Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM, ĐẦU TƯ THỎA ĐÁNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Tại phiên họp cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng y tế cơ sở, y tế dự phòng có vị trí, vai trò rất quan trọng, cần được quan tâm đầu tư thỏa đáng trong thời gian tới.

Kịp thời đáp ứng yêu cầu, tạo hiệu quả tích cực trong bối cảnh đại dịch

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 6/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 51/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề. Đoàn giám sát đã Ban hành Kế hoạch, Đề cương giám sát yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân báo cáo; giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát. Tổ chức giám sát trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; làm việc với Chính phủ để làm rõ các thông tin, số liệu và thống nhất nội dung kết quả giám sát.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính hỗ trợ trực tiếp trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Chất lượng hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng được nâng lên

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ. Theo đó, Quốc hội ban hành 7 Luật, 2 Nghị quyết chuyên đề về y tế và nhiều Nghị quyết có nội dung liên quan, Chính phủ và các bộ, ngành cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định…

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhân lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến; tuyến xã là 15,8%. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện.

Chưa thể đáp ứng khi có dịch bệnh lớn xảy ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu lên các tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng còn một số vướng mắc. Cụ thể, nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng, nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đáng chú ý, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng."

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Qua rà soát các báo cáo, vẫn còn một số địa phương chi cho y tế dự phòng ở mức thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, nội dung chuyên đề giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” rất đúng và trúng, được dư luận xã hội quan tâm. Qua thực tế công tác phòng, chống dịch ở nước ta đã cho thấy những tồn tại, yếu kém của y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trước đây chúng ta cũng đã thấy, nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra trên phạm vi cả nước thì phản ứng ở y tế cơ sở, y tế dự phòng thể hiện rõ hơn những mặt tồn tại, yếu kém.

Cần được đầu tư thỏa đáng trong thời gian tới

Với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát. Trong đó, cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phải hoàn thành trước 31/12.

Đoàn giám sát kiến nghị kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, chú trọng nhân lực làm việc tại trạm y tế xã về y tế dự phòng; Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sỹ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức; bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt, có chủ trương, chương trình, dự án đầu tư công để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, qua Báo cáo của Đoàn giám sát đã thấy rõ vị trí, vai trò rất quan trọng của lực lượng ý tế cơ sở và y tế dự phòng này trong tình hình bình thường cũng như trong phòng, chống dịch vừa qua. Tuy nhiên, với lực lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng như hiện tại chỉ đủ sức giám sát và khống chế các dịch bệnh phổ biến mà chưa đủ khả năng ứng phó với các tình huống lớn xảy ra như dịch COVID.

Trong Báo cáo cũng phản ánh có những địa phương cấp huyện đã bỏ Phòng y tế, đưa chức năng quản lý nhà nước về y tế cho Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện. Do vậy, đề nghị Đoàn giám sát xem xét cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn của mô hình này như thế nào trong điều kiện bình thường và trong phòng, chống dịch thì có đáp ứng được các yêu cầu của phòng, chống dịch hay không. Để từ đó nghiên cứu, đề xuất nội dung này vào trong dự thảo Nghị quyết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Ở xã, phường, thị trấn… có Trung tâm y tế dự phòng thì cần phải đầu tư trang thiết bị như thế nào, đầu tư nguồn nhân lực ra sao? Trước đây, chúng ta khuyến khích ở xã phải có bác sĩ, tuy hiên hiện tại trong cả nước bao nhiêu xã chưa có bác sĩ, bao nhiêu trung tâm y tế dự phòng đủ biên chế theo quy định? Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nội dung này cần phải được báo cáo rõ ràng, cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe kết quả thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, không phải chỉ là tổng kết một Nghị quyết của Trung ương hay một Nghị quyết của Quốc hội, mà cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?

Đối với những khó khăn trong y tế dự phòng và y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ngành y tế hay thuộc về các địa phương, đề xuất mô hình, hệ thống, biên chế ra sao để khắc phục những tồn tại hiện có, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để triển khai trên phạm vi cả nước./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74794