Ý thức công dân

Cần xem xét, bổ sung mức phạt đối với những người vi phạm nồng độ cồn cao hơn.

Tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả.

Đề xuất này thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với các ý kiến đa chiều, hầu hết đều thống nhất phải xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, song ở mức độ xử lý hình sự hay không thì phải xem xét nhiều khía cạnh.

Điều cần khẳng định đầu tiên là phải thống nhất rằng chủ trương "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" là cần thiết, tạo thành nếp hành xử đúng đắn với mọi công dân khi có những việc liên quan đến sử dụng rượu, bia. Việc tuân thủ này thời gian qua, cũng như việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông và giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng, tài sản.

Nay muốn thực thi triệt để hơn, muốn xử lý hình sự như đề xuất thì phải căn cứ trên quy định pháp luật. Hiện pháp luật nước ta chưa có các quy định về xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao. Hơn nữa, nếu chưa gây thiệt hại về người, tài sản thì chưa thể có đủ căn cứ, cơ sở để xử lý hình sự. Do vậy, cần nghiên cứu rất kỹ việc này, không thể dùng từ "có thể" để làm căn cứ xử lý hình sự, như một đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Thực tế hiện nay cũng có bất cập là quy định xử lý với những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4 mg/l khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Người uống 5 ly bia hay 10, 20, 30 ly đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau. Do đó, cần xem xét, bổ sung mức phạt đối với những người vi phạm nồng độ cồn cao hơn.

Đề xuất xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả, cũng xuất phát từ mong muốn hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, gây thương tích do người vi phạm nồng độ cồn gây ra. Cơ quan chức năng sẽ xem xét, nghiên cứu để có quy định phù hợp trong thực thi pháp luật về an toàn giao thông. Các cơ quan báo chí, truyền thông vẫn nên tuyên truyền sâu rộng về việc không lái xe khi đã uống rượu, bia và nhất là ý thức của mỗi công dân trong chấp hành luật lệ giao thông. Bởi ý thức được hình thành sẽ tạo ra tâm lý thấu hiểu, tuân thủ; không tạo ra không gian thúc đẩy, phát sinh hành vi vi phạm.

Việc xử lý của CSGT các địa phương thời gian qua cho thấy "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" đối với người vi phạm, đã tạo ra hiệu ứng tích cực, ít dần đi những trường hợp vi phạm. Để duy trì kỷ cương, các vi phạm đều cần được xử lý thỏa đáng, có tính răn đe như phạt lũy tiến, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng... Với nhiều người, bằng lái xe là công cụ kiếm sống nên sau một thời gian nhất định có thể cho họ thi lại nhưng việc xem xét, kiểm tra phải hết sức nghiêm ngặt. Việc xử phạt như vậy cũng giúp họ tự nâng cao ý thức của mình lên.

Xét cho cùng, ý thức là quan trọng nhất trong thực thi quy ước xã hội, thực thi pháp luật.

Theo HOÀNG HOA (NLĐO)

Xem link nguồn

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/y-thuc-cong-dan-post264515.html