Ý nghĩa từ các bức hoành phi, câu đối tại Đền Hùng

PTĐ - Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt, Đền Hùng từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, là nơi cháu con trở về với cội nguồn dân tộc.

Cổng chính Đền Hùng là bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” cùng các câu đối.

PTĐT -Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt, Đền Hùng từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, là nơi cháu con trở về với cội nguồn dân tộc. Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối có giá trị thiêng liêng tri ân công đức Tổ tiên, khẳng định sự trường tồn vững mạnh của đất nước và tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng có khoảng gần 100 bức hoành phi, câu đối, được sơn son thếp vàng lộng lẫy, đục chạm công phu trên đá hoặc gỗ quý, bề mặt hoành phi trang trí triện gấm, vẽ lưỡng long tranh châu. Nội dung chính chủ yếu truyền đạt 3 vấn đề về: thờ Phật; thờ các Vua Hùng, vợ con cùng các tướng lĩnh; dạy dỗ đời sau gìn giữ lịch sử.
Bốn chữ ấy vốn được lấy trong Kinh Thi bộ sách Tứ Thư Ngũ Kinh ông cha ta sử dụng trong khoa cử thời xưa và trích ra từ bài Xa Hạt, phần Tiểu Nhã được thể hiện ngay ở hai câu thơ đầu “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” nghĩa là: Núi cao để ngưỡng trông, đường lớn dùng để đi và có thể dịch thơ rằng: Núi cao thì để ngưỡng trông, đường lớn là để đồng lòng dân đi. Rõ ràng lên núi cao nhìn ngắm, lên núi thì phải có đường, mà con đường lớn để đồng bào và nhân dân cùng đi, cùng theo tạo nên sự đoàn kết một lòng của toàn dân tộc, đi cùng một con đường triệu người như một leo lên đến đỉnh núi Hùng thắp cho tiên Tổ một nén tâm nhang. Con đường tâm linh, con đường đoàn kết, đích cuối cùng con đường đưa tới là để tri ân công đức tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.

Như một thông điệp nhắc nhở con cháu khi về với Đền Hùng sẽ biết và nhớ nơi đây là cội nguồn dân tộc, bởi đất nước này được khởi nguồn, tạo dựng từ đây - nơi vùng đất đất linh thiêng, nghìn năm nước nhà được gìn giữ vững bền, cây cỏ tốt tươi, mùa màng bội thu.

Cùng với đó, là các bức hoành phi, đại tự tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Giếng đều có ý nghĩa ca ngợi công đức Vua Hùng, giáo dục con cháu, thế hệ mai sau phải biết “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức Tổ tiên như: Kiền khai khôn hợp (cha mẹ sinh ra bọc trăm trứng) ở Đền Hạ; Hùng Vương linh tích (vết tích linh thiêng của Vua Hùng), Hùng Vương tổ miếu (miếu tổ Hùng Vương) ở Đền Trung; Triệu cơ vương tích (Vết tích vua trên nền đầu tiên), Tử tôn bảo chi (Con cháu giữ gìn) ở Đền Thượng; Ẩm hà tư nguyên (uống nước nhớ nguồn ) ở Đền Giếng...

Đi cùng với hoành phi là những câu đối. Tại quần thể di tích có 55 đôi câu đối. Cũng giống như hoành phi, dù câu đối mặt phẳng hay lòng máng, gắn tường, chạm đá hay trên gỗ đều mang ý nghĩa to lớn được ông cha ta truyền tải cho hậu thế. Trong số các câu đối tại Đền Hùng, nhiều câu mang tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền mạnh mẽ... như câu đối ở Đền Thượng:

Tư tưởng non sông “Bách Việt đã có Tổ”, “thiên thư định phận” trên câu đối đã thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, quyết tâm giữ vững chủ quyền dân tộc, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Câu đối tại Đền Hạ

Bên cạnh đó, nội dung đề cao tín ngưỡng Phật giáo, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, được thể hiện rõ nét trên 9 bức hoành phi và 1 câu đối tại chùa Thiên Quang nằm trên Đền Hạ như: Cam lộ phổ triêm ( Mưa móc nhà Phật thấm khắp); Túc uy phong vân ( Nghiêm túc uy nghi biến hóa vô thường); Khí cao tinh hán (Chí khí cao vời của Phật)… Cùng câu đối:

Bức hoành phi, câu đối tại chùa Thiên Quang, nhắc nhở chúng ta về công lao to lớn của Đức Phật luôn mang lại những điều an lành, tốt đẹp cho chúng sinh và các vị thiền sư có vị trí quan trọng trong những thời đại hưng thịnh của đất nước. Khẳng định Phật giáo đã sinh tồn cùng dân tộc.

Hoành phi, câu đối tại Lăng Vua Hùng thứ 6

Theo ông Nguyễn Ngọc Tăng –Chi Hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian huyện Lâm Thao, nguyên Chuyên gia nghiên cứu tư vấn giám sát Hán Nôm Đền Hùng cho biết: “Các câu đối Đền Hùng có nhiều dạng, nhiều nhất và lâu đời nhất là câu đối chữ Hán, sau đó là câu đối Hán Nôm và Quốc ngữ. Viết được bức hoành phi, câu đối với ý nghĩa sâu sắc, mỗi câu, mỗi từ đều lấp lánh tâm thức Việt như vậy thì ắt phải là những đấng văn chương, các bậc túc nho hay chữ hoặc cao siêu hơn là của các đấng Quân Vương”.

Từng nét chữ đã thể hiện lịch sử của dân tộc từ buổi đầu Vua Hùng dựng nước. Những mỹ tự được tạc, chạm trên hoành phi, câu đối để lưu lại cho con cháu mai sau, khắc ghi mãi mãi trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/den-hung/202104/y-nghia-tu-cac-buc-hoanh-phi-cau-doi-tai-den-hung-176179