Yên Châu phát triển trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc

Những năm qua, phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện Yên Châu đang có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đã đầu tư trồng cỏ, nuôi gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

Nông dân bản Yên Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu ủ chua cỏ voi nuôi đại gia súc.

Nông dân bản Yên Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu ủ chua cỏ voi nuôi đại gia súc.

Đến thăm trang trại của gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, nuôi bò sinh sản. Hiện, trang trại của gia đình anh luôn duy trì gần 40 con bò sinh sản. Theo anh Việt, nuôi bò sinh sản phải biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn, nguồn thức ăn chất lượng, đảm bảo bò luôn đủ sức khỏe để có thể sinh sản tốt. Ngoài tận dụng rơm, rạ, thân cây ngô sau thu hoạch, gia đình anh còn dành 0,5 ha đất trồng cỏ giống VA06 và ủ chua cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò; đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng dịch nên đàn bò phát triển tốt. Sau 4 năm, mô hình nuôi bò sinh sản bắt đầu sinh lãi; mỗi năm gia đình bán khoảng 30 con bê giống, trừ chi phí lãi hơn 250 triệu đồng.

Còn gia đình bà Lò Thị Sum, bản Pút, xã Chiềng Khoi, trước kia chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2018, khai thác quỹ đất, gia đình bà trồng cỏ và đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển nuôi bò vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng. Hiện, trang trại của gia đình bà có 25 con bò, với nguồn thức ăn hàng ngày được đảm bảo từ 1,2 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ủ cây ngô, ngọn mía trong kho làm thức ăn dự trữ. Bà Sum cho biết: Năm vừa rồi gia đình tôi bán được 15 con bò, bình quân mỗi con bán được từ 24-27 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng.

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Việc trồng cỏ, phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, huyện còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững.

Đến nay, nông dân huyện Yên Châu đã trồng trên 600 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi 7.540 con trâu, trên 20.780 con bò, trong đó có 70 hộ chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, gia trại tập trung chủ yếu các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Yên Sơn, Chiềng Đông...

Ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, cho hay: Năm 2020, toàn xã chỉ có khoảng 30 hộ nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đến nay tăng lên 134 hộ nuôi nhốt, bình quân mỗi hộ nuôi từ 10-30 con, thu nhập từ 80-200 triệu đồng/năm. Với tổng đàn trâu, bò trên 5.000 con, xã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, nâng diện tích trồng cỏ lên 57 ha để tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Nhờ nuôi nhốt chuồng nên việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh định kỳ cho trâu, bò được thực hiện đầy đủ. Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

Phát triển trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng ở Yên Châu đang là hướng đi có hiệu quả, không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Huyện đang tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả mô hình nuôi đại gia súc nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ; triển khai các chính sách hỗ trợ, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, làm thức ăn dự trữ để các hộ dân có điều kiện áp dụng mô hình này, góp phần nâng cao chất lượng đàn trâu, bò và tăng thu nhập.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/yen-chau-phat-trien-trong-co-chan-nuoi-dai-gia-suc-54407