Yên Bái cảnh báo tai nạn giao thông do 'tay lái học đường'

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đã được các trường học quan tâm và tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, từ một số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra mà nạn nhân là học sinh bậc học phổ thông trong những ngày tháng đầu tháng 10 thì đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông tại chương trình ngoại khóa triển khai xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

>> Những "Cổng trường an toàn giao thông”

>> Nghĩa Lộ tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học

Thật đáng buồn khi phải nhắc lại một số vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của học trò, mang đến nỗi đau đớn tột cùng của mỗi bậc phụ huynh. Hôm 6 tháng 10, một nữ học trò mười sáu tuổi ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn xe máy. Lý do được cho rằng, cô bạn điều khiển xe máy một mình với "tốc độ bàn thờ” trên con đường qua xã lúc trời nhập nhoạng tối. Do không làm chủ tốc độ, gặp chướng ngại vật, cả người và xe "tung tóe”. Cô bé được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và và không qua khỏi một ngày sau đó.

Cũng tại Văn Chấn, ngày cuối tuần vừa rồi, một học sinh lớp 8 ở xã Nghĩa Tâm đã tử vong trên đường tan trường. Không biết do phóng nhanh, không làm chủ tay lái hay mải mê nghếch mặt lên trời mà cu cậu húc xe đạp điện gãy cọc tiêu. Bản thân văng xuống đường, chấn thương nặng và ra đi bỏ bạn bỏ thầy trong nỗi đau khôn cùng của người thân và gia đình.

Trước đó, ngày 12 tháng 10, trên quốc lộ 70 đoạn qua xã Động Quan, huyện Lục Yên, một học sinh lớp 10 đi học về bằng xe máy đã va chạm với xe ô tô tải đi ngược chiều bị thương nặng. Dù được khẩn trương đưa đến cơ sở y tế nhưng nam sinh này cũng không qua khỏi. Ảnh chụp lại hiện trường cho thấy cậu đã lấn hết sang quá nửa phần đường của xe ngược chiều.

Đây là 3 vụ việc hoàn toàn do chủ quan của các em mà dẫn đến kết cục thương tâm cho bản thân và gia đình. Ngoài ra lại có trường hợp các trò mang "tai họa” cho người khác. Có thể kể ra như trường hợp va quệt ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu thành phố Yên Bái chiều tối ngày 6/10 vừa qua. 2 cậu học trò đi xe máy, lạng lách tránh đường kiểu gì mà trèo lên cả hành lang "húc” vào một bác trai đang dừng xe máy trước nhà. Người đàn ông cùng xe đổ xuống, gãy xương đòn, chấn thương ở chân.

Một trường nữa xảy ra trên quốc lộ 32 đoạn qua tổ 10, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Ba học sinh của Trường THPT huyện Văn Chấn trên một chiếc xe máy, nhưng chỉ 1 bạn đội mũ bảo hiểm, có lẽ mải chuyện không làm chủ tay lái đã "quật ngã” một phụ nữ đang rẽ sang đường. Ai cũng xây sát, nhưng đa chấn thương mới là "tai họa” mà mấy cậu học trò mang đến cho chị phụ nữ.

>> Yên Bái đảm bảo an toàn giao thông trường học

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Yên Bái đến ngày 14/10, toàn tỉnh xảy ra 80 vụ tai nạn, va chạm giao thông đường bộ; có 29 người chết, 78 người bị thương. So với 10 tháng năm 2022, số vụ, số người thương vong đều đã giảm, là tín hiệu đáng mừng. Nhưng chắc chắn sẽ còn những vụ việc đáng tiếc khác chưa được biết hoặc không thống kê đến. Năm học vừa bắt đầu chưa đầy 2 tháng mà đã xảy nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh như vậy thì quả là điều đáng tiếc, là hồi chuông cảnh báo tình trạng không chấp hành an toàn giao thông trong của các "tay lái học đường".

Những năm gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Theo đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh cả ở đô thị và khu vực nông thôn. Đường sá mở rộng, chất lượng đường tốt nên học trò cũng chả ngại gì mà ga hết tốc độ. Chẳng những không chấp hành quy định về tốc độ, có lúc còn gặp cảnh giăng hàng tư, hàng năm trên đường, có những nhóm lạng lách, đánh võng rượt đuổi nhau trên đường.

Vẫn biết, các trường học ở Yên Bái luôn có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu học sinh cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Hầu hết các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt cuối tuần, các em đều được các thầy cô nhắc nhở về việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Nhiều trường đã phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, nói chuyện ngoại khóa về an toàn giao thông.

Không ít trường học đã xây dựng Cổng trường an toàn giao thông, duy trì các đội cờ đỏ, đội xung kích đảm bảo an toàn giao thông; phối hợp tặng mũ bảo hiểm cho học sinh; rồi các cuộc thi, giao lưu với chủ đề an toàn giao thông được tổ chức.

Tuy nhiên, đó chỉ là nỗ lực của các nhà trường nhằm nâng cao nhận thức của học sinh trong tham gia giao thông an toàn. Khi ra khỏi cổng trường, an toàn như thế nào là do các em quyết định.

Chính vì vậy, cùng với tuyên truyền giáo dục làm thay đổi hành vi, đã đến lúc lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát; áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm để răn đe; thậm chí gửi thông báo về khu dân cư để nhắc nhở các gia đình.

Các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian nhiều hơn để dạy con em chấp hành pháp luật; thường xuyên kiểm tra xe máy, xe điện của các con xem có đảm bảo an toàn; cương quyết không để trẻ tự ý thay đổi kiểu dáng, độ ống giảm thanh, đèn, còi… Có như vậy chúng ta mới tránh được những giọt nước mắt, sự ân hận muộn màng khi sự việc xảy ra.

Minh Quang

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/228/302620/yen-bai-canh-bao-tai-nan-giao-thong-do-tay-lai-hoc-duong.aspx