Yên Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Những năm gần đây, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo lợi thế từng vùng nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Mô hình nuôi gia súc của gia đình chị Lừ Thị Hân, bản Bó Phương, xã Yên Sơn.

Tại bản Bó Phương, hiện trên 90% các hộ đều có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trong đó có hơn 20 hộ có chuồng trại nuôi nhốt từ 8-10 con bò sinh sản và bò 3B (bò BBB) có xuất xứ từ Bỉ, là giống bò thịt cao sản, có trọng lượng bò trưởng thành đạt 900 - 1.250kg. Chị Lừ Thị Hân, bản Bó Phương, cho biết: Bó Phương hiện đang có 4 hộ nuôi bò 3B. Năm 2015, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, mua 3 con bò sinh sản để nuôi. Đến cuối năm 2021, mỗi con bò mẹ đẻ 1 con bê, gia đình chọn những con cái giữ lại để sinh sản, con đực thì bán. Hiện gia đình nuôi 2 con bò 3B, 14 con bò sinh sản, mỗi năm xuất bán từ 5-6 con bò ra thị trường, trồng 1 ha mía, hơn 5.000 m² cây ăn quả các loại... bình quân thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình bà Lê Thị Dung, bản Kim Sơn 1. Gia đình bà trồng 2,5 ha cây mận, mơ, xoài, nhãn. Dưới các diện tích trồng cây ăn quả, gia đình còn trồng xen rau màu các loại, mùa nào giống đấy. Bà Dung cho biết: Thu nhập từ bán vườn cây ăn quả, rau màu, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng.

Những năm qua, xã Yên Sơn đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo lợi thế của từng vùng, như: Trồng cây ăn quả tập trung nhiều ở bản Kim Sơn 1, 2, bản Đán; trồng lúa nước ở khu vực bản Chờ Lồng; phát triển trồng mía, chăn nuôi đại gia súc ở Bó Phương, Yên Quỳnh... Hiện, tổng diện tích cây ăn quả các loại của xã đạt 441 ha; trong đó diện tích cho sản phẩm 312 ha, sản lượng quả các loại ước đạt 4.200 tấn. Diện tích trồng mía đạt 452 ha, năng suất 7 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 3.000 tấn.

Tổng đàn gia súc đạt 6.472 con, gồm đàn trâu 664 con, đàn bò 1.658 con, đàn dê 815 con, đàn lợn 3.335 con. Các hộ dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung cách xa nơi ở để an toàn vệ sinh phòng dịch. Các hộ dân tích cực lai tạo đàn bò theo hướng sind hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tích cực góp phần nâng cao tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, qua rà soát, toàn xã đang có 302 hộ nghèo, 131 hộ cận nghèo.

Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Năm 2022, xã phấn đấu các chỉ tiêu, gồm: Cây lương thực có hạt 424 ha; cây công nghiệp hàng năm 510 ha; cây công nghiệp lâu năm 105 ha; cây ăn quả 622 ha; trồng 25 ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc với kế hoạch tổng đàn gia súc gia cầm 38.610 con; giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 60 triệu đồng/1ha đất trồng trọt...

UBND xã tiếp tục phát triển vùng cây ăn quả theo chủ trương của tỉnh, huyện; mở rộng các loại cây trồng có lợi thế ngoài các loại cây trồng chủ lực của xã; liên kết để hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy chế biến rau quả Doveco; phát triển chăn nuôi đàn gia súc với quy mô phù hợp gắn với trồng cỏ, phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Đồng thời tăng cường công tác thú y, kiểm soát dịch bệnh gia súc và gia cầm, tổ chức tiêm phòng bắt buộc đối với đại gia súc, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng dịch cúm gia cầm. Khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đảng viên ở cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 5 HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân xã Yên Sơn có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/yen-son-tich-cuc-chuyen-doi-co-cau-san-xuat-48338