Yên Bái bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến

Nhiều người dân đã có thói quen mua sắm online qua các sàn giao dịch điện tử hoặc các trang Facebook, tuy nhiên đôi khi mua vẫn phải hàng không đúng như quảng cáo. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng trong mua sắm, trong đó, có mua sắm trực tuyến là việc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Yên Bái đã phối hợp tích cực thực hiện.

Nhân viên Bưu điện tỉnh Yên Bái hướng dẫn người dân mua hàng online qua sàn TMĐT Postmart.

>> Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển; hoạt động mua sắm hàng hóa diễn ra sôi động dưới nhiều hình thức và đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển đa dạng các hình thức tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng chính là "mảnh đất” màu mỡ khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, tạo ra những thách thức cho công tác kiểm tra, kiểm soát đồng thời ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

Chị Nguyễn Thị Minh Hà ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái do bận công việc và con nhỏ nên từ lâu có thói quen mua sắm online cho tiện. Từ quần áo, thực phẩm đến đồ gia dụng, chị đều mua qua các sàn giao dịch điện tử hoặc các trang Facebook. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chị vẫn mua phải hàng không đúng như quảng cáo.

Chi Hà cho biết: "Tuần trước, tôi đặt mua áo khoác trên một tài khoản Facebook với giá trên 1 triệu đồng. Khi nhận hàng, tôi phát hiện chiếc áo khác xa với sản phẩm đã đặt, không giống màu sắc cũng như chất liệu vải. Ngay sau đó, tôi đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại nhưng không được đồng ý vì đã thanh toán tiền và nhận hàng. Khi liên hệ với bên bán hàng, tôi cũng bị chặn số, không thể liên lạc”.

Tương tự, chị Vi Thị Vân ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên sau một lần xem livestream giới thiệu sữa bột khuyến mại loại hộp 1 kg khi mua 2 hộp được tặng 1 hộp, chị Vân thấy lợi nên đặt mua nhưng khi hàng giao đến nhà thì không bảo đảm chất lượng, hạn sử dụng ngắn. Ngay sau đó, chị Vân gọi điện cho bên bán nhưng đều không thấy nghe điện thoại. "Sau lần đó, tôi cũng dè chừng hơn khi mua hàng qua mạng và tôi đã chọn những trang TMĐT uy tín để mua hàng” - chị Vân chia sẻ.

Những trường hợp như chị Hà, chị Vân không phải là hiếm trong các giao dịch mua hàng trực tuyến hiện nay. Thời gian qua, để góp phần bảo vệ quyền lợi NTD trên môi trường TMĐT, các sở, ngành liên quan như: Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường đã và đang tích cực vào cuộc với nhiều động thái tích cực.

Trong đó, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của NTD trong mua sắm; trong đó, có mua sắm trực tuyến; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức về tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi NTD cho hội viên, doanh nghiệp; tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đồng thời, tham gia kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về những chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Sở Công Thương phối hợp cùng với các lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra các hoạt động kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trực tuyến với tất cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh liên quan đến đảm bảo về an toàn, vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng nhái và chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, đầu cơ, trục lợi...

>> Đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng ở vùng nông thôn Yên Bái

Cụ thể như, năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 748 vụ, xử lý 317 vụ, 330 hành vi, phạt hành chính và thu lợi bất hợp pháp trên 1,7 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 7,1 tỷ đồng. Trong năm, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã kiểm tra được 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý vi phạm 12 cơ sở với số tiền 43,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá khoảng 1,5 triệu đồng...

Thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi NTD khi tham gia mua sắm online các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về quyền và trách nhiệm của NTD; hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật và phân biệt hàng giả, hàng nhái; thông báo về thủ đoạn vi phạm pháp luật, các hành vi lừa dối, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm về TMĐT. Đồng thời, công khai các trang TMĐT vi phạm để cảnh báo NTD.

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Yên Bái cho biết: "Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ NTD số 19/2023/QH15; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản liên quan để ngày càng nâng cao hiệu quả đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh”.

Cùng đó, để tránh gặp phải những trường hợp không muốn khi mua hàng online, NTD nên lựa chọn những sàn TMĐT uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời, NTD cần hiểu rõ và có thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng. Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, NTD cần có ý kiến, liên hệ phản ánh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/317409/yen-bai-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-tr111ng-mua-sam-truc-tuyen.aspx