Y tế tư nhân hỗ trợ nhà nước trong công tác phòng chống HIV/AIDS

Hiện nay có nhiều cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV như nam, nữ đồng giới, chuyển giới, tiêm chích ma túy.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long.

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và USAID/PATH Healthy Markets đã tổ chức hội thảo về sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm điểm lại những tiến bộ, cơ hội và thách thức làm cơ sở đưa ra các định hướng chiến lược tiến tới “Chấm dứt AIDS vào năm 2030”.

Y tế tư nhân dễ tiếp cận đối tượng nhiễm HIV/AIDS

Ngoài nguồn lực tài chính từ bảo hiểm y tế và ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đóng góp cho các hoạt động tạo cầu, cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV cũng đóng vai trò vô cùng quan trong để duy trì Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa việc bảo đảm ưu tiên nguồn lực công cho những người yếu thế và nghèo nhất thông qua cung cấp hàng hóa và dịch vụ miễn phí hoặc trợ giá, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng và sẵn sàng chi trả sẽ tạo ra hiệu quả trong phòng chống HIV/AIDS.

Theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, hiện nay mạng lưới đồng đẳng viên, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia tích cực vào việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao, tuyên truyền, vận động họ đi xét nghiệm HIV. Từ năm 2015 cho đến nay, hơn 150.000 người đã được xét nghiệm HIV thông qua các tổ chức cộng đồng và các doanh nghiệp xã hội của cộng đồng.

Các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su. Hiện nay, hơn 50% số vật dụng can thiệp này được cấp phát thông qua mạng lưới đồng đẳng viên và các tổ chức cộng đồng.

Ngoài gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công, ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân khác đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT. Sự tham gia của y tế tư nhân đã góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

“Về điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP), cả nước hiện có hơn 3.000 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó hơn 70% số bệnh nhân này là điều trị tại các sở y tế tư nhân”, Thứ trưởng cho hay.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng chống HIV/AIDS. Đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã cung ứng 100% nhu cầu thuốc Methadone cho điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Thuốc ARV sử dụng nguồn BHYT cũng đã được các doanh nghiệp dược phẩm trong nước cung ứng. Vật phẩm can thiệp giảm hại như bơm kim tiêm, bao cao su cũng được mua trong nước...

Cung cấp nhiều lựa chọn mới

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long nói, HIV vẫn là bênh kỳ thị trong xã hội, vì thế y tế tư nhân sẽ có thuận lợi dễ tiếp cận hơn với người nhiễm HIV. Đặc biệt, y tế tư nhân có lợi thế như gần dân hơn, bảo mật thông tin, quy trình thủ tục đơn giản, nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe cho người có điều kiện hơn.

Những năm qua, Dự án Healthy Markets (HM) (được tài trợ bởi Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và do PATH thực hiện) đã hợp tác với Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2014 triển khai các hoạt động nhằm phát triển thị trường thương mại về hàng hóa và dịch vụ HIV rất hiệu quả.

Bà Kimberly Green, Giám đốc Dự án Healthy Markets, Giám đốc Toàn cầu của PATH về HIV/TB cho biết, hơn 50 doanh nghiệp xã hội (SE), các tổ chức cộng đồng (CBOs) và các phòng khám tư nhân của cộng đồng trong USAID/PATH Healthy Markets đang cung cấp những lựa chọn mới nhằm đáp ứng nhu cầu những người bị ảnh hưởng bởi HIV.

Đặc biệt, cộng đồng của những người có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy và phụ nữ mại dâm, đã chứng tỏ năng lực và tư duy doanh nghiệp của mình. Nhờ có được sự tin tưởng từ cộng đồng của mình, họ có thể cung cấp những dịch vụ linh hoạt phù hợp dựa trên sự thấu hiểu và không phán xét. Điều này đã góp phần lớn vào việc tăng phát hiện và giảm lây truyền HIV.

Bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Namnhấn mạnh, trong tương lai, khu vực tư nhân là một thành phần then chốt và sẽ tiếp tục là một nguồn lực chính khi mà các nhà tài trợ quốc tế không còn tham gia tài trợ cho các nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay lĩnh vực y tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn như năng lực cung ứng dịch vụ còn hạn chế, thị trường cung cấp thuốc còn hẹp, ít lợi nhuận vì chủ yếu làm từ thiện, thiếu thống kê, báo cáo. Do đó, để đạt mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn cần có sự tham gia của y tế tư nhân một cách bền vững, trong đó, cần có cơ chế rõ ràng và nguồn tài chính lâu dài.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/41412202-y-te-tu-nhan-ho-tro-nha-nuoc-trong-cong-tac-phong-chong-hiv-aids.html