Ý thức chấp pháp của cộng đồng

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, cả nước có 604 trường hợp phải đi khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51% so với tết Quý Mão 2023, trong đó có 315 trường hợp phải nhập viện điều trị. Hậu quả của đốt pháo không chỉ có thế.

30 năm trước, ngày 8-8-1994, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 406-TTg, trong đó quy định từ ngày 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Ngày 27-11-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, đã cho phép người dân được sử dụng pháo hoa, nhưng chỉ là pháo hoa không nổ và vẫn cấm sử dụng các loại pháo gây ra tiếng nổ. Và pháo hoa được phép sử dụng phải được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng - người dân quen gọi là pháo Bộ Quốc phòng...

Tục đốt pháo đã có từ xa xưa trong nền văn hóa phương Đông. Thế kỷ thứ XI, nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng của Trung Quốc Vương An Thạch từng miêu tả “Năm cũ đi qua cùng tiếng pháo, năm mới về trong rượu nồng và gió xuân”. Từ đó, tục đốt pháo vào ngày tết càng trở nên phổ biến hơn ở các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Và nhiều năm qua, đáp ứng nhu cầu đón năm mới của nhân dân, hầu hết các địa phương trong cả nước đều bố trí bắn pháo hoa đón năm mới dương lịch và đêm giao thừa âm lịch hằng năm. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng tổ chức bắn pháo hoa đón năm mới như thế. Điều đó dần trở thành nét đẹp văn hóa, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin, hy vọng tốt đẹp về một năm mới trong cộng đồng.

Thế nhưng, những ngày tết vừa qua, đặc biệt là trong đêm giao thừa, tiếng pháo nổ, pháo hoa nổ ì đùng ở khắp mọi nơi. Tiếng pháo khiến không ít người giật mình đặt câu hỏi pháo ở đâu ra nhiều thế? Pháo Bộ Quốc phòng không gây tiếng nổ, không thể dẫn tới hơn 600 người phải đi cấp cứu dịp tết vừa qua, trong đó một số địa phương có người thiệt mạng ngay ngày tết vì đốt pháo như ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Đó chắc chắn là pháo lậu. Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chỉ riêng lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã triệt phá hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán trái phép pháo nổ, trong đó nhiều vụ thu giữ hàng trăm ki-lô-gam pháo, như vụ tối 6-1-2024 đã phát hiện, tạm giữ người và tang vật tới 355kg pháo… Thực trạng này không chỉ diễn ra dịp tết Nguyên đán năm nay, ở một vài địa phương, mà trong nhiều năm trước và trên cả nước cũng xảy ra tương tự.

Và hậu quả của những tiếng nổ, những vụ buôn lậu pháo không chỉ dừng lại các con số thống kê. Đó còn là sự coi thường pháp luật của cả kẻ buôn pháo lậu và người sử dụng pháo. Đáng lo hơn, số người sử dụng pháo ngày một nhiều hơn, phổ biến hơn, phạm vi đối tượng rộng hơn, nghĩ ra cách đối phó phong phú hơn. Nhiều người “hồn nhiên” lý sự đốt pháo không sợ lực lượng chức năng vì sẽ trả lời mua pháo ở tiệm, tiệm bán công khai thì mua, không biết là pháo gì vì chưa đốt nên chưa biết, hoặc trả lời không đốt, không biết ai đi qua vừa đốt…

Nét đẹp văn hóa nào cũng cần được gìn giữ. Quy định nào của pháp luật cũng cần được thực thi. Phong tục, quy định không được thực hiện một cách văn hóa và nghiêm minh sẽ phản tác dụng. Tiếng pháo trong đêm giao thừa cũng như các vi phạm quy định khác cũng vậy, nếu không sớm được xử lý dứt điểm, như câu thành ngữ “Cái sảy nảy cái ung”, sẽ để lại hậu quả khôn lường, đó là dần làm mất đi ý thức chấp pháp của cộng đồng.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/154440/y-thuc-chap-phap-cua-cong-dong