Yên Bái với dấu ấn Nghị quyết 20

Nghị quyết số 20 là chủ trương quan trọng của Tỉnh ủy, khẳng định quan điểm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững, nâng cao đời sống nông dân và cư dân nông thôn. Thực hiện Nghị quyết, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động thực hiện với nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả, tạo những dấu ấn quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Người dân xã Mường Lai (Lục Yên) trồng cây lá khôi làm dược liệu cho thu nhập cao.

Người dân xã Mường Lai (Lục Yên) trồng cây lá khôi làm dược liệu cho thu nhập cao.

Để Nghị quyết 20 đi vào cuộc sống, một trong những chính sách sớm nhất của giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành thực hiện - Nghị quyết số 69 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh. Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất giống tổ chức khảo nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi khép kín, liên kết theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao; quan tâm áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thay đổi tư duy canh tác thủ công, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông sản và thu nhập của người dân, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Nhờ vậy, giá trị sản xuất trồng trọt năm 2023 của tỉnh đã đạt trên 3.400 tỷ đồng, bằng 98%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2023 đạt 75 triệu đồng, bằng 88,2% so với mục tiêu đến năm 2025. Nhiều diện tích canh tác tập trung, có thế mạnh, giá trị đạt trên 150 triệu đồng/ha như: mô hình trồng bưởi Đại Minh, thanh long ruột đỏ tại huyện Yên Bình; trồng dưa hấu, dưa lê tại thị xã Nghĩa Lộ; trồng rau tại thành phố Yên Bái; trồng hoa tại huyện Mù Cang Chải...

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung phát triển vùng lúa đặc sản nếp tan Tú Lệ (Văn Chấn) với diện tích 100 ha, sản lượng 400 tấn và tuyên truyền, vận động người dân duy trì, mở rộng diện tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải kết hợp với phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm lúa gạo hàng hóa của tỉnh như: gạo Mường Lò, Bạch Hà, Chiêm hương Đại Phác..., nâng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... hoặc được cấp mã số vùng trồng năm 2023 của tỉnh lên 238 ha, đạt 23,8%.

Tỉnh cũng tích cực cơ cấu lại các vùng sản xuất chè vùng thấp gắn với công nghiệp chế biến và lợi thế địa phương. Theo đó, vùng nguyên liệu sản xuất chè đen được quy hoạch gắn với các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè truyền thống tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn với diện tích 2.500 - 3.000 ha; vùng chè xanh chất lượng cao tại các huyện vùng thấp bằng các giống chè nhập nội như: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... với diện tích 1.500 - 2.000 ha tại huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và một số xã vùng ngoài huyện Văn Chấn. Duy trì, nâng cao hiệu quả 2.900 ha chè shan tại các huyện vùng cao của tỉnh và khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư thâm canh, sử dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để ổn định năng suất 7 - 8 tấn/ha/năm. Sản lượng chế biến chè đạt 27.000 tấn/năm, giá trị chè búp tươi năm 2023 đạt trên 300 tỷ đồng.

Cùng với việc cơ cấu lại các vùng trồng cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả là việc thu hút, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tơ tằm tại huyện Trấn Yên để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị dâu tằm, thúc đẩy chuỗi liên kết trong chế biến và tiêu thụ tơ tằm của tỉnh. Nhờ vậy, năm 2023 diện tích dâu tằm của tỉnh đạt 1.243 ha, sản lượng lá dâu đạt 29.500 tấn, sản lượng kén tằm đạt trên 1.550 tấn, giá trị thu hàng năm đạt trên 250 tỷ đồng.

Áp dụng các tiến bộ mới về cơ giới hóa, tự động hóa trong phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các huyện vùng cao, vùng có điều kiện chăn thả; sản phẩm đặc sản, hữu cơ như gà đen, lợn đen, vịt bầu Lâm Thượng đã bảo đảm sinh kế cho người dân. Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo tốt công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, tăng giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế.

Nông dân xã Xà Hồ (Trạm Tấu) thu hoạch sâm Hoàng Shin cô.

Nông dân xã Xà Hồ (Trạm Tấu) thu hoạch sâm Hoàng Shin cô.

Xác định lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có. Đồng thời, khuyến khích phát triển một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế, hình thành vùng nguyên liệu tập trung như: diện tích quế 81.174 ha; gỗ rừng trồng nguyên liệu 90.125 ha; sơn tra 9.369 ha; măng tre Bát độ 5.820 ha...

Cơ cấu giống cây trồng lâm nghiệp đã có sự chuyển biến rõ rệt từ cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang những cây đa tác dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn; hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp, chất lượng cây giống được nâng cao. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý khai thác lâm sản được các cấp, các ngành phối hợp chỉ đạo có hiệu quả.

Năm 2023 vừa qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 22.391 ha, sản lượng đạt 110,1% kế hoạch, giá trị sản xuất thủy sản đạt 82,5%. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở nuôi trồng thủy sản sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...), trong đó có Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ T&T được chứng nhận VietGAP và HACCP. Trong phát triển dược liệu, tỉnh chỉ đạo mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế như: vùng cao tập trung phát triển dược liệu dưới tán rừng bằng các giống dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm Hoàng Shin cô, ba kích, đương quy Nhật Bản...; vùng thấp mở rộng diện tích cây dược liệu đương quy, hoài sơn... và hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cây dược liệu lá khôi, cà gai leo.

Công nghiệp chế biến, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn ngày càng được quan tâm thu hút đầu tư. Các quy hoạch, kế hoạch công nghiệp, thương mại gắn với phát triển ngành nông nghiệp được chỉ đạo bổ sung, thực hiện. Các dự án công nghiệp được đầu tư gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 64 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, sản lượng chế biến đạt trên 27.000 tấn/năm; gần 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 2 nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu; 3 nhà máy chế biến sắn với công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm và trên 200 cơ sở sản xuất sắn lát khô; 27 dây chuyền chế biến giấy đế, vàng mã với công suất 33.750 tấn/năm; 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, với tổng công suất 1.000 tấn tinh dầu/năm và hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 193 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 - 4 sao, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tiếp tục được tổ chức thực hiện đi vào chiều sâu, đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực XDNTM theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các phong trào hiến đất, góp tiền, ngày công lao động, tham gia giải phóng hành lang, mở rộng đường giao thông nông thôn, nâng cấp, kiên cố hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đô thị được lan tỏa rộng khắp, thúc đẩy tiến độ XDNTM, NTM nâng cao trên địa bàn. Qua đó, nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 lên trên 31 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống 9,42%, phấn đấu hoàn thành mục tiêu còn 4,77% tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025.

Có thể nói, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20, cùng với các chương trình, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và XDNTM của tỉnh đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy trong việc ban hành Nghị quyết, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của cả nước trong giai đoạn hiện nay về thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, sự vào cuộc chủ động, nhanh nhạy, kịp thời của HĐND, UBND tỉnh trong việc sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, các chương trình, đề án, kế hoạch đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Thanh Hương

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/318520/yen-bai-voi-dau-an-nghi-quyet-20.aspx