Yếu ở đâu, bồi dưỡng ở đó

Kinh nghiệm thực tiễn là hành trang không thể thiếu, giúp cán bộ, sĩ quan trẻ (SQT) từng bước hoàn thiện trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để tích lũy được kinh nghiệm công tác, một mặt đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của mỗi SQT, mặt khác cần sự quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ của cấp trên và thế hệ đi trước.

Đến Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân), giữa mảnh đất đầy nắng và gió, chúng tôi tiếp xúc với nhiều SQT, trông nước da ai cũng ngăm đen vì dãi dầu nắng gió. Sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây khiến các SQT thêm rắn rỏi, chững chạc.

Thiếu tá Đặng Văn Dũng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 178, trưởng thành từ sĩ quan điều khiển được đào tạo tại Học viện Phòng không-Không quân. Khi được hỏi về cán bộ, SQT-những đồng nghiệp cấp dưới của mình, Đặng Văn Dũng bộc bạch: “Ngày đầu về đơn vị, các SQT lúng túng và bỡ ngỡ trong công việc, bởi thực tiễn đơn vị rất phong phú. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hành trên khí tài, cùng sự kèm cặp, bồi dưỡng của cấp trên, các SQT trưởng thành nhanh chóng. Hiện nay, dù trẻ tuổi, song họ là lực lượng chủ chốt, thành phần quan trọng trong các kíp trực ban chiến đấu của đơn vị. Để có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của bản thân từng SQT, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị còn tích cực bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp, tác phong trong công tác. Những kinh nghiệm, phương pháp truyền thụ lại cán bộ, SQT hôm nay chính là những điều mà chúng tôi đã được trui rèn, tích lũy được trong thực tiễn và học hỏi những người đi trước”.

Được biết, đối với sĩ quan điều khiển mới ra trường, để tham gia trực ban chiến đấu phải có ít nhất 6 tháng đến một năm làm quen, huấn luyện trên khí tài. Thượng úy Lê Huỳnh Đức, Trưởng xe YHK, Đại đội 1, Tiểu đoàn 178, chia sẻ: “Thời gian ở trường cơ bản chúng tôi học lý thuyết, chỉ được tiếp xúc với khí tài thế hệ cũ, chưa cải tiến, mặt khác thời gian tiếp xúc trên máy không nhiều. Trong khi đó, khí tài ở đơn vị là khí tài cải tiến, chỉ phục vụ nhiệm vụ trực ban chiến đấu nên khi trình độ thao tác cá nhân đáp ứng yêu cầu thì chúng tôi mới được lên máy làm nhiệm vụ. Do vậy, về đơn vị, tôi phải tranh thủ học tập, huấn luyện thêm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, vừa củng cố lại lý thuyết, vừa đọc thêm tài liệu, huấn luyện thực hành trên khí tài để thuần thục các thao tác, khẩu lệnh. Nội dung nào chưa hiểu thì hỏi các đồng chí đi trước. Nhờ vậy, trong vòng 6 tháng sau khi ra trường, tôi có thể tham gia làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu”.

Cán bộ Tiểu đoàn 178, Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ kíp chiến đấu. Ảnh: VĂN MẠNH

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, mỗi SQT phải làm công tác quản lý bộ đội và giải quyết tốt các mối quan hệ trong đơn vị. Thượng úy Nguyễn Thành Nam, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 178, cho biết: “Khi tốt nghiệp ra trường, về đơn vị, chúng tôi vẫn có nhiều lúng túng, bởi mặt bằng nhận thức của cán bộ, nhân viên trong đơn vị không đồng đều, lứa tuổi cũng khác nhau, có người ở tuổi bậc cha, bậc chú nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng nghề nghiệp. Do vậy, tôi phải tích cực học hỏi các kỹ năng quản lý, nắm bắt tư tưởng bộ đội từ các anh đi trước để có hướng giải quyết những vướng mắc, ổn định tư tưởng trong Đại đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Hằng năm, vào đợt huấn luyện chiến sĩ mới, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới được tăng cường cán bộ, SQT từ các đơn vị trong Sư đoàn. Quá trình công tác, cơ bản các đồng chí đều tích cực tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, SQT còn có hạn chế về kinh nghiệm quản lý, chỉ huy; việc nắm văn bản, thông tư, chỉ thị chưa chắc; xử trí các vấn đề chưa khoa học, thiếu phân tích, lý giải, hướng dẫn, động viên, định hướng bộ đội. Bên cạnh đó, một số cán bộ, SQT chưa thực sự chuyên tâm vào chuyên môn. Theo Trung tá Nguyễn Văn Bộ, Tiểu đoàn trưởng, trước thực tế đó, đơn vị thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống, hướng dẫn biện pháp quản lý bộ đội sao cho hiệu quả thông qua hội nghị giao ban, rút kinh nghiệm trong huấn luyện và quản lý bộ đội, với tinh thần “yếu ở đâu, bồi dưỡng ở đó”, dần dần cán bộ, SQT thêm trưởng thành, ngày càng tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 375 khẳng định, quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực xử trí nhạy bén những vấn đề thực tiễn đặt ra... là một trong những khâu đột phá được Đảng ủy Sư đoàn và các cấp ủy đảng xác định trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ cũng như hằng năm. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm chăm lo bồi dưỡng cán bộ, SQT về trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ văn hóa, chính trị, quân sự, nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác... Đồng thời, tạo mọi điều kiện để các đồng chí khẳng định năng lực thông qua hoạt động thực tiễn. Đây cũng là cơ sở để Sư đoàn thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ ngay từ cơ sở.

Đội ngũ cán bộ, SQT Sư đoàn 375 phần nhiều đảm nhiệm các cương vị, chức trách là cán bộ chủ trì từ cấp trung đội đến tiểu đoàn và tương đương. Đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội, quản lý vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật của đơn vị. Với việc tích cực bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn đã góp phần không nhỏ để đội ngũ cán bộ, SQT tích lũy kinh nghiệm, trau dồi bản lĩnh, kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

NGUYỄN THÀNH TRUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/yeu-o-dau-boi-duong-o-do-750065