Y tế trường học -Những 'khoảng trống' cần lấp

PTĐT - Y tế trường học (YTTH) có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh,  nhằm giúp giáo viên, học sinh an tâm trong giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ...

Trường mầm non Thục Luyện, huyện Thanh Sơn hợp đồng với cán bộ Trạm y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể đầu năm học cho học sinh.

Trường mầm non Thục Luyện, huyện Thanh Sơn hợp đồng với cán bộ Trạm y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể đầu năm học cho học sinh.

PTĐT - Y tế trường học (YTTH) có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, nhằm giúp giáo viên, học sinh an tâm trong giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường gặp phải khó khăn, bởi phần lớn nhân viên YTTH phải kiêm nhiệm. Nhiều trường bắt buộc phải ký hợp đồng với cán bộ trạm y tế xã để duy trì hoạt động YTTH.

Vai trò của y tế học đường

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Phú Thọ, gắn bó với công tác YTTH gần chục năm đã giúp anh Lê Văn Huấn, nhân viên y tế của Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng tự đúc kết và rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm để làm nhiệm vụ tốt hơn. Anh chia sẻ: “Với đặc thù học sinh ở nội trú, do đó, hàng ngày tôi luôn phải bám sát tình hình, theo dõi sức khỏe học sinh cả giờ trên lớp cũng như ăn ở, sinh hoạt ở khu nội trú, từ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) cho đến nhắc nhở học sinh dọn dẹp vệ sinh nơi ở, tạo cảnh quan sạch đẹp, gọn gàng”. Bình quân mỗi năm, phòng Y tế của trường tiếp nhận từ 500-600 lượt học sinh đến chăm sóc sức khỏe ban đầu với một số bệnh thường gặp như: Rối loạn tiêu hóa, đau đầu... Cô giáo Trần Thị Hải Vân- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ có nhân viên y tế chuyên trách nên hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, phòng chống dịch bệnh, ATTP được thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường”.
Không có biên chế nhân viên y tế, nhưng từ năm 2017, Trường THCS Hùng Lô, thành phố Việt Trì quyết định ký hợp đồng với một cán bộ có bằng trung cấp y tế đa khoa và chứng chỉ hành nghề y. Mặc dù khó khăn trong việc bố trí nguồn chi trả lương cho hợp đồng nhân viên y tế, song các hoạt động YTTH của trường vẫn đảm bảo thường xuyên, hiệu quả. Thầy giáo Đặng Quang Trung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường cũng cố gắng cân đối các khoản thu chi để trích một phần chi trả lương cho nhân viên y tế, bởi với hơn 350 học sinh như hiện nay rất cần được cung cấp kiến thức liên quan đến sức khỏe, sự thay đổi tâm sinh lý cũng như việc sơ cứu ban đầu cho học sinh mà thiếu nhân viên y tế thì thiệt thòi cho các em”. Từ thực tế nắm bắt việc triển khai hoạt động y tế tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, cho thấy YTTH có vai trò quan trọng không chỉ thực hiện sơ cấp cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe học sinh, mà còn tích cực tuyên truyền phòng các bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học. Nhiều trường xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó, khi YTTH được thực hiện một cách bài bản sẽ tạo nền tảng, tác động quan trọng, giúp học sinh phát triển đồng bộ từ sức khỏe, trí tuệ lẫn tinh thần. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư phòng y tế với các trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu. Là trường có số lượng học sinh đông với trên 1.240 em, trong đó 92% học sinh ăn bán trú, Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì đã quan tâm đầu tư đầy đủ trang thiết bị cho phòng y tế. Cô Hoàng Thúy Liễu - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ việc trang bị cơ bản đầy đủ trang thiết bị y tế, trường đã có điều kiện đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức phòng bệnh để tạo ý thức cá nhân cho các em. Chẳng hạn như đối với học sinh mới vào lớp 1, nhân viên YTTH phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm uốn nắn các em từ tư thế ngồi học để phòng tránh cận thị đến nền nếp bữa ăn, giấc ngủ”. Ông Ngô Xuân Ban - Chuyên viên phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT nhận định: “Mặc dù công tác YTTH trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng các trường đều có sự nỗ lực, phối hợp và thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, quản lý các bếp ăn, căng tin; thực hiện hợp đồng cung cấp thực phẩm theo quy định; quan tâm bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu tại phòng y tế để đáp ứng điều kiện khám, chữa bệnh thông thường; tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe cho học sinh”. Các trường đã tạo mọi điều kiện để nhân viên y tế được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao trình độ chuyên môn; bằng nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa đầu tư xây dựng các bếp ăn bán trú một chiều, hệ thống vòi nước rửa tay nhà vệ sinh đảm bảo theo quy định.Để công tác YTTH được triển khai có hiệu quả hơn, việc tham gia BHYT của học sinh có vai trò quan trọng. Đơn cử như năm học 2019-2020, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 98,63%; cơ quan BHXH tỉnh đã trích chuyển nguồn kinh phí y tế trường học cho các trường hơn 9,7 tỷ đồng. Với số tiền này, các trường sử dụng phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại nhà trường.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì thực hiện lưu mẫu thức ăn 24h, đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì thực hiện lưu mẫu thức ăn 24h, đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường.

Khó khăn cần tháo gỡ
Theo quy định về vị trí việc làm, mỗi cơ sở giáo dục đều có một nhân viên YTTH chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên đã dẫn đến nhân viên y tế các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường giáo viên phải kiêm nhiệm công tác y tế và không có trình độ chuyên môn về y.
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Thanh Sơn đón trên 790 học sinh. Vì trường không có nhân viên y tế chuyên trách, nên nhiều năm nay, cô Nguyễn Thị Nội Vụ vừa đứng lớp 3 buổi/tuần, vừa kiêm nhiệm y tế học đường và quản lý phòng thư viện thiết bị. Không có bằng cấp ngành y, không có chứng chỉ hành nghề y, cô Vụ được nhà trường cử đi tập huấn để có thể thực hiện sơ cứu ban đầu cho học sinh khi có vấn đề về sức khỏe như: Xoa dầu, đo thân nhiệt, rửa vết thương… Những trường hợp nặng hơn, cô có trách nhiệm thông báo cho gia đình để đưa học sinh đến cơ sở y tế. Qua tìm hiểu được biết, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn đang ký hợp đồng với trạm y tế các xã, thị trấn để được bố trí nhân viên thực hiện nhiệm vụ y tế trường học.Không chỉ ở huyện miền núi Thanh Sơn gặp khó khăn về nhân viên y tế chuyên trách mà tình trạng này cũng đang đặt ra vấn đề đối với nhiều trường học trong tỉnh. Đơn cử như Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì, có nhân viên y tế hợp đồng với đầy đủ bằng cấp nhưng lại gặp khó khăn về vấn đề trả lương. Để đảm bảo mức lương 3,6 triệu đồng/tháng chi trả cho nhân viên y tế, nhà trường đã phải trích kinh phí từ nguồn phục vụ học sinh bán trú. Mặc dù được BHXH trích thanh toán 5% từ nguồn thu BHYT học sinh nhưng số tiền này cũng chỉ đủ để trường mua sắm bổ sung một số trang thiết bị y tế cần thiết, thuốc và các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trong số hơn 900 trường học từ mầm non đến THPT, hiện chỉ có 27 biên chế y tế ở các cấp học, còn lại là giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng và hầu hết không có chứng chỉ hành nghề. Tìm hiểu nguyên nhân các trường học thiếu nhân viên y tế được biết năm 2015, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1991/UBND-VX4, trong đó yêu cầu Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành, thị tạm thời dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2378/VPCP-KGVX ngày 8/4/2015. Căn cứ vào Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động hợp đồng với cá nhân có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề y hoặc với cán bộ của trạm y tế. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng đã nảy sinh nhiều bất cập đối với hoạt động của nhà trường. Cô giáo Phạm Thị Kim Luyến - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng bày tỏ: “Nhân viên y tế là người của Trạm y tế sẽ không đảm bảo tính kịp thời của việc sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn, sự cố về sức khỏe của học sinh. Có những trường hợp học sinh ốm đau đột xuất, trực tiếp cán bộ, giáo viên phải xử lý chuyển các em sang trạm y tế”. Theo cô, để giảm bớt khó khăn này, các ngành chức năng cũng nên tính toán lại, để đưa ra quy định đối với trường có bao nhiêu học sinh trở lên thì cần có một nhân viên y tế. Như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho những trường có sĩ số đông mà giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều chức danh, trong đó có YTTH.Trước thực tế trên, đặt ra vấn đề làm thế nào để công tác YTTH thực sự phát huy hiệu quả. Ông Ngô Quang Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đoan Hùng đề xuất: “Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ cần có sự thống nhất, phối hợp của nhiều ngành chức năng. Về phía ngành giáo dục chỉ có thể đảm bảo cho công tác dạy và học. Còn về cơ chế chính sách cụ thể cho đội ngũ nhân viên YTTH, quy định khám chữa bệnh BHYT, chúng tôi rất mong có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành Y tế, BHXH, Nội vụ”. Từ những băn khoăn của những người hàng ngày, hàng giờ bám trường, bám lớp, chăm chút cho học sinh, có thể thấy, quá trình thực hiện quy định nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhân viên YTTH là cần thiết, song các cấp, ngành cũng cần có sự phối hợp, điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong hoạt động YTTH nhằm đảm bảo sức khỏe học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Anh Thơ - Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202011/y-te-truong-hoc-nhung-khoang-trong-can-lap-173842