Yên Dũng: Tạo đồng thuận cao trong sắp xếp đơn vị hành chính

Việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang nhằm cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng nói chung và của tỉnh nói riêng. Người dân đồng thuận, cán bộ, công chức yên tâm công tác là hai yếu tố quan trọng để việc triển khai được thành công.

Hơn 96% cử tri đồng thuận

Huyện Yên Dũng hiện có 18 đơn vị hành chính cấp xã (2 thị trấn và 16 xã). Theo Đề án về việc sắp xếp, toàn bộ địa giới hành chính của huyện sẽ sáp nhập với TP Bắc Giang. Sau sáp nhập, TP Bắc Giang (mới) có diện tích tự nhiên 258,3 km2, dân số 373.100 người. Đề án cũng đưa ra phương án sáp nhập xã Lão Hộ vào thị trấn Tân An để thành lập phường Tân An; 7 xã, thị trấn gồm: Nham Biền, Tân An, Cảnh Thụy, Tiền Phong, Nội Hoàng, Tân Liễu, Hương Gián sẽ nâng cấp, đổi tên thành phường.

Người dân thôn Toàn Thắng, xã Lão Hộ (Yên Dũng) xem bảng niêm yết danh sách cử tri trước khi bỏ phiếu.

Bước đầu triển khai, cán bộ, đảng viên và nhân dân cơ bản đồng tình với chủ trương, điều này được thể hiện qua lá phiếu cử tri ngày 21/4. Ông Trần Văn Lượng ở tổ dân phố Thắng Cương, thị trấn Nham Biền đến bỏ phiếu từ sớm. Ông cũng như các thành viên trong gia đình rất háo hức, đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập.

“Xã Thắng Cương nằm ở vùng trũng, cuộc sống khó khăn. Năm 2020, xã sáp nhập vào thị trấn Neo để thành lập thị trấn Nham Biền, chúng tôi đã rất vui mừng. Bởi sau sáp nhập, có nhiều điều kiện để phát triển, rõ nét nhất là đường giao thông được mở rộng, nâng cấp, thiết chế văn hóa được đầu tư. Nay lại có chủ trương nâng cấp thị trấn lên phường Nham Biền, người dân mừng quá đi chứ”- ông Lượng phấn khởi.

Với gần 118.000 cử tri trên toàn huyện, theo kết quả kiểm phiếu, cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,98%, cử tri đồng ý sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang là 96,57%; cử tri đồng ý sáp nhập xã Lão Hộ vào thị trấn Tân An là 97,61%; cử tri đồng ý đổi tên thành phường là 97,88%.

Đồng chí Phan Văn Giang, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: “UBND huyện đã tổng hợp kết quả kiểm phiếu báo cáo các cấp có thẩm quyền và HĐND huyện. Huyện cũng đã chỉ đạo HĐND các xã, thị trấn tổ chức họp cho chủ trương về việc tán thành sáp nhập (đồng loạt các xã, thị trấn họp HĐND vào ngày 26/4). HĐND huyện Yên Dũng tổ chức họp vào ngày 6/5”.

Người dân tổ dân phố số 3, thị trấn Nham Biền bỏ phiếu về sáp nhập địa giới hành chính.

Được biết, TP Bắc Giang hiện chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị loại I, chưa đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn của TP thuộc tỉnh. Trong khi đó, Yên Dũng giáp TP, có nhiều điều kiện trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay làm hạn chế khả năng đột phá của địa phương. Vì vậy việc được gắn kết với TP Bắc Giang sẽ “đánh thức” tiềm năng chuyển hóa thành thế mạnh, thành nguồn lực cho phát triển, mở rộng đầu tư, sản xuất theo hướng hiện đại.

Gỡ khó trong sắp xếp cán bộ

Sau sáp nhập, đương nhiên sẽ có hàng loạt các vấn đề khó khăn đặt ra như xử lý tài sản, trụ sở dư thừa; người dân bước đầu cũng bị xáo trộn do phải thay đổi, điều chỉnh các giấy tờ, thủ tục (thuộc địa bàn huyện Yên Dũng cũ). Huyện cũng tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng để cùng đồng thuận. Khó nhất hiện nay là việc sắp xếp cán bộ, nhất là số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư (đặc biệt là những người có chức danh lãnh đạo, quản lý). Theo tính toán có hàng trăm cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

Băng rôn tuyên truyền ủng hộ chủ trương sáp nhập tại xã Lão Hộ.

Trước bài toán khó này, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ có phương án sắp xếp. Cụ thể, đối với các đồng chí bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND sẽ vận động, khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi theo quy định; các trường hợp còn lại sẽ sắp xếp trên cơ sở bố trí tại chỗ hoặc điều động sang các phường, xã có vị trí khác phù hợp. Đối với các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch UBND, trước mắt bố trí về các đơn vị hành chính mới như huyện Lục Ngạn, thị xã Chũ hoặc điều động về cấp xã khác nếu đáp ứng tiêu chuẩn để bảo đảm số lượng cấp phó theo lộ trình.

Đối với chủ tịch MTTQ và trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, ưu tiên các đồng chí có trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm cao, chức danh trong Đảng cao hơn (Ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành) bố trí làm cấp trưởng đến hết nhiệm kỳ Đại hội. Chủ tịch MTTQ và trưởng các đoàn thể cấp xã sau khi sắp xếp không giữ vị trí cấp trưởng thì bố trí công việc khác ngay tại cấp xã hoặc điều động sang đơn vị khác để bố trí công việc phù hợp. Đối với công chức chuyên môn, trước mắt nhập nguyên trạng số lượng công chức của các xã trong diện sắp xếp, số công chức dôi dư sẽ thực hiện điều chuyển sang các đơn vị khác còn thiếu.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học sau khi sắp xếp dôi dư có thể điều động, tiếp nhận về công tác tại các cơ quan thuộc khối đảng, đoàn thể, khối cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp tỉnh. Số dôi dư còn lại vận động nghỉ theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và nghỉ hưu đúng tuổi. Đối với người hoạt động không chuyên trách sẽ rà soát và phân loại về trình độ chuyên môn, năng lực, thời gian công tác để bố trí số lượng cho phù hợp. Đối với người có trình độ chuyên môn được đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm thì vận động nghỉ công tác. Qua đó từng bước ổn định đội ngũ, xây dựng bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/yen-dung-tao-dong-thuan-cao-trong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-082424.bbg