Ý tưởng khởi nghiệp góp phần bảo vệ môi trường

Với mong muốn đóng góp vào việc bảo quản nguồn nông sản và góp phần bảo vệ môi trường, mới đây tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, một nhóm tác giả đã mang đến ý tưởng 'Sản xuất chế phẩm Nano sinh học bảo quản nông sản'. Vượt qua 02 vòng sơ loại và bán kết, các thành viên trong nhóm đang dần hoàn thiện các bước còn lại để chuẩn bị tham gia vòng chung kết xếp hạng.

Nhóm trưởng Nguyễn Thị Thanh Ngân (thứ hai từ phải qua) và các thành viên trong nhóm.

Nhóm trưởng Nguyễn Thị Thanh Ngân (thứ hai từ phải qua) và các thành viên trong nhóm.

Đây là nhóm gồm 04 sinh viên đang theo học các ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh do bạn Nguyễn Thị Thanh Ngân làm nhóm trưởng.

Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng “Sản xuất chế phẩm Nano sinh học bảo quản nông sản” Thanh Ngân cho biết, chế phẩm Nano sinh học bảo quản nông sản được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là Chitosan (phế phẩm trong quá trình chăn nuôi tôm, cua). Sản phẩm là sự kết hợp giữ Chitosan và dịch chiết cây thuốc dòi có khả năng kháng khuẩn, chống ô-xy hóa, làm chậm quá trình chín, kéo dài thời hạn sử dụng, cũng như giữ được màu sắc, độ tươi và giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng cho nông sản. Chế phẩm hoàn toàn không độc hại, an toàn khi sử dụng và có khả năng phân hủy sinh học. Bên cạnh, không những giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà sản phẩm này còn góp phần bảo vệ môi trường, nhất là nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Về vấn đề bảo vệ môi trường Thanh Ngân giải thích: Chitosan là polymer sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp (vỏ tôm, cua…) nên sản phẩm dung dịch làm từ Chitosan có khả năng phân hủy sinh học tự nhiên khi tiếp xúc với môi trường. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường hiện nay, giảm tải cho hệ thống xử lý rác thải và bảo vệ môi trường khỏi bị ô nhiễm. Chitosan đồng thời cũng là một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp thủy sản và hiện được sản xuất khá lớn tại Việt Nam. Việc sử dụng Chitosan để làm bao bì sinh học giúp tái sử dụng phế phẩm này, giảm thiểu tình trạng lãng phí nguồn nguyên liệu tưởng chừng là phế liệu.

Khi được sản xuất thành dung dịch, chế phẩm Nano sinh học này giúp bảo quản nông sản được tốt hơn, nhờ sản phẩm có tính chất kháng vi khuẩn và kháng nấm, giúp bảo vệ nông sản khỏi sự tấn công của vi khuẩn, nấm mốc. Sự phát triển của vi sinh vật gây hại cả trước và sau quá trình thu hoạch nông sản cũng được xử lý tốt.

Đặc biệt, dung dịch bảo quản từ Chitosan có thể giữ cho sản phẩm nông nghiệp tươi mới, chất lượng hơn trong quá trình vận chuyển và lưu trữ. Qua đó, giúp tăng giá trị thương mại và thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp trong xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về hàng hóa thân thiện với môi trường.

Bàn về tính khả thi của ý tưởng, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh cho biết, qua theo dõi đây là một dự án rất đáng kỳ vọng và hứa hẹn khi phát triển, sản phẩm sẽ nâng cao chất lượng nông sản ở Việt Nam. Góp phần giải quyết được vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây. Đồng thời sản phẩm còn giúp nông dân Việt Nam có thể an tâm canh tác các sản phẩm nông sản trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng chú ý, về thị trường để phát triển sản phẩm rất lớn, không chỉ riêng về lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở lĩnh vực sức khỏe. Sản phẩm sẽ tác động đến thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân, mang lại lợi ích sức khỏe cho cả người trồng và người tiêu thụ sản phẩm. Khi sản phẩm được hoàn thiện và đưa vào thị trường thì việc đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường là tất yếu. Từ đó có thể đa dạng hóa sản phẩm từ dạng dung dịch nhúng, phun hoặc phủ, có thể mở rộng dòng sản phẩm ở dạng bột, màng bao… hoặc phát triển thêm các phiên bản cải tiến khác cho phù hợp với từng loại nông sản.

Trong khi đó, định hướng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho sản phẩm này, cô sinh viên sinh năm 2004 đến từ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - Nguyễn Thị Thanh Ngân cho biết, tất cả quy trình sản xuất được thực hiện tại phòng thí nghiệm, được kiểm nghiệm chất lượng chặt chẽ trước khi đưa ra ngoài thị trường. Sau khi sản phẩm phát triển hoàn thiện và đưa ra thị trường, sản phẩm sẽ được sản xuất với quy mô lớn hơn. Trong đó, nguồn cung cấp nguyên liệu được xác định được mua trực tiếp từ các công ty chế biến thủy sản.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An kỳ vọng, đây là một ý tưởng tốt, được thực hiện bởi nhóm sinh viên đang theo học ở nhiều ngành kết hợp với nhau. Chính vì vậy nhóm có đầy đủ kiến thức và khả năng để nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi qua tất cả nguồn dữ liệu để có thể cải tiến sản phẩm tốt hơn nữa. Quan trọng là hiện nay nhóm đã có sản phẩm thực tế và đang được hoàn thiện dần. Khi đi vào sản xuất đại trà, sản phẩm sẽ có nhiều tác động tích cực trong xã hội, nhất là việc đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho nền nông nghiệp xanh - sạch trong tương lai.

Bài, ảnh: LT - TN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/y-tuong-khoi-nghiep-gop-phan-bao-ve-moi-truong-31147.html