Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Điều trị ung thư: Bức tranh nhiều màu sáng

TTH - 'Nhìn vào bức tranh ung thư nhiều người thấy đen tối lắm. Nhưng với tôi thì khác, tôi thấy mỗi lúc bức tranh này lại sáng lên. Cơ hội phát hiện, điều trị dứt điểm ung thư của người bệnh ngày một khả quan hơn bao giờ hết…'. Thông điệp ấy được GS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị khoa học phòng, chống ung thư thường niên - Huế 2021. 'Bức tranh' ấy đang được Trung tâm Ung Bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) điểm thêm những gam màu ngày càng sáng.

Trẻ được gây chú ý để đánh lạc hướng trong quá trình xạ trị

Trẻ được gây chú ý để đánh lạc hướng trong quá trình xạ trị

Thêm nhiều người vui

Nếu không được giới thiệu thì người thoạt nhìn qua khó nhận ra ông Lê Đ. Đ. (Triệu Phong, Quảng Trị) là một bệnh nhân đang điều trị ung thư. Ông hoạt ngôn, hay cười và nói chuyện nhẹ tênh về căn bệnh mình đang điều trị - u trực tràng ác tính. Có thể do “chất lính” còn quá đậm trong người cán bộ quân đội hưu trí này, nhưng cũng có thể vì ông đã chuẩn bị cho mình một tâm lý quá tốt để cùng các bác sĩ chiến đấu với bệnh tật. Ông Đ. được phát hiện bệnh khi khối u mới đang ở giai đoạn 1 tiến triển. Sau ca mổ cắt một đoạn ruột tại Bệnh viện Quốc tế - Trung ương Huế, nay ông đang tham gia xạ trị tại Trung tâm Ung Bướu. “Các bác sĩ đã giải thích rất kỹ rồi. Sau phẫu thuật cắt ruột, tôi được xạ trị bổ trợ để diệt mầm mống tế bào ung thư. Liệu trình xạ trị 25 mũi, tôi đã gần xong rồi”, ông Đ. cười thành tiếng.

Bên dãy hành lang thoáng rộng của Trung tâm Ung Bướu, câu chuyện của ông Đ. rổn rảng quanh những ngày ông “theo bệnh” nhưng lại không vướng chút nặng nề. Ở đó, có chuyện người cha đã luống tuổi mong sớm được về nhà để phụ vợ chăm sóc cô con gái út không khỏe, chuyện bệnh nhân lấy bệnh của mình để “lên” tinh thần cho một đồng đội mới nhập trung tâm điều trị. Ông vui vẻ: “Trước đây, cứ nghe đến u là sợ lắm. U ác còn sợ hơn, không dám để dao kéo mổ xẻ đụng vô người. Nhưng nay thì khác rồi. Đau ốm thì vào viện. Ở đây, mọi thứ đều sạch sẽ, hiện đại, lại được nhân viên y tế chăm sóc đàng hoàng nên yên tâm hẳn”.

Vừa qua một đợt hóa trị, nên chị Phan Thị T. T. (Lâm Đồng) có vẻ mệt và phải truyền nước. Chị T. có đôi mắt rất đẹp, thu hút mọi ánh nhìn của người đối diện, mặc cho mái đầu chỉ với những sợi tóc lún phún đang mọc lại. Cuối năm 2021, sau một chuyến về thăm quê tại Quảng Trị, chị T. vào Huế kiểm tra sức khỏe thì được xác định ung thư cổ tử cung. Từ đó đến nay, chị để lại 2 con nhỏ cho chồng và mẹ để tập trung điều trị. Với giai đoạn 3 của bệnh, chị được điều trị bằng phương pháp hóa – xạ trị kết hợp. Chị đã đi được nửa chặng đường theo liệu trình.

“Những ngày mới biết mình có bệnh, lo và mất tinh thần nhiều lắm. Nhưng nay tinh thần đã ổn hơn rất nhiều rồi. Ở nhà, mình có chồng và gia đình động viên. Ở đây, mình được các bác sĩ khuyên nhủ, động viên và đưa ra lộ trình điều trị rõ ràng nên rất yên tâm. Mình một lòng một dạ theo các bác thôi”, chị T. tâm sự. Mệt nên chị không nói được nhiều, nhưng niềm tin về một ngày không xa được khỏe mạnh để về với con nhỏ, với cuộc sống thường ngày vẫn hiện rõ. Rồi chị nhìn về các bạn cùng phòng, ấm áp: “Những ngày mệt quá thì thôi, còn lại thì ở đây ai cũng lạc quan, vui vẻ và cả ca hát để động viên nhau. Mỗi người từ mỗi tỉnh cùng về đây chữa bệnh rồi gặp nhau mà hỗ trợ tinh thần, đùm bọc nhau như người thân. Cứ vậy mà yên tâm theo các bác sĩ mà điều trị thôi”.

Chung sức chung lòng

Hiện nay, Trung tâm Ung Bướu của Bệnh viện Trung ương Huế có 500 giường, với 5 khoa điều trị, gồm: Phẫu thuật, Xạ trị, Hóa trị, Chăm sóc giảm nhẹ và Y học hạt nhân. Nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại được ứng dụng thực hiện tại trung tâm, khẳng định vị thế ngày càng tiệm cận với các trung tâm ung bướu trên thế giới về trang thiết bị và hiệu quả điều trị.

Năm 2015, Bệnh viện Trung ương Huế đã chính thức đưa vào sử dụng hệ thống máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư hiện đại nhất Việt Nam tại Trung tâm Ung Bướu. Đó là hệ thống máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư Axesse Elekta, thuộc Dự án ODA của Chính phủ Áo tài trợ trị giá 6 triệu đôla Mỹ. Bệnh nhân được hưởng lợi từ nhiều kỹ thuật xạ trị tiến tiến như: xạ trị điều biến liều, xạ trị hình cung điều biến thể tích, xạ phẫu định vị... Hệ thống có nhiều mức năng lượng khác nhau để đáp ứng từng loại khối u. Có hệ thống cone-beam CT kiểm soát hình ảnh thực của các thể tích chiếu xạ. Có cấu tạo robot điều chỉnh các vị trí bệnh nhân thích hợp để dòng tia đến khối u gần nhất, hiệu quả nhất.

Tích lũy theo thời gian, Trung tâm Ung Bướu được Bệnh viện Trung ương Huế đầu tư thêm nhiều trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Đồng thời, tranh thủ các nguồn tài trợ và tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên và kỹ sư tham gia các lớp đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn khi có cơ hội học tập ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư trong nước và nước ngoài. Đến nay, các bác sĩ, phẫu thuật viên đã triển khai nhiều kỹ thuật mổ phức tạp, tinh tế như: vừa phẫu thuật ung thư vừa kết hợp tạo hình thẩm mỹ - chức năng; áp dụng các liệu pháp mới, như: điều trị nhắm đích phân tử, điều trị miễn dịch; áp dụng các phác đồ phối hợp hóa - xạ trị cho nhiều loại ung thư, thông qua hội chẩn của ban khối u theo mô hình điều trị ung thư đa chuyên khoa chuẩn mực của thế giới.

Giới thiệu về những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực điều trị ung thư tại đơn vị, PGS.TS.BS. Phạm Nguyên Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ung Bướu nhấn mạnh: Để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị ung thư là sự phối kết hợp một cách chặt chẽ nhiều phương pháp: phẫu, xạ, hóa, điều trị đích, nội tiết… Trong đó, quan trọng là phối hợp điều trị đa chuyên khoa. Trước một bệnh nhân sau khi chẩn đoán ung thư gì, giai đoạn nào thì có một hội đồng gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực: điều trị, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, thăm dò chức năng… cùng ngồi lại để thống nhất đưa ra một phương pháp điều trị tốt nhất cho bản thân bệnh nhân đó, theo nguyên lý y học cá thể hóa, không ai giống ai. Do đó, thành công của Trung tâm Ung Bướu là sự thành công của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện cùng phối kết hợp. Vấn đề này không có nhiều đơn vị trong nước làm được, mặc dù họ có tiềm lực, có thế mạnh nhưng chưa đạt được tiếng nói chung nên chưa đem lại hiệu quả thực sự.

Qua 9 năm tổ chức, Hội nghị khoa học phòng, chống ung thư thường niên - Huế hàng năm đã chứng tỏ được uy tín về chất lượng khoa học, thu hút sự quan tâm của các nhà thực hành lâm sàng ung bướu trên cả nước và quốc tế, trở thành hội nghị khoa học thường niên của Hội Ung thư Việt Nam. Hội nghị có 2 điểm nổi bật là vừa tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa, vừa là diễn đàn để các chuyên gia ung thư Việt Nam và nước ngoài báo cáo các nghiên cứu, những thành công trong năm. Từ đó, phát huy có hiệu quả hơn chiến lược phòng, chống ung thư trong nước cả chiều rộng và chiều sâu.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: BVCC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dieu-tri-ung-thu-buc-tranh-nhieu-mau-sang-a112511.html