Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với các địa phương trên cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trân trọng quá khứ, tự hào hiện tại và tin tưởng vào tương lai, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nguyện phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, quyết tâm trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Hậu phương vững chắc

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc lúc bấy giờ. Thực hiện nhiệm vụ đó, từ năm 1954 - 1975, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống đế quốc Mỹ. Cuộc kháng chiến kết thúc bằng thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Yên Bái hướng đến phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc

Trong những năm tháng hào hùng ấy, quân và dân Yên Bái vừa làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa làm tròn trách nhiệm của hậu phương vững chắc. Ngay từ năm 1965, Yên Bái đã triển khai mạnh mẽ các các phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng, Ba đảm đang”; “Tay cày tay súng, Tay búa tay súng”; “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... toàn tỉnh đã đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó, có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Cụ thể, tháng 6.1967, Yên Bái xây dựng Tiểu đoàn Yên Ninh 1 với trên 700 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức huấn luyện ở xã Tân Hương (huyện Yên Bình) vào Nam chiến đấu. Giai đoạn đầu, Tiểu đoàn Yên Ninh 1 bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên, sau đó tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ bổ sung cho Sư đoàn 5, Quân khu 7, tham gia Chiến dịch Campuchia 1970, Chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 năm 1971, Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, Chiến dịch giữ đất dàn dân 1973 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1968, Yên Bái xây dựng một lúc 3 tiểu đoàn. Tiểu đoàn Yên Ninh 2 thành lập tháng 2 với trên 700 quân số vào chiến trường. Suốt từ khi vào chiến trường đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã cùng quân và dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn. Còn Tiểu đoàn Yên Ninh 3 được thành lập tháng 4.1968, với 650 quân số vào chiến trường tháng 12.1968 bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên Huế. Từ năm 1969, tiểu đoàn này đã cùng quân và dân Thừa Thiên Huế tham gia nhiều chiến dịch và các trận đánh lớn. Riêng Tiểu đoàn Yên Ninh 4 thành lập tháng 6.1968, với 650 quân số huấn luyện tại Hán Đà, Đại Minh (Yên Bình), vào chiến trường tháng 1.1969, được bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia các chiến dịch và trận đánh lớn như: Đồng Dù, núi Bà Đen năm 1969, Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970; Đồng Xoài - Phước Long năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975...

Mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của người dân

Phát huy thành quả cách mạng và tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng bộ và Nhân dân Yên Bái tiếp tục chung sức đồng lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và từng bước phấn đấu đi lên. Từ một tỉnh nghèo, giờ đây Yên Bái đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực miền núi Bắc Bộ, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc của người dân là một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Để làm tốt mục tiêu Đại hội đã đề ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Đức Duy chia sẻ: Yên Bái đã đặt ra định hướng, chiến lược bài bản, với tư duy và cách tiếp cận mới. Theo đó, tỉnh xác định “5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm”, với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Điểm mới trong chiến lược phát triển chính là đưa chỉ số hạnh phúc làm mục tiêu phấn đấu. Trước mắt, Yên Bái sẽ tập trung đầu tư cho những nội dung thiết thực với cuộc sống, nhu cầu và mong muốn của người dân.

Nói về định hướng phát triển “xanh” của Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho rằng, sứ mệnh của Yên Bái là giữ tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nguồn nước, là “lá phổi” cho Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, tỉnh không đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao mà đặt mục tiêu đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên là cốt lõi. Yên Bái xác định chú trọng yếu tố bản sắc, việc phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa sẽ trở thành “nguồn sinh lợi” cho địa phương và chính bản thân người dân. Tỉnh sẽ phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường. Rừng được giữ nguyên, từng bước được đầu tư, cải tạo...

Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể hóa nghị quyết này, tỉnh đã hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); Hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã được triển khai tại 408 điểm…

TRỌNG HIẾU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/yen-bai-phat-trien-xanh-hai-hoa-ban-sac-va-hanh-phuc-321dzit93m-82931