Yếu tố cốt lõi để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành ô tô tại Việt Nam chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Cũng theo báo cáo của Cục Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU 1). Nguồn: ITN

Trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ô tô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo nhận định của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong số các doanh nghiệp CNHT chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam, năng lực cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp nội địa còn khá yếu. Cụ thể, để gia nhập chuỗi cung ứng linh kiện ô tô, các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và các yếu tố môi trường.

Với nhà cung cấp 2, cấp 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng. Riêng nhà cung cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, ngay cả khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí kể trên, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư, hoặc chưa đạt trình độ để chuyển giao công nghệ, hoặc cả hai.

Cục Công nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đều chung nhận định, ngành cơ khí là xương sống của ngành công nghiệp nói chung và CNHT ô tô, xe máy nói riêng. Việt Nam có thể đi tắt đón đầu ở một số lĩnh vực. Trong đó, ngành cơ khí Việt Nam đang có thế mạnh ở 3 phân ngành chính bao gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô.

Đại diện Cục công nghiệp cho rằng để phát triển công nghiệp hỗ trợ phải từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam. Trong đó, cần nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Bên cạnh đó, quyết tâm phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển. Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.Tuy nhiên, nhà nước cũng cần tích cực mở rộng thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp CNHT, cùng với đó sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Theo đó sẽ nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp thông qua việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; Liên tục cải thiện các cơ chế, chính sách, cải tiến các thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, đồng thời có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại.

Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đề xuất, về lâu dài Chính phủ có thể ban hành Luật công nghiệp hỗ trợ, Luật Phát công nghiệp trọng điểm để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.

Cùng với đó, Bộ Công Thương triển khai hỗ trợ xây dựng, định hướng, phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đồng thời, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao có chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Việt Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/yeu-to-cot-loi-de-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-i369005/