Ý niệm từ chuyện của Nàng Thê

Tiểu thuyết 'Câu chuyện của Nàng Thê', sáng tác mới nhất của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt, gợi nên một cơn mưa xuân.

 Sách "Câu chuyện của Nàng Thê". Nguồn: tonvinhvanhoadoc.

Sách "Câu chuyện của Nàng Thê". Nguồn: tonvinhvanhoadoc.

Trong cơn mưa ấy, mầm sống được ấp ủ từ mùa đông giá buốt như động cựa và được đánh thức, đâm chồi nảy lộc, tựa như tình yêu của hai mảnh linh hồn Nàng Thê và Nam Mộc.

Khác với Nàng Thê và các nhân vật phụ khác, Nam Mộc xuất hiện rất ít và mờ nhạt trong tiểu thuyết, nếu không để ý, ta sẽ không thể nào nhận ra chàng. Ngược lại, một phiên bản linh hồn khác của Nam Mộc, tức nhánh cây mọc lên từ nơi vết thương thân cây gỗ bị đốn ngã, mang theo một phần ý chí và tình cảm của cây chính, sau khi tu tập trưởng thành đồng thời luân hồi chuyển thế theo cuộc đời Nàng Thê, lại là hình bóng xuất hiện nhiều hơn.

Cũng bởi có ý chí và tình cảm đó, mà Nàng Thê nguyên thân là cây Sứa Đam từng được Nam Mộc che chở đã lầm lẫn giữa cành Nam Mộc thứ hai này và bản thân Nam Mộc…

Họ mải miết tìm nhau, không mong cầu bất cứ một lời hồi đáp hay kết quả, họ tìm kiếm nhau theo bản năng, nếu không tìm được nhau thì thà rằng, thân nát hồn tan, quyết chẳng hai lòng. Dẫu nàng đã uống nước Đoạn Hà - thứ nước khiến người ta lãng quên hết thảy, dẫu ông già Tiểu Ngục đã dặn dò rằng, nàng chẳng thể nào nhớ được gương mặt của người kia thì nàng vẫn quả quyết chèo đi chỉ bởi thấu tỏ người đàn ông mình yêu vẫn đang tồn tại giữa nhân gian, vũ trụ này.

Anh hùng đa nạn, hồng nhan đa truân, mỗi lần luân hồi là thêm một lần đau đớn, nhưng Nàng Thê và Nam Mộc vẫn đi tiếp, có khi họ đã chạm mặt nhau, lướt qua nhau nhưng chẳng thể đến được với nhau, dẫu chết đi cũng phải chết theo nhau. Tựa như ước nguyện cố chấp của Nàng Thê, kiếp kiếp muốn được làm phụ nữ để tìm người đàn ông mình yêu thương.

Các nhân vật khác trong tiểu thuyết được xây dựng phong phú, từ chung một vùng đất họ đến với nhân gian, biến thành những người khác nhau đan chêm vào mỗi bận luân hồi của Nàng Thê và Nam Mộc, có khi là trợ thủ, cũng có khi là kiếp nạn để rồi sau khi tu tập qua nhiều kiếp thì dần buông bỏ chấp niệm…

Điều tạo nên được sự thú vị của cuốn tiểu thuyết không chỉ nằm ở văn phong, kết cấu mà còn ở cách gài cắm tình tiết. Ưu điểm của cuốn sách là nén gọn, ôm trọn các kiếp luân hồi, các thân phận, lý giải sự bao dung của vũ trụ chỉ với hơn hai trăm trang sách.

Phạm Giai Quỳnh / Thời nay

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-niem-tu-chuyen-cua-nang-the-post1367627.html