Yên Bái: Giữ 'lời hứa' với cử tri

Việc chọn vấn đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trung học phổ thông (GD-ĐT THPT) và hướng nghiệp - dạy nghề trên địa bàn tỉnh là nội dung để Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức phiên giải trình ngày 24/7 vừa qua đã được dư luận đánh giá cao.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vương Văn Bằng giải trình ý kiến của các đại biểu tại Phiên giải trình ngày 24/7 do HĐND tỉnh Yên Bái tỏ chức.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vương Văn Bằng giải trình ý kiến của các đại biểu tại Phiên giải trình ngày 24/7 do HĐND tỉnh Yên Bái tỏ chức.

>> HĐND tỉnh Yên Bái giải trình việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo THPT và hướng nghiệp - dạy nghề

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Quỳnh Khánh: "Để có phiên giải trình tốt, điều cốt yếu là phải chọn được vấn đề mà dư luận quan tâm, còn nhiều tồn tại, bất cập mà cử tri mong muốn được giải quyết. Điều này đòi hỏi chính các đại biểu HĐND phải thực sự vì công việc, vì nhân dân, đi sâu đi sát, lắng nghe, tìm hiểu mới thấy được những bức xúc của dư luận, phải đặt mình vào vị trí người dân mới hiểu hết tâm tư, suy nghĩ của họ".

"Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhận thấy một trong những nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập là việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT THPT và hướng nghiệp - dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình về nội dung này”, ông Khánh cho biết.

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã dành nguồn lực đầu tư rất lớn, bài bản cho lĩnh vực GD-ĐT, quan tâm đến công tác rà soát quy mô mạng lưới trường, lớp học nhằm tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng GD-ĐT của tỉnh. Các chính sách của tỉnh đã ưu tiên đầu tư giáo dục các cấp học, giáo dục mũi nhọn, đồng bộ về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Trong đó, quan tâm đầu tư trang thiết bị đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.

Do đó, tại phiên giải trình, các đại biểu đã thẳng thắn đề nghị Thường trực HĐND tỉnh giải trình tập trung vào các nhóm vấn đề về công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, quản lý giáo viên; việc tuyển sinh và duy trì sỹ số học sinh; phân luồng học sinh; việc sử dụng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Có đại biểu cho rằng, tỷ lệ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề hàng năm dao động từ 70-80%; đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp trong thời gian tới đối với 20-30% học sinh còn lại tiếp tục học THPT và GDTX, học nghề theo chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

Giải trình về nội dung này, Giám đốc Sở GD-ĐT Vương Văn Bằng cho biết, ngoài tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, tỉnh sẽ tăng quy mô tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2023-2024 để đảm bảo ít nhất 60% học sinh tốt nghiệp THCS được học THPT.

Cùng với đó, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục, chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào tài liệu địa phương tỉnh Yên Bái trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh…

Đại biểu HĐND tỉnh Triệu Thị Bình đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết quan điểm, phương hướng chỉ đạo để thực hiện thống nhất trong các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đại biểu HĐND tỉnh Triệu Thị Bình đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết quan điểm, phương hướng chỉ đạo để thực hiện thống nhất trong các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Giải trình nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến một số trường do thiếu nhiều biên chế, các giáo viên phải dạy thêm giờ, có những giáo viên dạy vượt hơn 300 giờ, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết: tỉnh đã liên tục tổ chức các đợt tuyển dụng để từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong đó ưu tiên tuyển dụng cho vùng đặc biệt khó khăn và giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học và các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi lên hỗ trợ giảng dạy tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Đồng thời, cấp kinh phí theo biên chế được giao để các trường thiếu giáo viên có kinh phí chi trả chế độ dạy thừa giờ…

Từ yêu cầu của đại biểu, lãnh đạo tỉnh, ban, sở, ngành đã báo cáo giải trình làm rõ các nội dung thuộc trách nhiệm của ngành chủ trì và phối hợp. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm, giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập nêu ra tại Phiên giải trình.

Đại biểu HĐND tỉnh Đào Thị Thanh Hiền, huyện Yên Bình chia sẻ: "Tôi thấy điểm nổi bật trong Phiên giải trình là đại biểu hỏi rõ, hỏi thẳng; còn người đại diện cơ quan chức năng có trách nhiệm giải trình thì trả lời trọng tâm vào nội dung câu hỏi; làm rõ hạn chế, khó khăn và nguyên nhân cũng như xác định rõ trách nhiệm. Đặc biệt, đã đưa ra được các biện pháp, giải pháp và thời hạn giải quyết, khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý điều hành và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT THPT và hướng nghiệp - dạy nghề trên địa bàn tỉnh”.

Có thể khẳng định, hoạt động giải trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Đồng thời, có những tác động tích cực, giúp cho các cơ quan chức năng nhìn nhận, đánh giá khách quan chính xác những bất cập, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước; giải pháp khắc phục và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề còn vướng mắc, bất cập. Qua đây, nhiều "lời hứa” của người có trách nhiệm đã được thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân.

Thanh Chi

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/297846/yen-bai-giu-loi-hua-voi-cu-tri.aspx