Yên Tử - ngày trở lại

Vào những dịp đầu năm mới như thế này, chưa đến Rằm tháng Giêng, khi không khí tết vẫn còn, số lượng người đi lễ chùa cầu bình an cho năm mới rất nhiều. Trở lại Yên Tử sau tận 7-8 năm cho tôi một cảm nhận khác…

Ký ức đẹp

Lần đầu tiên tôi biết đến danh thắng Yên Tử là cách đây hơn 20 năm, khi ấy tôi vẫn còn là sinh viên đại học. Khi học môn Bảo tồn Di tích lịch sử danh thắng Việt Nam, học về Thiền phái Trúc Lâm, thì chúng tôi được đến tận di tích để tìm hiểu và học hỏi.

Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử.

Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử.

Dẫn chúng tôi đi ngày ấy là thầy giáo Dương Văn Sáu – hiện thầy vẫn là Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Yên Tử ngày ấy vẫn chưa có cáp treo. Nhưng trong ký ức của chúng tôi, vì chưa đi Yên Tử bao giờ và chưa biết khái niệm độ cao của chùa Hoa Yên, chùa Đồng, cộng với sức trẻ nên chúng tôi đến với Yên Tử không hề có sự ngại ngần.

Ngày ấy, để leo lên đến chùa Đồng, chúng tôi đã phải mất 2 ngày leo bộ. Ngày đầu tiên là lên đến chùa Hoa Yên thì nghỉ chân. Buổi tối ngủ lại chùa Hoa Yên và sáng mai mới leo tiếp lên chùa Đồng. Vì trong quá trình leo bộ, dọc đường có rất nhiều tháp và am nhỏ, chúng tôi đều vào thắp hương, nên khi đến chùa Hoa Yên thì đã là chiều tối. Nửa đêm ngủ lại lưng chừng núi, không khí lạnh cộng mưa nhỏ bao trùm. Rét cắt da cắt thịt. Nhưng đã cho chúng tôi một tối rất vui.

Ngày thứ hai leo lên đến chùa Đồng thì còn gió và lạnh hơn nữa. Sương mù và mưa phùn bao phủ khắp nơi. Đứng trên đỉnh núi Yên Tử nhìn xuống, là cả một màn trời mù sương. Núi Yên Tử cao hơn 1.000m, nhưng để đi bộ leo lên đỉnh thì tổng số đường đi bộ là hơn 6.000m với rất nhiều bậc đá cao.

Danh thắng Yên Tử gắn với vua Trần Nhân Tông. Đức vua Trần Nhân Tông là một nhà quân sự lỗi lạc, một vị anh quân cao quý, ngài đã hai lần lãnh đạo quân dân đánh thắng giặc Mông - Nguyên. Sau khi chiến thắng giặc Mông – Nguyên, nhà vua đã rời bỏ ngai vàng, lên Yên Tử khoác áo cà sa thuyết pháp độ sinh, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam. Cùng với tư tưởng “Hòa quang đồng trần” - Phật giáo nhập thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khéo léo gắn kết đạo và đời, lấy đạo xây đời và qua đời dựng đạo, hết lòng vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của người dân.

Ngài là Tổ Sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hay còn còn gọi là Sơ Tổ - người sáng lập ban đầu. Khi tu hành, ngài đã khéo léo dung hợp ba dòng thiền là Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Tỳ-ni-đa-lưu-chi trong dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử có từ trước thời nhà Trần. Bên cạnh đó, ngài còn kết hợp cả Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo, cho nên gọi là Tam giáo đồng nguyên. Điều này thể hiện tinh thần hòa hợp của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi đã khéo dung hợp tất cả tôn giáo về một dòng thiền.

Giữ tâm tĩnh lặng

Sau này, có 1-2 lần trở lại núi Yên Tử khi đi vãn cảnh chùa đầu năm mới, nhưng ký ức trong tôi những lần đi đó là dù đã có cáp treo nhưng số lượng người đổ về Yên Tử đi lễ đầu năm rất đông nên gây ra hiện tượng chen lấn và mất đi sự linh thiêng, tĩnh lặng khi đi lễ Phật.

Lần trở lại này với Yên Tử, trong tôi vẫn mường tượng ra cảnh chen lấn ngày xưa. Cảnh dòng người chen lấn khi đi cáp treo và cả khi thắp hương khấn vái. Người ta chen lấn để được leo lên trên, để được dùng tiền giấy xoa bằng được vào tượng Phật để cầu may mắn. Cho dù hôm sau là ngày diễn ra lễ Khai mạc Lễ hội Yên Tử nhưng trước đó 1 ngày, dù là ngày Chủ nhật chưa đến Rằm, Yên Tử thưa vắng hơn trước đây. Lượng người về chùa trong những ngày đầu xuân mới không quá đông nên kể cả từ bãi xe, dọc các bậc thang bộ và cáp treo cũng không có quá sự ồn ào, không có những hàng quán dọc đường và không có cảnh lộn xộn.

Ở các ga cáp treo, không có sự chen lấn, xô đẩy. Lượng người đi cáp treo vừa đủ khi mỗi ô cáp trườn đến và số người chờ để lên mỗi ô cáp cũng không bị dồn lại. Mặc dù đã có cáp treo nhưng một số người vẫn chọn phương án đi bộ. Theo họ, đó cũng là rèn tâm nhẫn nhục. Đức Phật hoàng ngày xưa tu trên núi Yên Tử, hàng ngày vẫn giảng đạo, vẫn leo bộ bao nhiêu bậc thang đá, cũng là rèn luyện tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục, sự siêng năng, học hỏi theo tinh thần Phật pháp.

Nhưng cho dù có đi cáp treo thì mọi người vẫn phải đi 500m cuối cùng bằng leo bộ. Đây là những bậc đá cao nhất, hiểm trở nhất mới tới được đỉnh núi có chùa Đồng. 500m leo bộ cuối cùng cũng cho chúng ta đủ trải nghiệm leo núi và cũng cho chúng ta đủ độ mệt, để sau đó leo lên đỉnh núi và cảm thấy sự khoan khoái. Chùa đồng trên đỉnh núi, phấp phới lá cờ ngũ sắc. Người lữ hành lên đỉnh núi, thắp được thắp hương lễ Phật và ngắm trời mây.

Theo sự quan sát của tôi, nhận thấy giới trẻ đi chùa rất nhiều nên có một sự cản trở, đó là khi lễ Phật xong, các bạn còn nán lại rất lâu trên đỉnh núi để chụp ảnh, check in, tạo ra sự đông đúc và chật chội nơi đây. Dòng người ở dưới cứ tiến lên, còn những ai đã ở trên núi thì chưa muốn xuống, gây tắc đường lên ngay từ đoạn hết cáp treo thứ hai...

Nhưng dù có tắc đường, dù có hơi chen lấn một chút khi thắp hương và ngắm cảnh trên chùa Đồng thì Yên Tử đã gần hơn rất nhiều, khi chỉ khoảng 3-4 giờ là có thể thong dong ngắm cảnh đường về với rất nhiều cảnh đẹp, làm tâm hồn ta thư thái…

Khánh Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/yen-tu-ngay-tro-lai-i682351/