-Index leo lên mức 1.281 điểm (phiên 22/3).

Lập kỷ lục mới

Đáng chú ý, trước đó, trong phiên 21/3, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường đẩy VN-Index tăng vọt, lập đỉnh mới 1.276 điểm. Đặc biệt, đây là phiên mà lượng cổ phiếu “khủng” trong phiên giao dịch gần 2 tỷ USD ngày 18/3 về tài khoản nhà đầu tư, tuy nhiên trái ngược với sự lo lắng, thị trường chưa gặp áp lực chốt lời mạnh. Lực bán có tăng lên, nhưng bên mua hấp thụ tốt, sẵn sàng mua ở vùng giá cao hơn. Thanh khoản và giá cùng tăng.

Hàng loạt yếu tố hỗ trợ VN-Index đi lên.

Với đà tăng giá như hiện tại, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra nhận định tích cực cho VN-Index trong thời gian tới.

Theo Chứng khoán Agriseco, trên đồ thị kỹ thuật, lực cầu gia tăng áp đảo bên bán đã giúp cho VN-Index tăng điểm với biên độ mở rộng. Xung lực tăng điểm tích cực cùng thanh khoản cải thiện cho thấy cơ hội mở rộng nhịp hồi phục và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.290-1.300 đang có phần chiếm ưu thế.

Chung quan điểm, Chứng khoán BSC cho rằng với sự hỗ trợ của thanh khoản, VN-Index có thể tiếp tục tiến vào vùng kháng cự 1.280 – 1.300 điểm trong những phiên giao dịch tới.

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, VN-Index vẫn đang thể hiện sức hấp dẫn với những mức tăng đáng kể. VN-Index đánh dấu chuỗi tăng điểm ở tháng thứ 4 liên tiếp, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường được cải thiện khá rõ rệt, duy trì đều đặn mức tỷ đô (25.000 tỷ đồng), thậm chí nhiều phiên giao dịch vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Nhờ đó, nhà đầu tư đạt được mức sinh lời khá ổn, tăng thêm khí thế “mua hàng”. Hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh, thậm chí mang lại mức lời tới hơn 50%.

Trên các diễn đàn chứng khoán cũng như các hội nhóm, nhà đầu tư đang thể hiện rõ sự phấn khích khi hô hào mua bán nhộn nhịp trở lại, trái hẳn với tâm lý phòng thủ trước đó.

Theo chia sẻ của chị Ánh Ngọc (Hà Nam), kể từ đầu năm 2024, thị giá DGC của Hóa chất Đức Giang liên tục lập đỉnh mới, tăng hơn 35%, và tăng 160% từ đáy gần nhất vào tháng 5/2023, nhờ đó chị đã có khoản lãi đáng kể.

“Tôi thấy thật may mắn vì đã rút một phần tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng để chuyển qua kênh đầu tư chứng khoán. Nhóm của tôi đang nghiên cứu để tìm thêm một số mã có thể mang lại mức sinh lời tốt như DGC”, chị Ngọc nói.

Niềm tin của nhà đầu tư còn được củng cố sau động thái mới từ cơ quan quản lý về nâng hạng thị trường. Cụ thể là Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến về việc sửa đổi nhiều quy định pháp lý quan trọng, về vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời của nhà đầu tư nước ngoài.

Vĩ mô tạo đà cho thị trường bùng nổ

Theo đó, VN-Index được kỳ vọng sẽ còn tiến xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu.

Những động lực cho nền kinh tế đến từ trong nước như kế hoạch thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, cắt giảm thuế, tăng lương ở cả khu vực công và tư nhân. Thêm nữa, Quốc hội thông qua một số dự án luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở… sẽ tạo ra cơ sở pháp lý ổn định, thúc đẩy đà tăng trưởng của giai đoạn mới.

Đồng thời, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi với vị thế là một mắt xích quan trọng để duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh những yếu tố trên, một điểm tích cực với kênh đầu tư chứng khoán sẽ được duy trì từ năm 2023 sang năm 2024 là chính sách tiền tệ nới lỏng, nhất là sau cuộc họp mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điều này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay, qua đó củng cố lợi nhuận.

Theo dự báo của Dragon Capital, lợi nhuận của 80 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất có thể tăng trưởng bình quân 15-18% trong năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái và hiện vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ vĩ mô.

Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào quỹ đạo ổn định nhờ các biện pháp thanh lọc của cơ quan quản lý trong năm 2023, được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Không chỉ vậy, thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu ấm dần lên sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó tạo bàn đạp cho thị trường chứng khoán đi lên.

Ngoài ra, định giá hợp lý là một trong những yếu tố giúp chứng khoán Việt Nam tiếp tục hút tiền. Tỷ lệ P/E dự kiến cho năm 2024, theo dự phóng của Dragon Capital, là 10,6 lần đối với 80 doanh nghiệp hàng đầu. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan ( 16,0 lần), Malaysia (14,1 lần), Indonesia (13 lần) và Philippines (12,6 lần).

Dù vậy, thị trường vẫn còn đó những "cơn gió ngược". Đó là đà bán ròng liên tục của khối ngoại cho thấy những bất ổn kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của khối ngoại đã có phần chậm lại trong quý đầu năm 2024.

Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ đảo chiều khi triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi ngày càng rõ rệt.

Nhóm phân tích của Dragon Capital cho biết, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ có 1,3 -1,9 tỷ USD dòng vốn ngoại sẽ đổ vào thị trường.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/yeu-to-nao-giup-kenh-chung-khoan-ngay-cang-ha-p-da-n-1098903.html