Yên Bái - Điểm sáng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Bài 2 - Thay đổi diện mạo nông thôn miền núi

Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cùng phát huy nội lực đem đến những đổi thay khá rõ nét kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đưa Yên Bái tiếp tục là điểm sáng của khu vực Tây Bắc. Năm 2023, Yên Bái đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách huyện Mù Cang Chải

Bức họa những miền quê

Những ngày giáp tết, gia đình anh Lê Văn Minh ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình tất bật hơn vì tất cả mọi người đang tập trung thu hái bưởi bán cho thương lái. Là một trong những hộ có diện tích bưởi lớn của xã, đồng thời là mô hình vườn mẫu thâm canh theo hướng bền vững do Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, nhiều năm nay, vườn bưởi của gia đình anh được đánh giá là vườn bưởi đẹp thu hút nhiều du khách đến tham quan. Do đó, vợ chồng anh đã gắn mã QR Code cho những cây bưởi cổ thụ, chỉnh trang khu vườn sạch sẽ và chú trọng nâng cao chất lượng quả để quảng bá đặc sản của địa phương.

Anh Minh chia sẻ: "Nhờ thu nhập từ cây bưởi, bà con có kinh tế khá để đóng góp xây dựng làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp. Tất cả các tuyến đường liên thôn đều có các công trình đường điện "Thắp sáng đường quê”, diện mạo nông thôn giờ đã có nhiều khởi sắc”.

Bà Dương Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: "Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Đại Minh luôn xác định bưởi là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm chỉ đạo nâng cao giá trị sản phẩm bưởi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử để nâng cao thu nhập cho người dân. Mỗi năm, người dân trong xã có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ cây bưởi. Đại Minh cũng vừa vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023”. Được biết, Đại Minh cũng là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Yên Bình.

Chia tay Đại Minh, tôi về thôn Tân Bình, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. Bí thư chi bộ thôn Lương Văn Hảo cho biết: Trước đây, Tân Bình là một trong những thôn khó khăn của xã. Để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế, quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn. Đến nay, 100% đường trục trong thôn được bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm được cứng hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm.

Đến nay, thôn đã có 18 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập mỗi năm từ 200 - 500 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06% (chủ yếu là hộ thuộc diện nghèo bảo trợ xã hội).

Đặc biệt, thôn đã huy động bà con nhân dân tự đóng góp và ủng hộ trên 2 tỷ đồng, trên 560 ngày công lao động xây nhà văn hóa thôn cùng sân, tường rào, khuôn viên; vận động 45 hộ dân hiến 12.000 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, trồng trên 4 km đường hoa, tạo nên những bức tranh miền quê NTM ở Yên Bái”.

Tân Bình là một trong những điểm sáng góp sức cùng cả huyện hoàn thành các tiêu chí huyện NTM vào cuối năm 2023. Chi bộ thôn Tân Bình còn là 1 trong 360 mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác của huyện.

Ông Nhâm Xuân Trường - Chánh văn phòng Điều phối chương trình NTM, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Với quan điểm xây dựng NTM "chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", tỉnh Yên Bái tiếp tục khuyến khích, động viên nhân dân chung sức đồng lòng tham gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng huyện NTM… Đây là thước đo hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực của nhân dân trong hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới xây dựng những miền quê hạnh phúc, đáng sống.

Năm 2023, Yên Bái tiếp tục là điểm sáng xây dựng NTM của vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh có 106 xã NTM, đạt 116% mục tiêu Trung ương giao; 36 xã đạt NTM nâng cao và 10 xã đạt NTM kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu Trung ương giao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 88,9% mục tiêu của Trung ương.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 126/150 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 46 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; trên 60% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Đối với 24 xã không nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, mỗi xã phải có từ 2 thôn, bản trở lên đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh phấn đấu có 291 thôn NTM kiểu mẫu, trong đó, các xã đã đạt chuẩn NTM có tối thiểu 1 thôn đạt NTM kiểu mẫu.

Cơ hội cho người nghèo

Trong ngôi nhà gỗ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12 vừa qua, ông Giàng A Sinh ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu đã không giấu được niềm vui, xúc động khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái đến thăm, động viên. Ông Sinh cho biết: "Ngôi nhà làm hết hơn 250 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và nguồn hỗ trợ của tỉnh là 60 triệu đồng; nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 28 của Chính phủ 40 triệu đồng; hỗ trợ của anh em họ hàng bằng tiền và vật liệu trị giá 150 triệu đồng. Ngôi nhà chắc chắn lắm, được dựng theo đúng quy cách, phù hợp với truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Tôi vui và phấn khởi lắm, Bộ trưởng ạ! Nhà nước hỗ trợ làm nhà như thế này, chúng tôi cảm ơn lắm! Là hộ nghèo đặc biệt khó khăn có được nơi ở mới khang trang sẽ là động lực lớn để chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi hộ nghèo”.

Ông Sùng A Nhà cũng ở thôn Tấu Dưới, Trạm Tấu cứ ngắm đi ngắm lại ngôi nhà mới: "Có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ mình có được căn nhà như thế này. Căn nhà thật quý giá đối với hai vợ chồng và các con. Làm nhà hết tới 200 triệu đồng cơ, Nhà nước đã hỗ trợ 60 triệu đồng, cho vay thêm 40 triệu đồng, còn lại là anh em họ hàng, người thân giúp đỡ bằng ngày công, vật liệu. Vui lắm, cán bộ ạ!”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước thăm gia đình ông Giàng A Sinh, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu.

Qua kiểm tra nhà ông Sinh, ông Nhà và trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đánh giá cao tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực, cách làm hay triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Năm 2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025. Theo đó, lồng ghép các nguồn lực thuộc các chương trình MTQG và nguồn ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa để triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có nhà ở dột nát, xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nhà ở theo quy định.

Theo đó, ngoài 2.191 nhà được hỗ trợ từ các chương trình MTQG, từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa tỉnh Yên Bái hỗ trợ làm 831 nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo không thuộc diện hỗ trợ từ các chương trình. Đồng thời bổ sung thêm kinh phí từ ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa tăng mức hỗ trợ làm nhà, giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 nhà, mức hỗ trợ làm nhà của tỉnh Yên Bái cũng cao hơn mức hỗ trợ từ Trung ương (Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà làm mới, 20 triệu đồng/nhà sửa chữa; tỉnh Yên Bái hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa, riêng tại 2 huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa).

Đến hết năm 2023, Yên Bái đã khởi công xây dựng và hoàn thành 1.598 nhà (làm mới 1.305 nhà, sửa chữa 293 nhà), đạt 100% kế hoạch đề ra, với tổng kinh phí gần 79 tỷ đồng. Các căn nhà được hỗ trợ đều được xây dựng bảo đảm kiên cố (nền, móng cứng, khung, tường cứng, mái cứng), bảo đảm diện tích tối thiểu theo yêu cầu của Đề án, bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ Xây dựng. Ngoài các căn nhà chính, các hộ được hỗ trợ nhà ở đều có hạng mục nhà vệ sinh đạt chuẩn. Vì vậy, về cơ bản các hộ sau khi được hỗ trợ nhà ở đều giải quyết được 3 tiêu chí thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản đó là: nhà ở, nước sạch và vệ sinh, giúp cho các hộ có điều kiện để thoát nghèo bền vững

Cùng với chính sách là nhà ở cho hộ nghèo, Yên Bái đã quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của Trung ương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, làm đường giao thông nông thôn, chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề..

Tỉnh cũng tập trung lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, hạ tầng phát thanh, truyền hình, viễn thông, ưu tiên cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương, sự nỗ lực vươn lên của người dân, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76% so với năm 2022, đạt 107% kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 9,16%, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 20.222 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,54%, đạt 126% kế hoạch, tỷ lệ hộ cận nghèo cuối năm còn 3,92%, tổng số cận nghèo hiện còn 8.658 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm bình quân 8,74%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5,81% so với cuối năm 2022.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đánh giá: "Việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Minh chứng rõ nhất là đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS ở Yên Bái viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo; hàng nghìn hộ gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình, xây dựng NTM... Nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho gia đình, quê hương, bản làng".

Mạnh Cường

(Bài 3: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/317111/yen-bai---diem-sang-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-bai-2---thay-doi-dien-mao-nong-thon-mien-nui-.aspx